Thủ khoa tổ hợp C00 có hoàn cảnh khó khăn, mẹ lo không có tiền cho con học ĐH

Mẹ của thủ khoa tổ hợp C00 ở Bắc Ninh vui mừng vì con đạt thành tích cao nhưng chị cũng lo lắng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, khó lo cho con vào đại học.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Định, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Quế Võ 3 (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh), cho biết tại Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, nhà trường có một thí sinh đạt thủ khoa tổ hợp C00 toàn quốc với số điểm 29,75.

Thí sinh đó là em Nguyễn Thị Ngọc với điểm các môn cụ thể như sau: Ngữ văn 9,75 điểm, Lịch sử 10 điểm, Địa lý 10 điểm.

Nghị lực vươn lên từ hoàn cảnh khó khăn

Liên hệ với Nguyễn Thị Ngọc, nữ sinh không giấu nổi niềm vui. Ngọc chia sẻ: "Khi nhìn thấy điểm thi, em rất hạnh phúc với kết quả 29,75 điểm. Môn Lịch sử và Địa lý em đã dự đoán được từ trước, vì sau khi thi xong em đã đối chiếu với đáp án. Nhưng với môn Ngữ văn, điểm số 9,75 thật sự là bất ngờ lớn với em", nữ thủ khoa cho hay.

 Nguyễn Thị Ngọc, một trong số 19 thủ khoa tổ hợp C00 toàn quốc trong Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024. Ảnh: NVCC.

Nguyễn Thị Ngọc, một trong số 19 thủ khoa tổ hợp C00 toàn quốc trong Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024. Ảnh: NVCC.

Ngọc sinh ra trong một gia đình có 6 anh chị em, hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, bố mẹ em đều làm công nhân với đồng lương ít ỏi và có người con mắc bệnh hiểm nghèo. Biết cha mẹ quanh năm làm lụng vất vả nên suốt 12 năm học phổ thông, Ngọc luôn tự giác nỗ lực vượt khó học tập và đạt học sinh giỏi.

Cô Nguyễn Thị Nguyên, giáo viên chủ nhiệm của Ngọc tại Trường Trung học phổ thông Quế Võ 3 cho biết, có học sinh đạt thành tích thủ khoa là một niềm vui rất lớn, không chỉ với riêng cô mà còn là niềm tự hào đối với toàn thể học sinh, thầy cô giáo trong trường.

Đánh giá về nữ thủ khoa, cô Nguyên cho biết, Ngọc là học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng rất thương bố mẹ và tự giác, luôn cố gắng vươn lên trong học tập. Ngoài chịu khó học tập, em còn có tố chất thông minh, có phương pháp tự học tốt, học giỏi tất cả các môn, hăng hái trong các hoạt động của trường.

“Sau khi làm xong bài thi, Ngọc chia sẻ với tôi là khá tự tin về kết quả làm bài của mình. Bài thi trắc nghiệm ở môn Lịch sử và môn Địa lý em đều khẳng định đã làm đúng hết. Còn với môn Ngữ văn, em không đoán chắc kết quả được, nhưng tôi hoàn toàn yên tâm vì sức học môn Văn của em luôn dẫn đầu lớp. Thực sự tôi và các thầy cô bộ môn rất vui, hãnh diện với kết quả của Ngọc đạt được, đúng với kỳ vọng của các thầy cô”, cô Nguyễn Thị Nguyên chia sẻ.

 Cô Nguyễn Thị Nguyên, giáo viên tại Trường Trung học phổ thông Quế Võ 3 (Bắc Ninh). Ảnh: NVCC.

Cô Nguyễn Thị Nguyên, giáo viên tại Trường Trung học phổ thông Quế Võ 3 (Bắc Ninh). Ảnh: NVCC.

Cô giáo chủ nhiệm của nữ sinh cũng tâm sự thêm, do hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, nhiều lúc cô cảm thấy Ngọc có những suy nghĩ tiêu cực, nản chí. Vì vậy, cô đã cố gắng động viên, nói chuyện riêng để Ngọc có thêm nghị lực vượt qua khó khăn. Đặc biệt, cô Nguyên cũng khích lệ Ngọc về mặt kinh tế bằng việc khi em đi thi được thành tích tốt, các thầy cô đều có những phần thưởng để động viên. Sau mỗi lần như vậy, Ngọc có thêm động lực để quyết tâm hơn trong học tập.

Hai năm liền gần đây, nữ sinh đều đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh. Trong các kỳ kiểm tra, khảo sát, Ngọc luôn là học sinh có thành tích dẫn đầu của trường và lớp. Đối với bạn bè, nữ sinh luôn hòa đồng và giúp đỡ các bạn phấn đấu vươn lên trong quá trình học tập.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Duyên (mẹ của Ngọc) chia sẻ: “Khi nghe tin con gái trở thành thủ khoa tổ hợp C00 với số điểm cao, tôi thấy thật sự bất ngờ.

