Thủ khoa đầu ra Trường Đại học sư phạm Hà Nội đạt điểm tốt nghiệp 3.98/4
Với điểm GPA 3.98/4, Trịnh Quang Thạch xác lập kỷ lục có điểm tốt nghiệp cao nhất trong lịch sử Khoa Địa lý, trở thành thủ khoa đầu ra ĐHSP Hà Nội.
Trịnh Quang Thạch sinh năm 2001, quê ở thành phố Đà Nẵng. Năm 2019, Thạch được tuyển thẳng vào Khoa Địa lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (do trước đó Thạch đạt giải Nhì quốc gia môn Địa lý). Thế nhưng, việc con trai đi học xa nhà, lại chọn ngành sư phạm khiến mẹ Thạch phản đối, khuyên ngăn.
Cố gắng thuyết phục mẹ, Thạch quyết tâm chọn học ngành Sư phạm Địa lý, Khoa Địa lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để nuôi dưỡng ước mơ trở thành thầy giáo.
Bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ, năm 2023, với điểm GPA gần như tuyệt đối (3.98/4), Thạch không chỉ trở thành thủ khoa toàn khóa, mà còn xác lập kỷ lục sinh viên có điểm GPA cao nhất trong lịch sử của Khoa Địa lý.
Trong buổi lễ tốt nghiệp, Thạch đại diện cho hơn 1.300 sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phát biểu tri ân. Trong bài phát biểu, Thạch chia sẻ: “Em thầm biết ơn những cơ hội khi được thầy, cô lắng nghe, dẫn dắt để trưởng thành qua mỗi tiết học. Em thật sự hạnh phúc khi được là học trò của thầy, cô dưới mái Trường Đại học Sư phạm Hà Nội”.
Trước thành tích học tập ấn tượng, Thạch chia sẻ: “Em không đặt mục tiêu về điểm số cho bất cứ môn học nào. Điều em quan tâm nhất là bản thân học được những gì từ môn học đó. Do vậy, em không đặt nặng mục tiêu phải phấn đấu trở thành thủ khoa. Khi biết mình là người có điểm GPA cao nhất trong toàn khóa, em bất ngờ, vui mừng và xúc động. Đây là thành quả từ những nỗ lực của em cùng sự động viên của gia đình, giúp đỡ của bạn bè và dìu dắt, đồng hành của thầy cô giáo. Kết quả này cũng là lời khẳng định cho việc em lựa chọn ra Hà Nội học tập là đúng đắn”.
Khi được hỏi về cơ duyên lựa chọn ngành Sư phạm Địa lý, Thạch cho biết, em được truyền cảm hứng từ chính những người thầy, người cô dạy Địa lý ở bậc trung học phổ thông.
“Lúc học cấp 2, tình yêu của em với môn Địa lý mới chỉ bắt đầu nhen nhóm. Sau đó, lên cấp 3, em tiếp tục nuôi dưỡng đam mê môn Địa lý. Và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã giúp em hiện thực hóa ước mơ của mình là trở thành thầy giáo. Em muốn dạy cho học sinh biết nhiều hơn về thế giới hiện nay như thế nào qua lăng kính Địa lý; dạy các em phải làm sao để chung sống với tự nhiên và biết cách bảo vệ tự nhiên”, Thạch chia sẻ.
Những ngày đầu đặt chân đến Hà Nội, Thạch khá bỡ ngỡ với cách giao tiếp và văn hóa ứng xử nên để thích nghi, việc đầu tiên Thạch làm đó là đổi giọng nói, tránh sử dụng từ ngữ địa phương để thầy cô, bạn bè miền Bắc dễ nghe, hiểu.
