Thủ khoa Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: Lựa chọn sư phạm vì đam mê
Với điểm tích lũy khóa học đạt 3,98/4,0, Trịnh Quang Thạch, sinh viên lớp K69 chất lượng cao, khoa Địa lý, Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội, đã trở thành thủ khoa đầu ra toàn trường năm nay. Phía sau tấm bằng thủ khoa là một câu chuyện xúc động về sự lựa chọn ngành nghề của một thầy giáo dạy Địa lý trong tương lai.
Sự “cứng đầu”
Ngày 9/6, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức lễ bế giảng và trao bằng tốt nghiệp năm học 2022-2023. Hơn 1.300 cử nhân của Trường tốt nghiệp, trong số đó, nhiều người tốt nghiệp sư phạm.
Chị Nguyễn Thị Khánh Duyên, mẹ của Thạch, vô cùng xúc động trước thành tích ngoài mong đợi của con trai. Cách đây 4 năm, chị Duyên không thể quên được ngày con thông báo trúng tuyển Sư phạm Địa lý, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Khoảng cách từ Đà Nẵng ra Hà Nội học quá xa xôi, chị Duyên không đồng ý và mong muốn con lựa chọn học trường gần nhà. Nhưng Thạch thức trắng một đêm, kiên trì giải thích cho mẹ hiểu để mẹ ủng hộ lựa chọn của mình. Sự “cứng đầu” của Thạch khiến chị Duyên phải chấp nhận lựa chọn của con.
Không có điều kiện nên đến ngày Thạch nhận bằng tốt nghiệp cũng là lần đầu tiên chị Duyên được ra Hà Nội. Nhìn con đứng trên bục danh dự nhận bằng tốt nghiệp xuất sắc khiến chị Duyên bồi hồi xúc động. Có mặt tại lễ tốt nghiệp của Thạch còn có cả ba và em gái. Em gái lựa chọn đi làm sau khi tốt nghiệp lớp 12. Nhìn thấy anh trai đạt kết quả ngoài mong đợi, em đã khóc vì xúc động và hạnh phúc.
“Dường như tất cả các em đến với mái trường này, vượt lên tất cả, là trong thẳm sâu đều có một tình yêu thương sâu nặng với con người và với cuộc đời, và thầy diễm phúc được sống trong tình yêu thương chan chứa đó. Các em là một phần máu thịt của cuộc đời thầy. Thầy biết ơn các em!”.
GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, phát biểu tại lễ bế giảng, lễ tốt nghiệp của trường
Câu trả lời thuyết phục
Thạch cho biết, từ tiểu học, em đã mơ ước trở thành nhà giáo. Người truyền cảm hứng cho em chính là cô giáo chủ nhiệm với những tiết dạy Văn sâu sắc, đi vào lòng người. Lên THCS, khi tiếp xúc với môn Địa lý, em nhận thấy đây chính là môn học muốn theo đuổi, khám phá. Quan trọng hơn, đến năm lớp 9, dưới sự dạy dỗ của cô Nguyễn Thị Ngọc Thảo, giáo viên Địa lý Trường THCS Lý Thường Kiệt, thành phố Đà Nẵng, Thạch đã chính thức lựa chọn thi vào chuyên Địa của Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng. Em được thầy Hoàng Kim Mỹ dạy môn yêu thích. Thầy Mỹ đã truyền cho Thạch rất nhiều cảm hứng để em tiếp tục theo đuổi đam mê.
“Tại sao lại lựa chọn học sư phạm?”. “Với bản thân em, câu trả lời là em được truyền cảm hứng. Chặng đường đưa em đến với nghề trân quý nhất trong tất cả các nghề trân quý đó được gieo mầm, ấp ủ tại lớp chuyên của Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn. Và rồi khi học tập tại khoa Địa lý của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, hạt mầm đó cứ thế lớn lên, được chăm sóc, phát triển, bên trong nó vẫn chứa đựng hành trang là sự yêu thương, dìu dắt của các thầy cô, những kiến thức chuyên môn và đặc biệt là tình yêu con trẻ, tình yêu với nghề”, Thạch nói.
Năm thứ 3 ĐH, Thạch đã tham gia nghiên cứu khoa học. Em đã giành giải nhất nghiên cứu khoa học cấp Trường và đoạt giải khuyến khích cấp Bộ với đề tài nghiên cứu giáo dục phát triển bền vững. Về tương lai phía trước, Thạch cho biết em vừa nhận được quyết định làm việc tại Trường THCS FPT, Đà Nẵng. Được trở về nhà, được sống gần với bố mẹ, và được mang kiến thức, kỹ năng, trải nghiệm đã học để giảng dạy cho học sinh ở quê hương là mong muốn của Thạch trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, Thạch dự định thời gian này tích lũy thêm kiến thức nghiên cứu, xuất bản được các bài báo trong nước và quốc tế về lĩnh vực giáo dục phát triển bền vững. “Giáo dục phát triển bền vững rất gần với môn Địa lý. Vì địa lý liên quan đến môi trường, bảo vệ tự nhiên. Có cách thức dạy học sinh yêu thương thiên nhiên, tương tác với thiên nhiên bền vững hơn”, Thạch chia sẻ.
Thạch đến với khoa Địa lý bằng tình yêu môn học này và nghề nghiệp. Nhưng sau khi học và tham gia nghiên cứu khoa học, em nhận thấy giáo dục Việt Nam có khía cạnh cần nghiên cứu nhiều hơn như giáo dục phát triển bền vững, chương trình giáo dục phổ thông mới. Em muốn làm nghiên cứu sinh về khoa học giáo dục, bao gồm giáo dục phát triển bền vững.