Thủ khoa đầu ra Đại học Khoa học Tự nhiên tốt nghiệp ở tuổi 27

Từng theo học tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Trịnh Hải Sơn (27 tuổi) quyết tâm thi lại để theo đuổi đam mê. Sau 4 năm, giờ đây, Sơn đã tốt nghiệp thủ khoa đầu ra với GPA 3.92/4.

 Trịnh Hải Sơn là sinh viên K64 ngành Vật lý học, chương trình Vật lý quốc tế, Đại học Khoa học Tự nhiên. Ảnh: Ngọc Bích.

Trịnh Hải Sơn là sinh viên K64 ngành Vật lý học, chương trình Vật lý quốc tế, Đại học Khoa học Tự nhiên. Ảnh: Ngọc Bích.

Giữa tháng 6, Trịnh Hải Sơn - sinh viên K64 ngành Vật lý học, chương trình Vật lý quốc tế, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội - bất ngờ khi nhận thông báo là thủ khoa đầu ra của trường với GPA 3.92/4. Năm nay, Sơn đã 27 tuổi.

“Năm 2019, mình dừng theo đuổi lĩnh vực Công nghệ thông tin sau 4 năm. Mình tự ôn thi lại và trúng tuyển Đại học Khoa học Tự nhiên. Dù đến chậm, từ đây, mình đã có thể thỏa mãn với đam mê của bản thân trong lĩnh vực Vật lý", Hải Sơn chia sẻ.

Thấy may mắn khi có cơ hội sửa chữa

Hải Sơn sinh năm 1996 và từng là học sinh lớp chuyên Toán, trường THPT chuyên Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang). Năm 2014, Sơn thi đại học và trúng tuyển ngành Công nghệ thông tin, Đại học Bách khoa Hà Nội, với số điểm khá cao.

“Thời điểm đó, mình không định hướng nghề nghiệp rõ ràng và bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông. Thay vì chọn theo sở thích, mình lại chọn học một ngành hot và có điểm chuẩn tương ứng với số điểm mình đạt được”, Sơn nói.

Năm nhất đại học, Hải Sơn bị thu hút bởi những môn như Toán, Vật lý đại cương. Thế nhưng, kể từ năm 2, khi bắt đầu học những môn chuyên ngành, Sơn dần cảm thấy không hứng thú, không còn niềm yêu thích với Công nghệ thông tin. Càng học, nam sinh lại càng cảm tưởng như bị bào mòn mỗi ngày. Nếu cứ tiếp tục, Sơn e rằng bản thân sẽ lụi dần và sống mờ nhạt trong lĩnh vực đó.

Ngược lại, anh lại luôn bị thu hút bởi các kiến thức trong lĩnh vực Vật lý, nhất là kiến thức về cơ học lượng tử.

“Năm lớp 10, mình được học về 3 định luật Newton. Mình cảm thấy bất ngờ và nhận ra tầm quan trọng của Vật lý. Khi học đại học, mình tiếp tục bị hấp dẫn bởi hệ thống lý thuyết của cơ học lượng tử. Dưới kiến thức Vật lý, mọi sự vật, hiện tượng đều trở nên rõ ràng", Sơn nói.

Cảm nhận sự chênh lệch rõ ràng của bản thân ở 2 ngành học, thế nhưng, lúc đó, Sơn lại không đủ quyết đoán để dừng lại bởi sự khuyên ngăn từ gia đình, bạn bè. Nam sinh vẫn miệt mài học và duy trì điểm GPA ở mức 3.2 dù không hứng thú.

Chỉ đến cuối năm 4, sau khi hoàn tất thi cuối kỳ, Sơn quyết định ôn thi lại đại học. Đi ngược lĩnh vực Công nghệ thông tin đang là xu thế, Sơn lại chọn ngành khoa học cơ bản là Vật lý học để được sống với đam mê.

“Mình cảm thấy may mắn khi có khả năng, cơ hội và điều kiện để quay lại sửa chữa bởi mình biết nhiều bạn buộc phải đi theo lĩnh vực mà các bạn không đam mê, thậm chí làm trái ngành nghề vì hoàn cảnh không cho phép. Đối với mình, việc phải gắn bó với công việc không yêu thích giống như một cực hình”, Sơn chia sẻ.

Khi được hỏi liệu có tiếc thời gian, công sức khi học ở Đại học Bách khoa không, Sơn cho biết thay vì tiếc nuối, nam sinh lại cảm thấy khá may mắn vì có cơ hội được làm lại, đồng thời có thể tích lũy thêm kiến thức và áp dụng cho quá trình mới.