“Nhìn lại chặng đường 4 năm học tập ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, em chưa bao giờ cảm thấy tiếc nuối. Thanh xuân của em thật sự rất rực rỡ và tươi đẹp bên những người thầy, cô giáo luôn nhiệt huyết, tận tâm, tận lực với sự nghiệp trồng người"
_Thủ khoa Trịnh Quang Thạch tâm sự_
Chia sẻ về phương pháp học tập, theo Thạch, trong mỗi kỳ học, em luôn tìm cách sắp xếp và cân đối thời gian học tất cả các môn một cách hợp lý và khoa học. Cụ thể, ngoài học trên lớp, em còn dành thời gian để tự học như làm bài tập về nhà, bài tập nhóm hoặc trao đổi với thầy cô những kiến thức em chưa sáng tỏ hay tự tìm câu trả lời qua việc đọc thêm tài liệu, tra cứu thông tin trên mạng. Thạch chỉ thức xuyên đêm để học kỹ hơn nếu gặp nội dung, kiến thức khó.
Thạch luôn xem việc thi cử là một phần tất yếu nhằm đánh giá hiệu quả tích lũy kiến thức. Trong các kỳ thi kết thúc môn học, Thạch đều dành thời gian tự làm đề cương để ghi nhớ nội dung dễ dàng hơn.
Với Thạch, thực tập và kiến tập là trải nghiệm, tạo điều kiện cho Thạch mang kiến thức lý thuyết vào thực hành sư phạm. Ngoài ra, Thạch còn được các thầy cô ở trường phổ thông hướng dẫn trực tiếp về kỹ năng, trui rèn bản lĩnh người thầy để có những tiết học tích cực, hiệu quả cho học trò.
“Quá trình thực tập giúp em rèn bản lĩnh của người thầy và hiểu hơn về môi trường sư phạm thực tế. Trong kỳ thực tập tốt nghiệp năm 2022, lần đầu tiên em được nhận hoa cùng lời chúc mừng thân thương nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 từ các em học sinh. Em xúc động và cảm thấy yêu nghề dạy học hơn rất nhiều”, Thạch chia sẻ.
Không chỉ có thành tích học tập xuất sắc, khi bắt tay vào làm nghiên cứu khoa học, Thạch nhận thấy có những khía cạnh cần tập trung nghiên cứu như: giáo dục phát triển bền vững, chương trình giáo dục phổ thông 2018... Do đó, trong khóa luận tốt nghiệp, Thạch đã thực hiện đề tài với mục tiêu khảo sát thực tế môn Địa lý trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thầy cô dạy như thế nào ở các trường trung học.
“Hướng nghiên cứu trong khóa luận tốt nghiệp của em mặc dù chỉ là cơ bản và tiếp cận phân tích định tính dựa trên một khung lý thuyết nhưng cũng đã giúp em phát hiện ra nhiều điểm thú vị, cũng như những điều bất cập khi giáo viên dạy môn Địa lý theo định hướng, mục tiêu phát triển năng lực”, Thạch chia sẻ.
Thủ khoa đầu ra Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng cho rằng, mỗi môn học có những điều lý thú và bổ ích riêng. Thông qua giảng dạy môn Địa lý, Thạch mong muốn mang đến cho các em học sinh những kiến thức đầy màu sắc của thế giới tự nhiên, giúp học sinh hiểu biết về đặc điểm vị trí địa lý từng vùng miền để từ đó góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, con người.
Chia sẻ về kế hoạch dự định trong thời gian tới, Thạch sẽ đi dạy học ở trường tư thục cấp trung học cơ sở ở Đà Nẵng một thời gian và tiếp tục học cao học ở nước ngoài để có thêm nhiều trải nghiệm trong môi trường sư phạm.
Một số thành tích nổi bật của thủ khoa Trịnh Quang Thạch:
Sinh viên có điểm tốt nghiệp cao nhất của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tính đến đợt tốt nghiệp tháng 5/2023 (3.98/4).
Nhận học bổng khuyến khích học tập dành cho sinh viên xuất sắc ở các kỳ học.
Nghiên cứu khoa học: Đạt giải Khuyến khích cấp Bộ và giải Nhất cấp Trường với đề tài “Nhận thức của sinh viên sư phạm Địa lý về giáo dục phát triển bền vững”. Có 1 bài báo khoa học xuất bản trong nước và 1 chương sách quốc tế về đề tài này.
Nhận Giấy khen của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong hoạt động Mùa hè xanh; Sinh viên 5 tốt, xuất sắc trong hoạt động rèn luyện nghề nghiệp.