Thủ khoa tiết lộ bí quyết ôn tốt nghiệp THPT giai đoạn 'nước rút' hiệu quả
Phát hiện điểm yếu, gia cố kiến thức, ổn định tâm lý có lộ trình học cụ thể giúp hai thủ khoa chinh phục thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Em Phạm Thị Kim Ngọc (phải) và Trịnh Huyền Chi.
Tự đánh giá điểm yếu để bổ sung kiến thức mỗi ngày
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Phạm Thị Kim Ngọc giành 29,25 điểm khối C00 (Ngữ văn 9,5 điểm, Lịch sử 9,5 điểm, Địa lý 10 điểm). Thành tích xuất sắc này giúp Kim Ngọc trở thành thủ khoa khối C00 tỉnh Long An.
Hiện, Kim Ngọc là sinh viên năm nhất, ngành Sư phạm Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm TP. HCM.
Nhìn lại hành trình khổ luyện của bản thân trong ba năm THPT, Kim Ngọc tâm sự: “Hành trình đó có nước mắt, có hạnh phúc mà bản thân đã vượt qua những áp lực, khó khăn gặp phải trong thời gian học, ôn luyện”.

Phạm Thị Kim Ngọc, thủ khoa khối C00 của tỉnh Long An năm 2024. Ảnh: NCVV.
Kể về quá trình khổ luyện, Kim Ngọc ánh mắt xúc động nói: “Trong ba năm học phổ thông, em luôn cố gắng duy trì sức khỏe tốt để có thể thích ứng với những áp lực, khó khăn. Đặc biệt năm lớp 12, buổi sáng, em học ở trường, em cố gắng nghe giảng, ghi chép cẩn thận. Đối với phần kiến thức trọng tâm, em sẽ dùng bút nhớ đánh dấu. Buổi chiều, em sẽ ôn lại kiến thức khó mà mình đã đánh dấu để nhớ lâu, buổi tối em tranh thủ luyện đề”.
Với đặc thù khối C00 lượng kiến thức lý thuyết nhiều. Hai môn Lịch sử, Địa lí Kim Ngọc mỗi ngày cố gắng luyện một đề; riêng môn Ngữ văn đề thi tự luận, mỗi tuần nữ thủ khoa cố gắng luyện hai đề.
Nhờ quá trình luyện đề như vậy, em phát hiện bản thân mình đang mạnh ở đâu, yếu ở đâu. Từ đó, xây dựng chiến thuật học sao cho phù hợp không để bản thân bị rối hoặc cảm thấy áp lực.
Tuy nhiên, Kim Ngọc cho rằng luyện đề quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định, vì kiến thức mới là hành trang then chốt để bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Theo Kim Ngọc quá trình luyện đề nếu gặp những kiến thức khó, bản thân chưa nắm vững thì nên tìm kiếm các tài liệu chuyên sâu ở phần đó để đọc, nghiên cứu. Bạn cũng có thể dùng phương án trợ giúp là nhờ thầy cô, bạn bè cố vấn cách học ở phần kiến thức mình chưa nắm vững.
Bên cạnh đó, cần giữ vững tinh thần, phong độ học tập, không hoang mang trước những phần kiến thức còn yếu.
Ngoài ra, nữ thủ khoa còn áp dụng thêm các phương pháp như: tự đặt câu hỏi, dùng sơ đồ tư duy, vẽ bảng tổng hợp kiến thức, nghe lại file ghi âm bài giảng cũ,...
Mặc dù có phương pháp học cụ thể thế nhưng áp lực kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn không thể tránh khỏi. Kim Ngọc nói: “Bạn hãy coi áp lực đó là tâm lý bình thường, nếu không áp lực sẽ không có động lực phấn đấu. Bởi vậy ngoài thời gian học tập, bạn nên dành cho mình thời gian nghỉ ngơi để giảm căng thẳng dẫn đến quá tải; không nên thức khuya dài.
Trong ngày, nên dành 30 phút đến 1 tiếng của giờ nghỉ trưa để ngủ nhằm tái tạo lại năng lượng, bản thân được nghỉ ngơi để tránh cảm giác buồn ngủ khi học buổi chiều dẫn đến mệt mỏi, mất tập trung”.
