'Thủ lĩnh' của đội xây cầu từ thiện
Dù đã 84 tuổi nhưng ông Võ Văn Lộc, ở ấp Hòa Tân, xã Tân Hòa (Lai Vung, Đồng Tháp) vẫn tinh anh, khỏe mạnh. Gần 30 năm qua, ông dành nhiều tâm sức xây hàng trăm cây cầu ở địa phương, được cấp ủy, chính quyền, bà con nhân dân ghi nhận, cảm phục.
Đi làm thuê lấy tiền làm việc thiện
Đầu thập niên 1980, chủ trương đổi mới đất nước của Đảng như luồng gió mát để mọi người vươn lên làm giàu chính đáng, đem trí tuệ, công sức đóng góp cho quê hương. Năm 1989, ông Võ Văn Lộc quy tụ 20 người tâm huyết, cùng chí hướng, thành lập Đội xây cầu từ thiện xã Tân Hòa. Nhân lực đã có, nhưng vật lực, tài lực của đội thì hầu như chưa có gì. Ông Lộc bộc bạch, quê ông nhiều kênh, rạch, nên bà con đi lại, giao thương chủ yếu bằng cầu khỉ, xuồng, ghe. Thương nhất là mấy cháu nhỏ; có khi phải nghỉ học vì không may trên đường đến lớp bị ngã xuống kênh. Chứng kiến cảnh tượng đó, ông nung nấu ý tưởng thay cầu khỉ bằng cầu ván, giúp nhân dân, nhất là các cháu học sinh đi lại dễ dàng. Trăn trở bao đêm, cuối cùng ông đề xuất với anh em trong đội đi làm thuê, lấy tiền mua trụ, ván… để xây cầu. Vậy là mọi người bắt tay vào làm. Tùy theo mùa vụ, anh em trong đội lúc đốn mía, cắt lúa, làm cỏ, khi thu hoạch cây trái, đánh cá… Khi số tiền làm thuê đủ bắc một chiếc cầu ván thay cho cầu khỉ, mọi người lại chia nhau tìm mua cây, cùng nhau cưa, đục…; tất cả đều làm bằng thủ công. “30 năm đã qua, nhưng tôi không sao quên được ngày khánh thành cây cầu ván đầu tiên do anh em chúng tôi làm được ở quê hương mình. Cả làng, cả xã vui như ngày hội”-ông Lộc nhớ lại.
Thấy việc làm của Đội xây cầu từ thiện xã Tân Hòa do ông Võ Văn Lộc khởi xướng có ý nghĩa thiết thực, một số nhà hảo tâm đã đến để chia sẻ, đồng hành bằng cách hỗ trợ vật liệu, phục vụ phương tiện với mong muốn cùng đội của ông nhanh chóng xóa cầu khỉ ở vùng sông nước này. Tiếng tăm của Đội xây cầu từ thiện xã Tân Hòa cứ lan truyền khắp nơi và số cầu khỉ được thay bằng cầu ván nơi đây tăng dần theo thời gian. Sau 19 năm hoạt động, các ông đã bắc được 250 cây cầu ván.
Nỗ lực đóng góp xây dựng nông thôn mới
Hiện toàn bộ hệ thống cầu khỉ trên địa bàn xã Tân Hòa, huyện Lai Vung đã được xóa bỏ. Không còn cảnh lắt lẻo, gập ghềnh khi đi lại qua kênh, rạch, khiến bà con nhân dân ai cũng phấn khởi. Nhưng ông Lộc và đội xây cầu chưa muốn dừng lại ở đó mà muốn xây cầu bê tông thay cho cầu ván, vừa bảo đảm chất lượng lại bảo đảm mỹ quan. Nhớ lại ngày anh em ngồi bàn thảo việc làng, việc xã cách đây 11 năm, ông Lộc chiêm nghiệm: "Ở đời, hễ làm bất cứ việc gì, cho dù là công việc gia đình hay tập thể, muốn thành công, phải họp bàn kỹ càng, có tinh thần đoàn kết, đã quyết là phải làm, tuyệt đối không được “đẽo cày giữa đường”. Thế rồi, năm 2008, đội xây cầu của ông Lộc khánh thành chiếc cầu bê tông cốt thép đầu tiên, trong niềm vui chung của bà con địa phương.
