Thu ngân sách 2 tháng đầu năm ước đạt 400.000 tỷ đồng, tăng 10,4%
Hai tháng đầu năm 2024, thu ngân sách nhà nước ước đạt 399,4 nghìn tỷ đồng, bằng 23,5% dự toán và tăng 10,4% so cùng kỳ năm 2023. Lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị sáng tạo trong cách thu, đẩy mạnh số hóa để tạo đột phá và hiệu quả trong thu thuế...
Số liệu tại Hội nghị giao ban của Bộ Tài chính nhằm đánh giá tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 2/2024 cho thấy, lũy kế thu ngân sách nhà nước thực hiện 2 tháng đầu năm ước đạt 399,4 nghìn tỷ đồng, bằng 23,5% dự toán và tăng 10,4% so cùng kỳ năm 2023.
THU NỘI ĐỊA TĂNG TỐC, THU NGÂN SÁCH ĐẠT 23,5% DỰ TOÁN
Theo trên, số thu ngân sách nhà nước thực hiện tháng 2/2024 ước đạt 132,7 nghìn tỷ đồng; trong đó, thu nội địa ước đạt 113,5 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu 2 tháng ước đạt 355,8 nghìn tỷ đồng, bằng 24,6% dự toán và tăng 14,6% so cùng kỳ năm 2023.
Thu từ dầu thô thực hiện tháng 2 ước đạt 4,8 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu 2 tháng ước đạt 9,7 nghìn tỷ đồng, bằng 21,2% dự toán, giảm 2,6% so cùng kỳ năm 2023.
Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu thực hiện tháng 2 ước đạt 14,3 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu 2 tháng ước đạt 33,8 nghìn tỷ đồng, bằng 16,6% dự toán. Tổng số thu thuế ước đạt 56,6 nghìn tỷ đồng, bằng 15,1% dự toán, giảm 2,1% so cùng kỳ năm 2023; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 22,8 nghìn tỷ đồng, bằng 13,3% dự toán.
Lũy kế chi 02 tháng ước đạt 270,7 nghìn tỷ đồng, bằng 12,3% dự toán, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt gần 60 nghìn tỷ đồng, bằng 8,9% dự toán Quốc hội quyết định, tỷ lệ giải ngân đạt 9,13% kế hoạch vốn đầu tư phát triển Thủ tướng Chính phủ giao; chi trả nợ lãi ước đạt 23% dự toán; chi thường xuyên ước đạt 13,9% dự toán.
Các nhiệm vụ chi ngân sách được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước.
Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến hết ngày 26/02/2024 đã phát hành 37,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 11,99 năm, lãi suất bình quân 2,19%/năm.
ĐẨY MẠNH SỐ HÓA ĐỂ TĂNG THU
Về thu ngân sách trong lĩnh vực thuế, ông Phi Vân Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết ngay từ đầu năm, cơ quan thuế đã cụ thể hóa các nhiệm vụ quản lý thu ngân sách. Toàn ngành thuế từ đầu năm đã phát động phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024.
Trong đó, cơ quan thuế nhấn mạnh giải pháp triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tăng cường quản lý thu, chống thất thu gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người nộp thuế; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra; tăng cường đối thoại, giải đáp vướng mắc cho người nộp thuế.
Kết quả số thu ngân sách nhà nước do ngành thuế quản lý ước thực hiện tháng 2/2024 đạt 115.000 tỷ đồng (đạt 7,8%), lũy kế 2 tháng ước đạt 361.000 tỷ đồng.
"So với dự toán, có 37/63 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán đạt khá (trên 20%); còn 26/63 địa phương có tiến độ thu đạt thấp (dưới 20%). Có 53/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ năm 2023, 10/63 địa phương có tổng thu thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023".
Báo cáo của Tổng cục Thuế.
Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, công tác hoàn thuế giá trị gia tăng được quan tâm, tăng cường thực hiện, vừa đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp nhưng cũng có nhiều biện pháp thanh tra, kiểm tra nhằm hoàn đúng, đủ, kịp thời cho doanh nghiệp. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024 đã hoàn số tiền khoảng 21.000 tỷ đồng, đạt khoảng 13% dự toán năm 2024.
