Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ của Đảng

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vị trí, vai trò của cán bộ đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta. Người cho rằng cán bộ là “cái gốc của mọi công việc” và khẳng định “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”; “Khi đã có chính sách đúng thì sự thành công hay thất bại của chính sách đó là do nơi tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”. Tìm hiểu các quan điểm của Bác về cán bộ và công tác cán bộ của Đảng giúp ta nhận thấy rằng, những lời chỉ bảo đó của Bác mãi mãi là kim chỉ nam, soi sáng cho Đảng ta xây dựng chỉnh đốn Đảng trong sạch vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thứ nhất, người cán bộ là phải có đạo đức cách mạng. Đây là yêu cầu cơ bản nhất vì theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức là cái gốc của con người. Đối với người cán bộ thì dù có tài giỏi đến mấy mà không có đạo đức cách mạng cũng không thể lãnh đạo được nhân dân. Tuy vậy, cán bộ tốt bao giờ cũng phải bảo đảm cả đức và tài, vừa “hồng” vừa “chuyên” gắn liền với nhau, nhưng đức đóng vai trò quan trọng nhất, trên đó tài nở hoa và phát triển. Vì Người nói: Người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, nhưng có tài mà không có đức thì vô dụng.

Đến những ngày tháng cuối đời, trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quan tâm đến phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, Người căn dặn: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định ngày hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Lời căn dặn đó của Bác thật vô cùng sâu sắc, đến nay như là một lời cảnh tỉnh đối với cán bộ, đảng viên.

Thứ hai, người cán bộ phải luôn luôn có lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ, trong bất kỳ tình huống nào, đặc biệt là khi gặp khó khăn, cán bộ của Đảng phải có tinh thần bảo vệ Đảng, hy sinh vì Tổ quốc. Trong một lần trả lời một nhà báo, Bác đã nói: Suốt đời tôi chỉ có một mục đích phấn đấu vì lợi ích của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân, những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non rừng thẳm, ra vào chốn tù tội, cũng vì mục đích đó. Sở dĩ Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng phẩm chất này vì Người đã nhận thấy trước một thực trạng: “Có những người trong lúc đấu tranh thì hăng hái, trung thành, không sợ nguy hiểm, không sợ cực khổ, không sợ quân địch, nghĩa là có công với cách mạng. Song đến khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác mà biến thành người có tội với cách mạng”.

Thứ ba, cán bộ phải luôn giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân. Vì trong đấu tranh cách mạng và kháng chiến gian khổ, cán bộ gắn bó với nhân dân, được nhân dân chở che, nuôi dưỡng, đùm bọc, cưu mang; trong thời bình, việc giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân càng được coi trọng hơn. Để giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ phải là những người đứng mũi chịu sào, lôi cuốn nhân dân vào trận chiến cách mạng, cán bộ đi trước để làng nước theo sau, chịu hy sinh cái riêng của mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. Chỉ có như vậy, dân mới tin yêu, giúp đỡ cán bộ, nếu không mất dân là mất tất cả.

Thứ tư, cán bộ phải luôn học tập về mọi mặt để nâng cao trình độ. Việc học tập được tiến hành ở mọi lúc, mọi nơi, học ở trường, ở bạn, ở cuộc sống. Việc học tập ở đây ứng với từng người để nâng cao trình độ, năng lực cả về chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ mục đích học của cán bộ, đảng viên: Học là để làm người, làm cán bộ; học để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Ai tự cho mình học giỏi rồi thì người đó là dốt nhất. Với mọi cán bộ, đảng viên, Người yêu cầu: Phải vững về chính trị, giỏi về chuyên môn, nghề nào cũng phải học, phải thông thạo. Đối với người lãnh đạo, không thể lãnh đạo chung chung được nữa, chỉ có nhiệt tình không thôi thì chưa đủ, phải có tri thức nữa”.

Thứ năm, cán bộ phải có năng lực tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, biến những điều trong nghị quyết thành hiện thực trong cuộc sống. Trong quá trình tổ chức thực hiện, cán bộ phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thu nhận được những kinh nghiệm thực tiễn để phản ánh với Đảng và Nhà nước hoàn thiện đường lối, chính sách ngày càng phù hợp với đòi hỏi khách quan của cuộc sống.

Thứ sáu, cán bộ phải có phong cách tốt. Người cán bộ không được quan liêu, mệnh lệnh, tránh lối làm việc “chỉ tay năm ngón”, làm việc qua loa, phô trương, chiếu lệ. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ phải có phong cách làm việc: “Chân đi, tai nghe, miệng nói, tay làm”, phải thực sự “nhúng tay vào việc”, phải làm gương cho mọi người noi theo, vì “một tấm gương sống còn quý hơn một trăm bài diễn văn truyên truyền”.

Đảng ta đã khẳng định: Khi có đường lối chính trị đúng đắn, yếu tố quyết định sự thành bại của cách mạng là công tác tổ chức và cán bộ của Đảng. Vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ trong giai đoạn hiện nay, chúng ta phải đổi mới việc đánh giá cán bộ, lấy đó làm tiền đề quan trọng cho các khâu khác của công tác cán bộ, nhất là khi đề bạt, bổ nhiệm. Đánh giá cán bộ phải làm rõ ưu điểm, khuyết điểm về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực, hiệu quả công tác và cả chiều hướng phát triển của cán bộ. Phải bảo đảm tính khách quan, khoa học, toàn diện, phải trên cơ sở tự phê bình và phê bình, nguyên tắc tập trung dân chủ và công khai đối với cán bộ được đánh giá. Lấy kết quả, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ được giao làm thước đo chính trong đánh giá cán bộ.

Cùng với đó, cần đổi mới công tác quy hoạch, gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển và bố trí, sử dụng cán bộ. Chú ý phát hiện, bồi dưỡng cán bộ trưởng thành từ thực tiễn, xuất thân từ công nhân, con em các gia đình có công với cách mạng, cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ nữ.

Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong xây dựng Đảng. Đội ngũ cán bộ tốt có vị trí đặc biệt quan trọng, vì suy cho cùng, đường lối của Đảng có thực hiện hiệu quả hay không, tổ chức Đảng có chặt chẽ hay không cũng là do đội ngũ cán bộ của Đảng thực hiện và tạo dựng. Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Như vậy, công tác cán bộ là vấn đề then chốt của nhiệm vụ then chốt đó.

Thạc sĩ HOÀNG NGỌC ĐẠO - Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/xay-dung-dang/202409/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-can-bo-va-cong-tac-can-bo-cua-dang-61378a1/