Tôi vừa mừng và vừa lo. Mừng vì con gái đã đạt được thành tích tốt. Tuy nhiên tôi còn lo nhiều hơn, vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn sẽ không có tiền lo cho con ăn học. Tôi vẫn muốn cháu được ăn học đàng hoàng, nhưng gia đình chỉ bươn chải đủ ăn chứ không dư giả, giờ cố gắng để lo cho cháu học lên đại học cũng rất khó”.

Nữ thủ khoa không học thêm

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Ngọc cũng không học thêm bất cứ môn nào mà chỉ học chính khóa ở trường. Nữ sinh cho biết em cảm thấy bài giảng trên lớp của các thầy cô đã đầy đủ, về nhà em chỉ cần ôn lại là có thể nắm chắc toàn bộ kiến thức. Tuổi thơ của Ngọc khá vất vả, em đi học ở trường rồi về nhà trông em, hầu như không có thời gian vui chơi với bạn bè.

Mặc dù có thành tích học tập đáng nể, nhưng cô bạn cho biết bản thân không học theo cách "cày ngày cày đêm". Ngọc thường xem kĩ bài trước khi lên lớp, nắm hết nội dung lý thuyết. Khi thầy cô giảng và nghiền ngẫm để hiểu sâu.

Buổi tối Ngọc ôn lại bài và chỉ học đến 22h30 là đi ngủ. Nữ sinh cho rằng việc học cốt là để hiểu và vận dụng, chứ không phải để đối phó với các bài thi. Nhờ phương pháp học đúng đắn, nữ sinh luôn đạt điểm cao trong các kỳ kiểm tra.

Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nữ sinh cho biết bản thân em đã ôn thi từ rất sớm, có môn đã ôn xong từ lớp 11, nhưng có môn đến học kỳ 1 lớp 12, em mới trang bị đủ kiến thức. Gần sát kỳ thi, đôi khi nữ sinh có tâm trạng áp lực và chán nản.

Tuy nhiên, em đã cố gắng vực dậy tinh thần, thậm chí vẫn còn ôn và hệ thống lại kiến thức vào ngày cuối cùng trước khi diễn ra kỳ thi.

Với đề thi môn Ngữ văn, Ngọc đã phân bổ thời gian làm bài một cách hợp lý, triển khai chính xác luận điểm để phân tích và bám sát vào vấn đề nghị luận. Theo Ngọc, điều tối kỵ nhất trong môn Văn là lỗi lan man, dài dòng và đưa quá nhiều nhận định văn học vào bài viết.

Dù là học sinh giỏi đội tuyển môn Lịch sử nhưng Ngọc học đều tất cả các môn học. Riêng với môn Lịch sử, Ngọc có tư duy logic tốt và biết vận dụng vào môn học khi xâu chuỗi các sự kiện, nội dung. Theo Ngọc, để học tốt môn này, học sinh cần đề ra kế hoạch học tập cụ thể. Vì lịch sử chia ra rất nhiều giai đoạn, cần xác định rõ từng mốc thời gian cụ thể và nắm nội dung mấu chốt.

Ngoài ra, nữ thủ khoa cũng dành lời khuyên đối với các bạn thí sinh năm sau: "Để bước vào kỳ thi, quan trọng nhất là bạn nên chuẩn bị cho bản thân một tinh thần thoải mái, không nên đặt nặng vấn đề thi tốt nghiệp là một điều gì quá khó nhằn. Bởi áp lực và tâm lý lo lắng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả bài thi".

Mẹ Ngọc chia sẻ thêm, chị không có nhiều thời gian để giám sát hay đốc thúc việc các con học hành. Do đó, chị để các con tự giác học tập, nên việc Ngọc đạt được thành tích cao hoàn toàn dựa vào tinh thần hiếu học và ý chí vươn lên của bản thân em.

 Em Nguyễn Thị Ngọc và mẹ. Ảnh: NVCC.

Em Nguyễn Thị Ngọc và mẹ. Ảnh: NVCC.

Trước khi kỳ thi diễn ra, bản thân chị Duyên và gia đình không tạo ra áp lực với Ngọc mà luôn cố gắng tạo ra tâm lý thoải mái nhất cho con. Chị Duyên chia sẻ: “Con cứ thi với đúng năng lực và những gì có sẵn của mình. Bố mẹ không đặt nặng kết quả, nhưng con phải cố gắng hết sức và làm bài bằng tất cả khả năng của mình”.

Chị Duyên cho biết, gia đình có nguyện vọng, định hướng Ngọc xét tuyển vào ngành Sư phạm vì được hỗ trợ học phí, tuy nhiên Ngọc chia sẻ mình đã có dự định khác. Gia đình chị Duyên ủng hộ vào quyết định của con gái, nhưng vẫn luôn lo lắng về tình hình kinh tế của gia đình. Chị Duyên hi vọng tương lai gia đình sẽ có điều kiện kinh tế tốt hơn để chắp cánh cho ước mơ của con.

Bích Ngọc

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thu-khoa-to-hop-c00-co-hoan-canh-kho-khan-me-lo-khong-co-tien-cho-con-hoc-dh-post244163.gd