Công tác quản lý thuế thương mại điện tử với nhà cung cấp nước ngoài không có hiện diện ở Việt Nam và kinh doanh trực tuyến tiếp tục được đẩy mạnh triển khai. Hóa đơn điện tử và hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đang được duy trì thực hiện tốt.
"Việc triển khai xuất hóa đơn điện tử xăng dầu theo từng lần bán hàng đến nay đã được tăng cường, đảm bảo trong tháng 3/2024 các cơ sở kinh doanh xăng dầu sẽ thực hiện sử dụng hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng", lãnh đạo Tổng cục Thuế thông tin.
Về lĩnh vực hải quan, tổng xuất nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 113,96 tỷ USD, tăng 18,6% (tương ứng tăng 17,9 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, cán cân thương mại trong 2 tháng đầu năm 2024 ước tính xuất siêu 4,72 tỷ USD.
Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu của một số mặt hàng đóng góp số thu lớn cho ngân sách nhà nước giảm mạnh như: xăng dầu nhập khẩu, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu làm giảm thu ngân sách nhà nước trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trong tháng 02/2024 tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt tình hình vận chuyển trái phép pháo nổ có chiều hướng gia tăng do đây là tháng cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới vẫn diễn ra hết sức phức tạp.
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết cơ quan hải quan đã xây dựng trình Bộ Tài chính chủ trương xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thực hiện hải quan số. Thời gian tới, cùng với việc xây dựng đồng bộ hệ thống hải quan số sau khi được lãnh đạo Bộ phê duyệt, cơ quan hải quan sẽ hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hải quan phù hợp với việc chuyển đổi số 100% trong lĩnh vực hải quan....
Cũng tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số và hiện đại hóa, ông Trần Quân, Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước, cho biết hệ thống Kho bạc Nhà nước triển khai chính thức chương trình ký số từ xa cho các đơn vị sử dụng ngân sách qua hệ thống dịch vụ công, qua đó, nâng cao mức độ an toàn, bảo mật. Bên cạnh đó, áp dụng ký số từ xa, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ của Kho bạc Nhà nước.
Đơn vị cũng đang thí điểm thanh toán chi trả cho cá nhân qua bảng kê; hoàn thiện và triển khai ổn định hệ thống tự động chi trả dịch vụ điện, nước, viễn thông cho các đơn vị sử dụng ngân sách với Vietinbank và VNPT; đồng thời, nghiên cứu mở rộng phạm vi với các ngân hàng thương mại khác đảm bảo công khai, minh bạch.
Đánh giá về kết quả thu ngân sách nhà nước đầu năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng những năm qua hệ thống công nghệ thông tin của ngành tài chính nói chung, ngành thuế, hải quan, kho bạc nói riêng được đánh giá là điểm sáng song vẫn cần tiếp tục nghiên cứu để cải tiến, xây dựng để tránh bị tụt hậu.
Bộ trưởng lưu ý trong lĩnh vực thuế, cần xây dựng cơ sở dữ liệu về thuế và phải thực hiện số hóa ngay từ khi nhập dữ liệu. Cùng với đó, tập trung thu thuế trên sàn thương mại điện tử trong nước và chống thất thu thuế qua mua bán hóa đơn.
“Quy định pháp luật thế nào, thu thuế bao nhiêu, thu thế nào, trách nhiệm của các đơn vị và phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị thế nào, xử phạt ra sao khi không kê khai, tuyên truyền thế nào? Đây là nội dung khó và mới nhưng cần quyết liệt để triển khai", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Phớc cũng lưu ý các đơn vị chức năng thuộc bộ cần nhanh chóng hoàn thiện tham mưu các dự án luật bao gồm: Luật sửa đổi Luật số 69/2014/QH13; Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi). Riêng Luật Thuế Giá trị gia tăng sửa đổi dự kiến sẽ ban hành trong năm 2024, cần tập trung nghiên cứu hoàn thiện để hạn chế được tình trạng hóa đơn giả, trục lợi hoàn thuế, rủi ro trong hoàn thuế....