Thu hút vốn đầu tư phát triển điện khí

Ngày 14-12, tại Hà Nội, Báo Điện tử VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức Diễn đàn 'Tiềm năng phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam'.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, phát triển điện khí phù hợp với chủ trương của Việt Nam trong Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII) để đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống và giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường, bù đắp thiếu hụt năng lượng cho hệ thống và đảm bảo đa dạng nguồn cung cấp nhiên liệu.

 Ông Phạm Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam phát biểu khai mạc diễn đàn.

Ông Phạm Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam phát biểu khai mạc diễn đàn.

Ngày 11-2-2020, Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW, “Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, coi đó là nền tảng, tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội.

Nghị quyết đã đưa ra nhiệm vụ phát triển công nghiệp khí: “Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ LNG”, đồng thời “chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống”...

Cơ hội cho việc sử dụng LNG cho Việt Nam được đánh giá cao. LNG là dạng năng lượng có phát thải thấp, đang có xu hướng sử dụng rộng rãi. Bên cạnh đó, nhu cầu và khả năng thương mại hóa mặt hàng LNG trên thế giới ngày một tăng và phổ biến hơn, tốc độ tăng bình quân khoảng 6%/năm, từ đó cho thấy nguồn cung sẽ tiếp cận dễ dàng và khả thi hơn so với giai đoạn trước. Tuy nhiên có nhiều biến số cho phát triển điện khí LNG ở Việt Nam khi phải đối mặt với nhiều thách thức về thị trường, nguồn vốn, chính sách… mà phần lớn những vấn đề này giải quyết rất khó.

Quang cảnh diễn đàn.

Quang cảnh diễn đàn.

Muốn thu hút nguồn vốn phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch điện VIII, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng, phải giải quyết một số vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng và cơ chế chính sách. Trước hết, cần quy hoạch đồng bộ, tập trung các dự án kho cảng nhập khẩu LNG để tiết kiệm nguồn lực xã hội, phát triển kinh tế và từ đó thúc đẩy thị trường LNG trong nước phát triển. Việc quy hoạch đồng bộ, ổn định lâu dài kho cảng, cơ sở tái khí hóa lỏng, hệ thống đường ống dẫn, cơ sở phát điện khí là cơ sở để các nhà đầu tư tính toán bỏ vốn đầu tư.

Việt Nam cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở để triển khai xây dựng, sử dụng hạ tầng liên quan đến khí LNG, bao gồm các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật, thương mại, tài chính cần phải được hoàn thiện.

Về mặt cơ chế chính sách cần phải rõ ràng, khả thi, thực tế, bảo đảm quản lý và quy định hiệu quả, xây dựng hệ thống phân phối và tiếp cận thị trường và thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Về phát triển hạ tầng cần phải đầu tư xây dựng kho cảng LNG mới, hiện đại, theo tiêu chuẩn quốc tế, tại các vị trí chiến lược, đủ khả năng tiếp nhận tàu chở LNG có kích thước lớn, vừa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho an ninh kho cảng…

Tin, ảnh: VŨ DUNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/thu-hut-von-dau-tu-phat-trien-dien-khi-755426