Tập trung và khắc phục nỗi sợ
Trịnh Huyền Chi đang theo học chuyên ngành Truyền thông Quốc tế tại Học viện Ngoại giao, nhưng ít ai biết em từng là thủ khoa khối D01 (Toán 8,8 điểm, Ngữ Văn 9,5 điểm, Ngoại Ngữ 9 điểm) của tỉnh Bắc Kạn tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Huyền Chi trải lòng: “Thầy cô là những người giúp đỡ em rất nhiều, đặc biệt là trong giai đoạn nước rút.

Trịnh Huyền Chi, thủ khoa khối D01 của tỉnh Bắc Kạn năm 2024. Ảnh: NVCC.
Ngoài kiến thức trên lớp, thầy cô đã cung cấp thêm rất nhiều tài liệu hay, bổ ích và phù hợp với năng lực của em để em nghiên cứu, tham khảo. Cũng nhờ vậy, em và các bạn của mình đỡ áp lực hơn.
Em cũng có nhiều nguồn tài liệu phù hợp để em theo sát. Vì vậy, em thể tập trung vào những nguồn kiến thức chất lượng, không bị hoang mang khi tiếp cận với nhiều nguồn.”
Theo kinh nghiệm mà Huyền Chi đã trải qua, nữ thủ khoa chia sẻ: “Đối với tổ hợp D01, mỗi môn học bạn phải xây dựng phương pháp riêng. Ví dụ môn Toán đòi hỏi tính tư duy, tập trung cao thì nên dành thời gian tỉnh táo nhất của bản thân để học.
Bạn có thể lựa chọn học vào buổi sáng sớm, lúc này cơ thể vừa có giấc ngủ dài sẽ khỏe và tập trung được cao hơn.
Riêng hai môn Ngữ văn và tiếng Anh là những môn nặng về lý thuyết bạn có thể học buổi chiều và buổi tối”.
Với lợi thế là học sinh chuyên Anh, có kiến thức nền vững chắc nên giai đoạn cuối em tập trung cao học chắc phần nâng cao, mở rộng kiến thức để lấy điểm cao.
Huyền Chi nói: “Môn em yếu nhất là Ngữ văn, do đó em khá áp lực khi luyện đề cũng như bước vào kỳ thi.
Tuy nhiên để giảm bớt nỗi sợ hãi khi làm đề thi thử, em đã tự bấm đồng hồ, làm bài nghiêm túc như chính đang đi thi để rèn luyện phản xạ và làm quen với áp lực trong phòng thi, nắm bắt được mình yếu ở đâu để khắc phục.
Bởi vì môn Toán yêu cầu sự tính toán và tư duy, nên nữ sinh xác định tính chất của môn học này không giống hai môn còn lại trong tổ hợp. “Tài liệu xịn nhất chính là bám sát đề cương Bộ GD&ĐT đã cho, đồng thời tham khảo thêm đề thi minh họa của những năm trước. Đối với các công thức, em hệ thống bằng cách xây dựng sơ đồ", Huyền Chi nói.
Giống như những sĩ tử khác, Huyền Chi cũng có nhiều nỗi lo lắng, áp lực trước kì thi mang tính bước ngoặt. May mắn là Chi luôn có sự động viên của gia đình, bạn bè và thầy cô.
Nhớ lại những lúc bản thân căng thẳng, Huyền Chi xúc động “Những người bạn tốt đã luôn bên cạnh để nhắc nhở em học tập và đừng bỏ cuộc. Bố mẹ đã phối hợp cùng các thầy cô để đảm bảo em một tâm lý ổn định trước khi thi.
Em cảm thấy mình thoải mái hơn khi chia sẻ với bố mẹ, thầy cô về cảm xúc của bản thân. Vậy nên, chia sẻ chính là chìa khóa quan trọng để có một Huyền Chi tự tin nhất bước vào kì thi tốt nghiệp THPT".
Huyền Chi cũng nhắn nhủ, các bạn sĩ tử hãy mở lòng để chia sẻ câu chuyện của mình với những người thân bên cạnh. Đó chính là cách hiệu quả để các bạn giảm căng thẳng, tự tin hơn vào bản thân.