Thủ khoa lớp 10 ở HN cảm ơn mẹ không ép vào trường chuyên
Thanh Lam không lựa chọn đăng ký vào các trường chuyên. Em cũng thầm cảm ơn mẹ vì đã không ép mình phải chạy theo những thành tích, danh hiệu.
Trong khi bạn bè cùng trang lứa đầu tư nhiều thời gian và công sức để thi đỗ vào các trường chuyên tại Hà Nội thì Lam chỉ đăng ký một nguyện vọng duy nhất vào Trường THPT Yên Hòa.
Lam quan niệm: “Thành công không nhất thiết phải học trường chuyên, lớp chọn. Chỉ cần được làm điều mình thích, em nghĩ học ở đâu cũng không quan trọng”.
Nguyễn Thị Thanh Lam (lớp 9A10, Trường THCS Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) là thủ khoa thi lớp 10 của Hà Nội năm 2019.
15 tuổi, Nguyễn Thị Thanh Lam (cựu học sinh lớp 9A10, Trường THCS Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) có vẻ ngoài chín chắn và trưởng thành trong suy nghĩ. Còn mẹ của em, chị Vũ Thị Thanh, cho rằng, “mình chỉ là người luôn bên con, đồng hành và cố vấn cho con như một người bạn”.
Câu chuyện của Lam có lẽ là “số hiếm” giữa những áp lực điểm số nặng nề đang len lỏi trong các gia đình và nhà trường.
“Mẹ không cần con phải là người giỏi nhất”
Ngay từ những năm cấp 1, chị Thanh đã không cho con đi học thêm ở bất kỳ đâu. Thay vào đó, chị thường đặt câu hỏi, trò chuyện với con về những kiến thức trong cuộc sống và sách vở.
Chọn cách đồng hành cùng con, chị thường nói với Lam: “Con không cần phải là người giỏi nhất, cũng không phải làm gì quá xuất chúng. Mẹ chỉ cần điểm số của con không quá tệ và quan trọng là con cố gắng hết sức”.
Lam cũng tự nhận mình may mắn hơn nhiều bạn bè cùng trang lứa vì có mẹ không tạo áp lực trong học tập. Từng chứng kiến những người bạn của mình phải ôn luyện đêm ngày để thi vào trường chuyên, Lam không muốn mình đi theo con đường như thế.
“Những năm học lớp 6, em học cực kỳ kém. Khi ấy, thứ hạng với em là cái gì đó rất quan trọng. Nhưng càng áp lực, em càng cảm thấy bản thân học không vào.
Đến năm lớp 8, lớp 9, em đã tự cởi bỏ tư tưởng ấy của bản thân vì thấy mình bỏ lỡ nhiều thứ quá. Cũng từ ấy, em thấy mình học thoải mái hơn, thứ hạng cũng không còn quan trọng nữa. Nhờ vậy kết quả cũng khá hơn rất nhiều”.
Không tạo áp lực cho bản thân, ngoài việc học, Lam còn dành nhiều thời gian cho những sở thích “rất con gái”. Em cũng là lớp trưởng năng nổ và tích cực tham gia các hoạt động phong trào của trường.
“Em nghĩ rằng học ra học, chơi ra chơi sẽ tốt hơn việc vừa học vừa chơi mà không mang lại hiệu quả. Do vậy, khi nào cảm thấy mệt, em thường để bản thân thư giãn và quay lại học khi thấy thoải mái, sẵn sàng”, Lam nói.
Trong kỳ thi lần này, Lam lựa chọn ngôi trường có tỉ lệ chọi 1/2,2. Em cho rằng, có lẽ tâm lý nhẹ nhàng trước kỳ thi đã giúp em đạt kết quả tốt.
Có kết quả học tập xuất sắc nhưng Thanh Lam không lựa chọn đăng ký vào các trường chuyên. Em cũng thầm cảm ơn mẹ vì đã không ép mình phải chạy theo những thành tích, danh hiệu.
