Thủ lĩnh khét tiếng của Hezbollah là ai?

Trong 32 năm lãnh đạo Hezbollah, ông Hassan Nasrallah đã biến nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn thành lực lượng có tầm ảnh hưởng tại Lebanon và là đối thủ đáng gờm với Israel.

Israel không kích Beirut nhằm vào lãnh đạo Hezbollah Israel hôm 27/9 không kích một khu vực phía Nam thủ đô Beirut, Lebanon. Giới chức Iran cho biết mục tiêu là nhà lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah.

Trong gần hai thập niên, Hassan Nasrallah - thủ lĩnh của Hezbollah - tránh xuất hiện trước công chúng vì lo ngại bị ám sát. Hôm 27/9, Israel công bố nước này nã không kích vào thành trì của Hezbollah trong đêm, nhắm mục tiêu vào ông Nasrallah. Hiện tại, vẫn chưa rõ tình hình của vị thủ lĩnh.

Đeo khăn xếp màu đen với bộ râu dài bạc đi theo thời gian, ông là một giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite. Trong suốt 32 năm lãnh đạo Hezbollah, người đàn ông 64 tuổi này đã xây dựng nhóm chiến binh thành một lực lượng hùng mạnh.

Theo New York Times, Hezbollah trở thành một tổ chức chính trị quyền lực ở Lebanon, một đội quân có tên lửa đạn đạo vươn xa tới tận Tel Aviv.

Một giáo sĩ Hồi giáo có tài diễn thuyết

Là thủ lĩnh nhóm chiến binh mạnh nhất mà Iran hậu thuẫn trong khu vực, ông Nasrallah mở rộng phạm vi hoạt động ngoài Lebanon. Các chiến binh Hezbollah có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria trước những người nổi dậy từ năm 2011. Hezbollah - bị Mỹ chỉ định là tổ chức khủng bố - đào tạo các thành viên Hamas, cũng như các lực lượng dân quân ở Iraq và Yemen.

Theo truyền thống Arab, ông Nasrallah được gọi là Abu Hadi, có nghĩa là “cha của Hadi”. Hadi là con trai cả của ông, người đã thiệt mạng từ năm 18 tuổi hồi tháng 9/1997, trong cuộc đấu súng với Israel. Ông Nasrallah được cho là có ít nhất ba người con khác.

Từ lâu, thủ lĩnh Hezbollah đã kêu gọi “giải phóng Jerusalem” và gọi Israel là “thực thể theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái”. Ông khẳng định tất cả “người nhập cư Do Thái nên trở về quốc gia của họ”, và phải có một Palestine bình đẳng cho người Hồi giáo, người Do Thái và người Thiên chúa giáo.

 Tấm áp phích có hình ông Nasrallah ở Beirut năm 2017. Ảnh: New York Times.

Tấm áp phích có hình ông Nasrallah ở Beirut năm 2017. Ảnh: New York Times.

Ông Nasrallah có đời sống khiêm tốn và hiếm khi giao lưu bên ngoài giới lãnh đạo Hezbollah, tránh xuất hiện trước công chúng và sử dụng điện thoại kể từ xung đột với Israel năm 2006.

Giao tranh này nổ ra khi Hezbollah bắt giữ hai người lính Israel sau cuộc đột kích xuyên biên giới, và kết thúc sau 34 ngày khi cả 2 cùng tuyên bố chiến thắng. Sau đó, Hezbollah được ca ngợi trên khắp thế giới Arab và ngày càng đóng vai trò tích cực trong các cuộc xung đột trên khắp khu vực.

Ông Nasrallah là một nhà hùng biện tài ba với khả năng sử dụng tiếng Arab cổ thành thạo. Trong các bài phát biểu, vị thủ lĩnh có thể lồng ghép những câu nói đánh vào sức mạnh và bản lĩnh nam tính của người Arab, tạo nên một thông điệp vang vọng khắp khu vực.

Ông Nasrallah cũng có phần ít nghiêm khắc hơn hầu hết giáo sĩ Shiite khác, một phần vì nói ông hơi ngọng và có xu hướng kể truyện cười. Ông chưa bao giờ áp đặt các quy tắc Hồi giáo cứng rắn, như bắt phụ nữ phải che mặt.

Khi Lebanon đang phục hồi sau cuộc nội chiến kéo dài, Hezbollah đã phát triển một hệ thống "nhà nước trong lòng nhà nước" với mạng lưới dịch vụ và cơ sở hạ tầng độc lập, từ nguồn tài chính của Iran và các thực thể nước ngoài khác.

Con trai của người bán rau

Sinh năm 1960 tại Beirut, ông Nasrallah lớn lên trong một khu phố có nhiều nhóm người đa dạng, từ người Armenia theo đạo Thiên chúa, người Druse, người Palestine và người Shiite. Cha ông có một quầy bán rau nhỏ.

Ông theo học một thời gian ngắn tại một chủng viện ở Qum, Iran, vào năm 1989 và coi Cách mạng Hồi giáo năm 1979 của Iran là hình mẫu để người Shiite chấm dứt địa vị hạng hai truyền thống trong thế giới Hồi giáo.

Năm 1983, các cuộc đánh bom liều chết nhằm vào Đại sứ quán Mỹ tại Beirut, sau đó là doanh trại của lực lượng gìn giữ hòa bình Mỹ và Pháp, đã giết chết ít nhất 360 người, trong đó có 241 quân nhân Mỹ. Tổ chức Thánh chiến Hồi giáo (Islamic Jihad Organization) - vốn được coi là tiền thân của Hezbollah - đã lên tiếng nhận trách nhiệm. Một số người bị tình nghi là chủ mưu của sự kiện sau này trở thành chỉ huy cấp cao dưới quyền của ông Nasrallah.

 Đám đông người ủng hộ Hezbollah xem bài phát biểu trên truyền hình của ông Nasrallah năm 2018. Ảnh: New York Times.

Đám đông người ủng hộ Hezbollah xem bài phát biểu trên truyền hình của ông Nasrallah năm 2018. Ảnh: New York Times.

An ninh xung quanh ông Nasrallah từ lâu đã rất nghiêm ngặt, đặc biệt khi người tiền nhiệm của ông từng trúng tên lửa Israel. Trong lần ông đồng ý trả lời phỏng vấn hiếm cho tờ New York Times vào năm 2002, phóng viên và nhiếp ảnh gia bị bịt mắt. Chiếc xe chở họ lái lòng vòng quanh vùng ngoại ô phía nam Beirut trong một thời gian ngắn trước cuộc gặp. Sau đó, nhóm an ninh kiểm tra mọi thứ có thể mang vào phòng, thậm chí còn tháo cả bút để đảm bảo bên trong chỉ chứa mực.

Hezbollah đã giao tranh với Israel kể từ khi xung đột Dải Gaza bắt đầu hồi tháng 10/2023. Tuy nhiên, nhóm này vẫn do dự không muốn sử dụng toàn bộ kho vũ khí, vì nhiều người Lebanon, vốn mệt mỏi với khủng hoảng kinh tế và các vấn đề khác, không muốn một cuộc chiến nữa.

Trong bài phát biểu gần nhất trên truyền hình hôm 19/9, ông Nasrallah cáo buộc Israel về vụ nổ máy nhắn tin và bộ đàm, khiến hàng chục thành viên thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương.

“Chúng ta chắc chắn sẽ đáp trả”, ông nói. “Cách thức, quy mô, thời điểm và địa điểm sẽ được giữ bí mật, và được giữ kín ngay cả trong nội bộ”.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/thu-linh-khet-tieng-cua-hezbollah-la-ai-post1500675.html