Lưu ý để ôn tập hiệu quả môn Giáo dục kinh tế và pháp luật

Các giáo viên đưa ra một số lưu ý để giúp thí sinh ôn tập hiệu quả môn Giáo dục kinh tế và pháp luật chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.

Các thí sinh chỉ còn hơn tháng nữa sẽ chính thức bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.

Các thí sinh chỉ còn hơn tháng nữa sẽ chính thức bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.

Nắm chắc những từ khóa quan trọng

Trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại, cô Đỗ Thị Hoa - giáo viên Trường THPT Hoài Đức C (Hà Nội) cho rằng, môn Giáo dục kinh tế và pháp luật có kiến thức khá rộng bởi liên quan đến cả kinh tế, pháp luật.

Một trong những ưu tiên của giáo viên khi dạy lý thuyết cho học sinh là thông qua sơ đồ tư duy và dạy theo từ khóa để nhận diện đáp án. Khi học sinh đã thành thạo các kiến thức cơ bản thì sẽ tiến hành luyện đề. Đối với các câu hỏi mức độ nhận biết, thông hiểu, học sinh chỉ cần nắm vững sơ đồ tư duy là có thể đạt khoảng 7 điểm.

Với cấu trúc đề thi theo Chương trình GDPT 2018, học sinh cũng cần đặc biệt chú ý tới câu trắc nghiệm đúng sai, các em cần nắm chắc kiến thức và hiểu thông tin. Đặc biệt, trong đề sẽ có sự vận dụng kiến thức cả lớp 10, 11 và 12 ở một số câu hỏi nên thí sinh không thể chủ quan mà coi nhẹ những phần ở lớp dưới.

 Cô Đỗ Thị Hoa hướng dẫn học trò ôn tập môn Giáo dục kinh tế và pháp luật trên lớp.

Cô Đỗ Thị Hoa hướng dẫn học trò ôn tập môn Giáo dục kinh tế và pháp luật trên lớp.

"Sau đó, giáo viên phải chữa đề thật tỉ mỉ, làm sao cho học trò nhận diện được mình sai ở những câu nào để bổ khuyết, rút kinh nghiệm ở phần kiến thức đấy. Có thể luyện đề từ nhiều nguồn nhưng phải đảm bảo độ uy tín, chính xác cao và bám sát cấu trúc đề minh họa của Bộ GD&ĐT", cô Hoa lưu ý thêm.

Một điều cô Hoa rất tâm đắc là với môn này, giáo viên phải thực sự nắm chắc kiến thức. Đặc thù bộ môn này liên quan đến hai mảng rất rõ ràng là kinh tế và pháp luật. Nhiều câu hỏi tình huống đòi hỏi độ tư duy, thí sinh cần nắm bắt đúng được các từ khóa quan trọng để phán đoán câu trả lời đúng nhất.

Cô Đỗ Thị Hoa lấy ví dụ, liên quan đến kiến thức về hội nhập quốc tế sẽ có nhiều hình thức hợp tác như song phương, khu vực, toàn cầu. Chính sách an sinh của Nhà nước (bảo hiểm, trợ giúp pháp lý, việc làm...). Ở dạng câu hỏi đúng sai, nhiều em dễ mất điểm nếu chủ quan không đọc kỹ đề bài nên phải hết sức bình tĩnh, phân tích câu hỏi và nắm bắt đúng từ khóa.

Nắm vững cấu trúc đề thi

 Cô Trần Thùy Dương có nhiều năm giảng dạy môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, ở Chương trình GDPT 2006 là môn Giáo dục công dân.

Cô Trần Thùy Dương có nhiều năm giảng dạy môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, ở Chương trình GDPT 2006 là môn Giáo dục công dân.

Theo cô Trần Thùy Dương - Giáo viên môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Trường THPT Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội), điều quan trọng hàng đầu là thí sinh phải nắm vững cấu trúc đề thi theo Chương trình mới của Bộ GD&ĐT.

Mỗi em chỉ có 50 phút để hoàn thành 40 câu hỏi liên quan đến các khái niệm cơ bản về kinh tế, quy luật của thị trường, vai trò của Nhà nước; các nguyên tắc cơ bản pháp luật, quyền và nghĩa vụ công dân; pháp luật về dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính...

Về phương pháp ôn tập, cô Thùy Dương lưu ý học sinh nên chia thành các chủ đề lớn để học tập, luyện đề dễ hơn. Phần kinh tế chú ý ôn kỹ về hàng hóa - tiền tệ - thị trường; quy luật cung - cầu, cạnh tranh; vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế. Phần pháp luật ôn kỹ pháp luật với công dân.

"Thí sinh nên học kết hợp với sơ đồ tư duy để hệ thống hóa các kiến thức và mối liên hệ giữa các khái niệm. Các em nên tóm gọn những nội dung lý thuyết thành các từ khóa và liên kết logic", cô Trần Thùy Dương nhấn mạnh thêm.

Cũng theo kinh nghiệm của cô Dương, học sinh cần luyện đề thường xuyên từ nguồn đề minh họa của Bộ GD&ĐT, đề của các năm trước và căn thời gian như thi thật để rèn kỹ năng quản lý thời gian. Sau khi làm cần đối chiếu đáp án, ghi chú lỗi sai và ôn lại những kiến thức liên quan của môn này.

Một điều thí sinh nên ghi nhớ là liên hệ các quy định của pháp luật và hiện tượng kinh tế với tình huống thực tiễn trong đời sống sẽ giúp nhớ và hiểu sâu hơn. Nếu có thể, học sinh nên học theo nhóm để cùng nhau thảo luận, củng cố kiến thức môn học, bổ sung những điểm mình chưa hiểu rõ và luyện khả năng giải thích cho người khác.

Đình Tuệ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/luu-y-de-on-tap-hieu-qua-mon-giao-duc-kinh-te-va-phap-luat-post731518.html