Thủ lĩnh Đoàn - cầu nối trong giáo dục lý tưởng cách mạng

Hoạt động phong trào Đoàn Thanh niên trường THPT tại Đắk Lắk là môi trường lý tưởng để học sinh rèn luyện phẩm chất, đạo đức và bồi đắp lý tưởng cách mạng.

Đoàn viên thanh niên Trường THPT Lê Hữu Trác (Đắk Lắk) báo cáo nội dung, chương trình hoạt động với Ban giám hiệu trường. Ảnh: TT

Đoàn viên thanh niên Trường THPT Lê Hữu Trác (Đắk Lắk) báo cáo nội dung, chương trình hoạt động với Ban giám hiệu trường. Ảnh: TT

Trưởng thành từ phong trào Đoàn

Vừa hoàn thành xuất sắc lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng Cộng sản Việt Nam do Huyện ủy Cư M’gar (Đắk Lắk) tổ chức, nữ sinh Nguyễn Thu Hường - Bí thư Chi đoàn lớp 12A5, Trường THPT Trần Quang Khải chia sẻ, từ những buổi sinh hoạt Đoàn, em hiểu sâu hơn chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ đó đề ra cho mình phương pháp học tập, rèn luyện và động lực để phấn đấu.

“Bài học đầu tiên là tinh thần đoàn kết trong 1 tập thể. Các bạn ở nhiều vùng quê, dân tộc…, mỗi người có hoàn cảnh, thế mạnh riêng. Vì vậy, trong các buổi sinh hoạt, mỗi người đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm học tập, thể hiện năng khiếu riêng. Khi khai thác được thế mạnh của từng cá nhân thì tập thể mới vững mạnh và phát triển”, Thu Hường nói và cho biết thêm, sau lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, bản thân tự thấy có “bước nhảy” cả trong nhận thức và hành động:

“Người cách mạng phải luôn tin tưởng vào lý tưởng cao đẹp của Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh là độc lập dân tộc thống nhất với chủ nghĩa xã hội. Dám nghĩ, dám dấn thân với thử thách, luôn không ngừng học hỏi từ thầy cô, bạn bè và nhân dân. Đặc biệt, trong thời đại kỷ nguyên số, cần có kiến thức khoa học cơ bản tốt, tư duy nhạy bén, linh hoạt thích ứng vừa phát triển bản thân vừa có cơ hội đóng góp cho quê hương, đất nước”.

Đồng quan điểm, nữ sinh Ngô Đinh Nhật Ánh - Bí thư Chi đoàn lớp 12A1, Trường THPT Lê Hữu Trác (Đắk Lắk) không giấu được niềm tự hào khi trở thành 1 trong 6 học sinh được trường cử đi học lớp nhận thức về Đảng từ năm lớp 11.

“Ông nội, ba mẹ là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, từ những năm cuối THCS, gia đình luôn giáo dục cho em về truyền thống vẻ vang của Đảng, dân tộc ta. Lên THPT, em được dẫn dắt, soi đường từ những tấm gương thanh niên anh dũng như: Lý Tự Trọng, Võ Thị Sáu, Cù Chính Lan… từ đó, lý tưởng cách mạng của Đảng gần gũi và dễ hiểu hơn”, Nhật Ánh nói.

Cũng theo lời Nhật Ánh, Đoàn các trường THPT cần mạnh dạn “trao quyền” cho thủ lĩnh thanh niên là học sinh trong hoạt động giáo dục và truyền cảm hứng về khát vọng vươn lên. “Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cả về lý luận và phương pháp tuyên truyền, phương pháp tổ chức, nội dung hoạt động giáo dục cho đội ngũ Bí thư Chi đoàn lớp. Phong trào Đoàn chỉ phát huy hết sứ mệnh “tiền phong” khi nhiệm vụ được triển khai sát thực tế, từ đó tạo động lực để mỗi cá nhân tự giác cống hiến cho tập thể”, Nhật Ánh chia sẻ.

