Thứ kim loại quý hiếm bậc nhất thế giới đắt hơn vàng 5 lần, nóng chảy ở gần 2.000 độ C, dùng nhiều trong nền công nghiệp ô tô, điện tử

Trữ lượng của loại kim loại này vô cùng ít ỏi trên khắp thế giới.

Các kim loại quý hiếm không đơn thuần là những vật liệu có giá trị kinh tế cao mà còn là kết quả của những tiến bộ khoa học công nghệ. Trên thế giới, không ít kim loại quý hiếm, đắt đỏ được tìm thấy và sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, rhodium là loại "kho báu" quý hiếm và đắt đỏ trên thế giới. Đây là thứ vượt trội hơn cả vàng về độ hiếm và giá trị, được mệnh danh là kim loại đắt giá nhất.

Nhà hóa học thiên tài William Hyde Wollaston - người đã từng làm rạng danh giới khoa học với phát hiện ra palladium, tiếp tục khám phá và phát hiện ra một kim loại quý hiếm mới vào năm 1803. Ông đặt tên cho kim loại này là rhodium, liên quan đến thuật ngữ "rhodon" trong tiếng Hy Lạp nghĩa là "hoa hồng". Từ đó trở đi, rhodium được nhiều người biết đến.

Đây là kim loại màu bạc, có khả năng phản chiếu ánh sáng tốt. Ảnh: Internet

Đây là kim loại màu bạc, có khả năng phản chiếu ánh sáng tốt. Ảnh: Internet

Rhodium là kim loại có giá trị hơn vàng. Vào tháng 3/2023, khi giá vàng chỉ ở mức 1.850 USD/ounce thì rhodium lại có giá cao gấp hơn 5 lần, lên tới 10.300 USD/ounce. Về độ hiếm, theo Hiệp hội Hóa học Hoàng gia (RSC), rhodium chỉ có mật độ khoảng 0,000037 ppm (1 ppm = 1 milligram/kg) trong vỏ Trái Đất. Trong khi đó, vàng có mật độ khoảng 0,0013 ppm, dồi dào hơn nhiều so với rhodium. Nam Phi đang là nơi dẫn đầu thế giới về khai thác kim loại quý hiếm nhất thế giới, tiếp theo đó là các nước có sản lượng thấp hơn như Mỹ, Canada, Nga.

Thuộc nhóm bạch kim, rhodium sở hữu độ cứng và điểm nóng chảy cao (1.964°C), cùng với khả năng kháng axit tuyệt vời. Nhờ những đặc tính này, nó được ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp đòi hỏi độ bền cao như sản xuất ô tô, máy bay, các thiết bị điện tử chịu nhiệt. Hiện nay, Hiện, rhodium được ứng dụng nhiều nhất trong bộ trung hòa khí thải của ô tô giúp giảm lượng khí thải gây ô nhiễm.

Nó được ứng dụng trong rất nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Ảnh: Internet

Nó được ứng dụng trong rất nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Ảnh: Internet

Kim loại này được giao dịch chủ yếu trên thị trường quốc tế dưới dạng thỏi và đồng xu. Tuy nhiên, do giá trị cao và tính đặc thù, việc mua bán rhodium thường diễn ra với quy mô nhỏ và qua các nhà môi giới chuyên biệt. Giá rhodium biến động theo cung - cầu, đặc biệt chịu ảnh hưởng lớn từ nhu cầu của ngành công nghiệp ô tô - nơi rhodium được sử dụng làm chất xúc tác trong bộ chuyển đổi xúc tác. Bên cạnh đó, một phần đáng kể rhodium được bán thông qua tái chế.

Theo Chất lượng và Cuộc sống

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/thu-kim-loai-quy-hiem-bac-nhat-the-gioi-dat-hon-vang-5-lan-nong-chay-o-gan-2-000-do-c-dung-nhieu-trong-nen-cong-nghiep-o-to-dien-tu/20240905094835734