Tạo tâm lý thoải mái, nhẹ nhàng nhất có thể là điều Lam luôn mong muốn trong suốt quá trình học tập.
Vì vậy, trong suốt 9 năm đi học, em chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi nào. Cô bé 15 tuổi cho biết, bản thân không muốn đầu tư quá nhiều vào những cuộc thi chỉ để lấy danh hiệu mà không có tác dụng gì nhiều.
“Em chỉ muốn bản thân bình thường mà tiến”.
Dù vậy, kết quả học tập năm lớp 9 của Lam luôn nằm trong top đầu của lớp, trong đó điểm số môn Toán của em đạt gần tuyệt đối là 9,8, các môn học khác đều đạt trên 9 phẩy.
Lam nói, bí quyết học tập của em đơn giản là chú ý lắng nghe nhiều hơn ghi chép.
“Về đến nhà em thường kiểm tra lại trí nhớ của mình bằng việc giải nhiều bài tập. Ngoài ra, em cũng trau dồi thêm kỹ năng tính và tốc độ tính. Khi luyện đề cảm thấy những kỹ năng này đã ổn, em dành nhiều thời gian giải những bài tập khó”.
“Em chưa từng hối hận vì không chọn trường chuyên”
Vượt qua gần 86.000 thí sinh để trở thành thủ khoa trong kỳ thi vào lớp 10, nhiều người cảm thấy tiếc khi Lam không đăng ký vào một trường chuyên trong thành phố. Tuy nhiên Lam cho rằng, bản thân chưa từng hối hận vì lựa chọn của mình.
“Em sợ rằng chương trình học của trường chuyên khá nặng khiến em không có thời gian dành cho những điều khác nữa. Em cũng nghĩ rằng không nhất thiết phải học trường chuyên mới có thể thành công.
Dù học ở đâu, quan trọng nhất mình phải có trách nhiệm và chủ động trong việc học. Và dù có là thủ khoa đi chăng nữa, nếu vào trường mà không học thì đó là sự xấu hổ chứ không phải niềm tự hào”.
Trước quyết định của con gái, bản thân chị Thanh và cô giáo chủ nhiệm đều cảm thấy tiếc khi Lam quyết tâm theo học tại một trường công lập.
Tuy nhiên, khi lắng nghe ý kiến của con, chị cũng bị thuyết phục bởi những suy nghĩ chín chắn hơn lứa tuổi.
“Ban đầu mình cảm thấy bất ngờ vì những suy nghĩ ấy. Nhưng mình hiểu rằng, nếu bố mẹ ép con sẽ chỉ tạo ra áp lực khiến con không muốn học. Mình nghĩ rằng, khi làm điều gì con phải thực sự thích. Do vậy mình tôn trọng quyết định của con.
Con nói rất đúng, thành công phụ thuộc vào ý thức vươn lên và khả năng tự học. Có những điều đó thì dù học ở đâu con cũng có thể thành công. Đó là điều mình thấy tự hào nhất, hơn cả danh hiệu thủ khoa mà con đạt được”.
Niềm vui này, chị Thanh cho rằng là nhờ vào sự quyết tâm và có trách nhiệm với bản thân của con.
“Trong suốt 9 năm học, câu mình hay nói nhiều nhất với con là “Đi ngủ đi con” chứ không phải “Học bài đi con”. Con rất có ý thức học tập. Con thường đi ngủ sớm và dậy học lúc 2, 3 giờ sáng. Thói quen này được duy trì trong thời gian dài”.
Điều người mẹ này luôn dặn dò con: “Gia đình mình có thể nghèo về vật chất, nhưng con phải cố gắng để tâm và tầm của mình không để thua mọi người. Bố mẹ có thể học hành không đến nơi đến chốn, nhưng nhất định con phải cố gắng để có tương lai tốt và sống thật hạnh phúc”.