 Đoàn viên thanh niên Trường THPT Lê Hữu Trác (Đắk Lắk) tự tin, bản lĩnh trong công tác phong trào. Ảnh: TT

Đoàn viên thanh niên Trường THPT Lê Hữu Trác (Đắk Lắk) tự tin, bản lĩnh trong công tác phong trào. Ảnh: TT

Xứng đáng “ngọn hải đăng” cho thế hệ trẻ

Hàng chục năm gắn bó với phong trào Đoàn trường học, thầy Đỗ Minh Quyên - Bí thư Đoàn trường THPT Trần Quang Khải luôn nhiệt huyết, tận tụy với mọi phong trào.

Nữ sinh người Ê đê H’ Ô Byã - Chi đoàn lớp 12A3, Trường THPT Trần Quang Khải tâm sự, ấn tượng nhất về Bí thư Đoàn trường là sự xông xáo, gương mẫu, tận tụy trong mọi hoạt động.

“Trong đợt sinh hoạt “Nhớ về Bác - Lòng ta trong sáng hơn” dịp 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2024), lấy lời bài hát “Khát vọng tuổi trẻ”, thầy Quyên nhấn mạnh: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”, rồi liên hệ đến nhiệm vụ của học sinh phải ra sức học tập, thực hiện tốt nội quy trường, lớp, biết yêu thương kính trọng cha mẹ, thầy cô… Từ đó giúp chúng em thấm nhuần sâu sắc về Di chúc của Bác và trọng trách của thế hệ trẻ hôm nay”, H’ Ô xúc động nói.

Còn theo thầy Quyên, thực hiện nhiệm vụ được giao, bản thân luôn nỗ lực để truyền cho học sinh, đoàn viên thanh niên trong trường luôn có động lực tích cực để phấn đấu.

“Trong thời đại mạng xã hội phát triển, thủ lĩnh thanh niên cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiến thức và kỹ năng tốt. Chương trình, nội dung là chung, nhưng phương pháp triển khai không thể “đồng phục” giữa các trường, lớp. Vì vậy, Trường THPT Trần Quang Khải chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chi đoàn lớp, để các em xứng đáng là ngọn hải đăng trong phong trào thi đua”, thầy Quyên chia sẻ.

Còn theo thầy Đậu Ngọc Tình - Bí thư Đoàn trường THPT Lê Hữu Trác (Đắk Lắk), được sự quan tâm sát sao của Đảng bộ, Ban giám hiệu nhà trường, thời gian qua, công tác Đoàn và phong trào thanh niên đã thành cầu nối quan trọng trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục của đơn vị.

“Sinh hoạt chính trị đầu năm, sinh hoạt dưới cờ, giáo dục pháp luật… được sân khấu hóa dựa trên những câu chuyện gần gũi. Trong đó, các tiểu phẩm về nhân vật, sự kiện lịch sử được kiểm duyệt chặt chẽ từ nội dung, hình thức, lời thoại. Mục đích nhằm giáo dục cho các em biết yêu quý và tự hào về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc”, thầy Tình nói.

Đoàn trường đóng vai trò tiên phong trong việc bồi đắp lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ. Khẳng định điều này, thầy Phan Nhật Khánh - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hữu Trác nhìn nhận: “Hình mẫu để giáo dục là các nhân vật anh hùng trong lịch sử dựng nước, giữ nước và khu căn cứ cách mạng, trong đó có vùng đất Cư M’gar. Nhiệm vụ của Đoàn Thanh niên là khơi dậy truyền thống gia đình, quê hương, động viên học sinh nỗ lực nhiều hơn”.

Thầy Lưu Tiến Quang - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk đánh giá, thời gian qua, từ phong trào Đoàn các trường THPT đã bồi dưỡng, phát triển hàng trăm đảng viên là học sinh. Sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh, phát huy để nâng cao chất lượng giáo dục lý tưởng cách mạng cho học sinh cũng như nâng cao chất lượng phát triển Đảng trong trường học.

Thành Tâm

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thu-linh-doan-cau-noi-trong-giao-duc-ly-tuong-cach-mang-post713571.html