Thủ môn đối phương cũng muốn vỗ tay cho bàn thắng của Pele

Trong suốt sự nghiệp cầu thủ của mình, đã không ít lần Pele không chỉ chinh phục trái bóng mà còn chinh phục cả đối thủ của mình.

 Pele giành cúp vô địch thế giới năm 1958, khi mới 17 tuổi. Ảnh: FIFA/Twitter.

Pele giành cúp vô địch thế giới năm 1958, khi mới 17 tuổi. Ảnh: FIFA/Twitter.

Ngay khi mới bước vào giải, huấn luyện viên của đội tuyển Thụy Điển là ông George Raynor, người Anh, đã khẳng định với các cổ động viên chủ nhà là đội bóng do ông dẫn dắt sẽ vào chơi trận chung kết ở thủ đô Stockholm. Khi đó, không có mấy người tin lời ông Raynor, bởi dù đội Thụy Điển được chơi trên sân nhà, trước khán giả nhà, nhưng nền bóng đá Thụy Điển chưa bao giờ được liệt vào hàng ngũ các “đại gia” trên bản đồ bóng đá thế giới.

Nhưng rồi người dân xứ lạnh Thụy Điển trầm lặng bắt đầu “nóng” dần với những thắng lợi liên tiếp của đội nhà: thắng Mexico 3-0 trong trận mở màn, hạ Hungary cực mạnh với tỷ số 2-1, rồi hòa xứ Wales 0-0 trong trận đấu cuối ở vòng bảng. Trận thắng đội Liên Xô 2-0 ở tứ kết tại Stockholm khiến các cổ động viên Thụy Điển phát cuồng lên và đến khi đội bóng của họ vượt qua được đội Tây Đức trong trận bán kết ở Goteborg với tỷ số 3-1 thì nhiều người đã thấy lấp lánh trước mặt mình hình ảnh Nữ thần Vàng đang mỉm cười với họ! Ông George Raynor đã thực hiện được lời hứa danh dự của mình.

Những ai không tin vào lời hứa của ông Raynor đã phải trả giá đắt. Nhiều người Thụy Điển trước đó không chịu mua trước vé xem trận chung kết được bán với giá 24 curon, tiền Thụy Điển. Đến khi đội bóng của họ lọt vào chung kết, việc sở hữu một chiếc vé của trận đấu này trở thành khó khăn và nhiều người đã phải chịu để cho dân phe vé chợ đen “cắt cổ” với giá 80 USD một vé!

Sau trận bán kết giữa Thụy Điển với Tây Đức, trước sự ngạc nhiên của các nhân viên bảo vệ, huấn luyện viên kỳ tài Josef “Sepp” Herberger của đội Tây Đức bỗng xuất hiện trong “quân doanh”của đội Thụy Điển. Điều mà ông Herberger muốn nhắn nhủ ông George Raynor cùng các cầu thủ Thụy Điển rất đơn giản: hãy cố gắng đánh bại người Brazil để giữ cúp vàng ở lại châu Âu!

Vốn là người ưa tiên đoán, ông George Raynor nói rằng đội bóng của ông sẽ ghi bàn trước trong trận chung kết với Brazil diễn ra vào ngày 29/6/1958 trên sân Rasunda ở khu Solna, ngoại ô thủ đô Stockholm. Quả nhiên như thế. Mới đến phút thứ 3, trước sự cổ vũ cuồng nhiệt của hơn 51.800 khán giả, trong đó có cả nhà Vua Thụy Điển Gustave Adolfe VI, Thụy Điển đã có bàn thắng đầu tiên. Liedholm phối hợp với cầu thủ cánh trái có tốc độ rất cao Skoglund, vượt qua hai hậu vệ Brazil và đánh lừa cả thủ môn Gilmar, ghi bàn mở điểm cho Thụy Điển.

Nhưng lời tiên đoán của Raynor chỉ đúng đến lúc đó. 6 phút sau, nhận một đường chuyền như đặt từ cánh trái của Garrincha, Vava của Brazil đã gỡ hòa 1-1, cứu cho bao con tim của hàng triệu cổ động viên Brazil bên kia đại dương khỏi lạc nhịp. Các cầu thủ Brazil tăng cường nhịp điệu samba, liên tục gây sức ép lên hàng thủ Thụy Điển. Điều gì phải đến đã đến. Phút 32, vẫn là Garrincha chuyền bóng để Vava ghi bàn thắng thứ hai của mình trong trận này, nâng tỷ số lên 2-1.

Sang hiệp 2, các cầu thủ Thụy Điển tiếp tục căng mình ra chống đỡ những đợt tiến công của dàn hảo thủ Brazil đang trong trạng thái hưng phấn. Trọng tài người Pháp Maurice Guigue ngày càng phải sử dụng nhiều tiếng còi để phạt các cầu thủ Thụy Điển phạm lỗi nhằm ngăn những chân sút Brazil ghi bàn. Pele và Vava thay phiên vờn nhau với các hậu vệ Thụy Điển.

Nhưng đội bóng Bắc Âu cũng chỉ giữ được đến phút thứ 55. Bóng từ Mario Zagallo được chuyền từ cánh phải vào giữa cho Pele. Pele hãm bóng bằng đùi, rồi lại thực hiện động tác sombrero, nhẹ nhàng búng trái bóng vòng qua đầu hậu vệ cuối cùng của Thụy Điển và trong khi trái bóng còn chưa tiếp đất, Pele quay tròn trên chân trụ rồi tung ra cú sút như chớp giật, đưa trái bóng bay như điện xẹt sát nách thủ môn Thụy Điển vào lưới. Một màn ảo thuật thực sự.

Zagallo tiếp tục nâng tỷ số lên 4-1 cho Brazil ở phút 68. Bàn thắng muộn màng của Simonsson ở phút 80 rút ngắn cách biệt xuống còn 2-4 không giúp gì được nhiều cho Thụy Điển khi họ phải đối mặt với Pele trong một ngày quá sung sức. Phút 90, Pele đã ghi bàn thắng thứ hai trong trận chung kết giải thế giới của mình bằng một cú đánh đầu tuyệt đẹp trước thủ thành Thụy Điển dường như đang bị thôi miên. Người chuyền bóng là Zagallo. Hậu vệ Thụy Điển Sigge Parling sau này thú nhận: “Sau bàn thắng thứ 5 ấy, đến tôi cũng muốn vỗ tay!

Trong suốt sự nghiệp cầu thủ của mình, đã không ít lần Pele không chỉ chinh phục trái bóng mà còn chinh phục cả đối thủ của mình như thế.

Tiếng còi chấm dứt trận đấu của trọng tài Maurice Guigue vừa cất lên, cả người Pele như vỡ vụn ra vì những cảm xúc choáng ngợp. Mọi việc diễn ra quá nhanh đối với một người gần như vẫn còn là một cậu bé con và mới chỉ ít ngày trước đó thôi vẫn còn không biết là mình liệu có được tham dự giải thế giới hay không.

Vậy mà giờ đây, cậu đã là nhà vô địch thế giới, được cả thế giới biết đến và tôn sùng. Cả một trời nước mắt bỗng ùa ra và Pele cứ gục đầu vào vai thủ môn Gilmar của đội tuyển mà nức nở, không sao kìm lại được, chỉ khổ cho Gilmar ra sức vỗ về người đồng đội trẻ tuổi của mình.

Một ông Vua đã ra đời trong nước mắt hạnh phúc.

Yên Ba / NXB Lao Động và TH Books

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thu-mon-doi-phuong-cung-muon-vo-tay-cho-ban-thang-cua-pele-post1388653.html