Có thể nói, ông Lộc và cộng sự của mình chính là những người đi trước thời cuộc về chủ trương xây dựng nông thôn mới. Nhưng theo ông, đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, đầy ý nghĩa, xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm của ông và anh em thành viên đội xây cầu dành cho quê hương, góp phần giúp người dân quê đỡ vất vả.
Khi được hỏi về kinh nghiệm xây cầu bê tông, ông Lộc chia sẻ: “Anh em chúng tôi đều là dân tay ngang, nên việc bắc cầu ván hay xây cầu bê tông cốt thép đều phải tự học; nhất là học các kỹ sư cầu đường ở Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Lai Vung; đặc biệt, chiếc cầu đầu tiên, phải làm thật cẩn thận, tránh sai sót, rồi cứ theo đó mà làm”.
Nói vậy, nhưng không phải lúc nào việc xây cầu của ông Lộc cũng êm xuôi. Có những chiếc xây trên vùng đất mềm, nhão, độ lún rất lớn, phải nhờ đến sự tư vấn, hỗ trợ của cán bộ Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Lai Vung. Với quy cách theo thiết kế, mỗi chiếc cầu bê tông đều có chiều rộng cố định, đủ cho xe tải nhỏ và xe du lịch qua lại dễ dàng, còn chiều dài lại tùy thuộc vào độ rộng của kênh. Trung bình mỗi chiếc cầu trị giá khoảng 500 triệu đồng, chưa tính đến hàng trăm ngày công của anh em trong đội và bà con nhân dân, cùng lương thực, thực phẩm do các gia đình ủng hộ.
Tìm hiểu công việc xây cầu từ thiện của ông Võ Văn Lộc, mọi người còn ấn tượng về cách quản lý, sử dụng nguồn kinh phí từ các nhà tài trợ rất riêng của ông đội trưởng. Theo đó, đội xây cầu tiếp nhận kinh phí của nhà tài trợ rồi chuyển toàn bộ số tiền đó cho UBND xã tại nơi xây cầu quản lý. Cán bộ phụ trách tài chính của xã mua vật tư theo tính toán của đội. Vì vậy, công trình hoàn thành, đội làm báo cáo tài chính với UBND xã và nhà tài trợ. Kinh phí do các nhà hảo tâm tài trợ không bị “sứt mẻ” đồng nào. Cầu đẹp lại bảo đảm chất lượng, tài chính được công khai minh bạch, nên uy tín của đội ngày càng được khẳng định. “Hương thơm lan tỏa, tiếng lành đồn xa”, số người tình nguyện gia nhập đội xây cầu từ thiện hiện lên đến hơn 120 người, trong đó có 5 người khuyết tật. Nếu ngày đầu mới thành lập, ông Lộc và các cộng sự của mình vừa lo kiếm tiền, vừa lo bắc cầu, thì nay cả trăm người trong đội chỉ chú tâm vào việc xây cầu, bởi kinh phí đã có các nhà hảo tâm ở Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Hà Nội, Bắc Giang... và cả Việt kiều ở các nước Pháp, Mỹ, Canada, Australia… tài trợ. Nhờ vậy, chỉ trong vòng 10 năm (2008-2018), đội xây cầu từ thiện của ông Lộc đã dỡ bỏ 250 chiếc cầu ván để xây 250 chiếc cầu bê tông cốt thép trong và ngoài tỉnh, góp phần cùng các địa phương thực hiện tiêu chí giao thông nông thôn về xây dựng nông thôn mới; riêng 6 tháng đầu năm 2019, đội đã xây được 21 cây cầu bê tông.
Ngoài việc tham gia quản lý đội xây cầu từ thiện, ông Lộc còn là Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tân Hòa, đại biểu HĐND xã Tân Hòa và huyện Lai Vung. Dù ở cương vị nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được chính quyền và bà con tin yêu, được Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch nước khen thưởng. Nói về vai trò của ông Lộc đối với gia đình và xã hội, bà Võ Thị Mỹ Thạnh, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Lai Vung khẳng định: Ông Lộc là người có nhiều đóng góp cho quê hương, là điển hình trong công tác nhân đạo. Không chỉ ở xã, ở huyện mà nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh đều ghi nhận sự đóng góp của ông cho phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.