“Bốn năm tưởng dài, nhưng khi so sánh với việc cả đời được gắn bó với công việc yêu thích, hoặc so với phần còn lại của cuộc đời, mình lại thấy đó chỉ là khoảng thời gian nhỏ", nam sinh nói.

 Hải Sơn luôn cảm thấy may mắn vì có cơ hội và điều kiện để làm lại. Ảnh: Ngọc Bích.

Hải Sơn luôn cảm thấy may mắn vì có cơ hội và điều kiện để làm lại. Ảnh: Ngọc Bích.

Danh hiệu thủ khoa không phản ánh quá nhiều

Theo học tại Đại học Khoa học Tự nhiên, "già" hơn bạn cùng lớp 5 tuổi, Hải Sơn cho rằng đó chưa từng là vấn đề hay khó khăn với anh. Bên cạnh đó, anh cũng chưa từng nghĩ tới áp lực đồng trang lứa, khi các bạn cùng tuổi lần lượt ra trường và có công việc ổn định.

Chính những suy nghĩ tích cực trên đã khiến Sơn có 4 năm “toàn tâm, toàn ý" với việc học. Anh đánh giá bản thân có lợi thế khi xác định mục tiêu học tập rõ ràng, và vì từng trải qua, anh đã có kinh nghiệm và phương pháp học tập đúng. Đa số, anh đều tự học, xuất phát từ những kiến thức cơ bản thầy cô truyền đạt.

“Khi mình đam mê, điều gì cảm thấy chưa nắm rõ, mình sẽ tìm hiểu cho đến khi thông suốt thì thôi. Như vậy, khi làm các bài kiểm tra, mình sẽ trả lời tốt các câu hỏi”, Sơn kể.

Cứ thế, kỳ học nào, Sơn cũng nhận học bổng khuyến khích từ nhà trường. Bốn năm học vừa đủ để anh tích lũy những kiến thức quan trọng trong hệ thống Vật lý lý thuyết.

Đầu tháng 6, Sơn bảo vệ khóa luận tốt nghiệp và đạt điểm 9.9/10. Để đạt được điều này, 6 tháng trước đó là quãng thời gian căng thẳng, vất vả nhất trong suốt quá trình học.

Theo Sơn, thời hạn để hoàn thành khóa luận tốt nghiệp chỉ vỏn vẹn nửa năm, trong khi đó, các lý thuyết trong đề tài anh thực hiện chỉ mới được giải quyết tương đối trọn vẹn cách đây hơn 10 năm. Không ít đêm, Sơn phải thức trắng để học bởi phương pháp tìm hiểu lý thuyết mới hoàn toàn khác so với môn học thông thường.

"Mình phải tìm hiểu thông qua các bài báo khoa học quốc tế và gần như bắt đầu từ con số 0. Giảng viên hướng dẫn từng cảnh báo nếu chọn đề tài này, phải đến tháng 9, mình mới có thể hoàn thiện. Nhưng may mắn, mình đã kịp hoàn thành và tốt nghiệp đúng hạn", Sơn nói.

Thế nhưng, nhận điểm khóa luận tốt nghiệp hay biết tin là thủ khoa đầu ra, Sơn lại cảm thấy bản thân vẫn rất “bình thường". Theo nam sinh, điểm số không phản ánh tất cả, danh hiệu thủ khoa cũng vậy. Với anh, điều quan trọng là bản thân đã thu nạp được bao nhiêu kiến thức.

“Mình thấy danh hiệu thủ khoa đầu ra không khách quan và công bằng lắm bởi việc so sánh giữa các chương trình và ngành học là khập khiễng. Rất có thể, mình không giỏi và thông minh bằng một bạn nào đó không kịp tốt nghiệp đợt này", Sơn đánh giá.

Với trình độ và năng lực của Sơn, trao đổi với Tri thức trực tuyến, tiến sĩ Nguyễn Tiến Cường - Trưởng bộ môn Tin học Vật lý, Đại học Khoa học Tự nhiên - cho biết hiện Sơn đã được nhận ở lại làm trợ giảng tại khoa Vật lý của trường.

Để đi tiếp trên con đường khoa học, theo đuổi nghiên cứu và giảng dạy, Sơn cho biết trong thời gian làm trợ giảng, anh sẽ tìm kiếm thêm cơ hội du học nước ngoài. Nếu không, anh sẽ tiếp tục học trong nước.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/thu-khoa-dau-ra-dai-hoc-khoa-hoc-tu-nhien-tot-nghiep-o-tuoi-27-post1442395.html