Thu ngân sách đạt 2 triệu tỷ, thặng dư thương mại cao nhất từ trước đến nay, đạt gần 23,75 tỷ USD
Chiều 31/12, tại Hà Nội, hội nghị tổng kết công tác tài chính-ngân sách năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Hội nghị đã ghi nhận kết quả đạt được bao gồm thu ngân sách vượt 2 triệu tỷ đồng. Ngành Hải quan cũng tổng kết mức thặng dư thương mại lên tới 23,75 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Chiều ngày 31/12 tại Hà Nội, Hội nghị tổng kết công tác tài chính-ngân sách năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 đã được tổ chức với sự tham gia của nhiều đồng chí lãnh đạo. Tại hội nghị, công tác ngành Tài chính năm 2024 đã được ghi nhận với nhiều kết quả tích cực. Thu ngân sách nhà nước năm 2024 ước đạt khoảng 2.025,4 nghìn tỷ đồng, tương đương 119,1% so với dự toán ban đầu. Thu ngân sách Trung ương đạt 123,7% dự toán, trong khi thu ngân sách địa phương đạt 114,4% dự toán. Đây là lần đầu tiên tổng thu ngân sách nhà nước vượt ngưỡng 2 triệu tỷ đồng, cao hơn dự toán 324,4 nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải Quan Nguyễn Văn Thọ đã trình bày báo cáo tổng kết hoạt động hải quan năm 2024, nhấn mạnh nhiều kết quả tích cực của ngành trong việc cải cách và hiện đại hóa, góp phần vào thành công chung của ngành tài chính.
Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, ngành Hải quan đã thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao và tạo ra những bước tiến đáng kể.
Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2024 ước đạt 786,07 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm cùng kỳ, thặng dư thương mại 23,75 tỷ USD. Đây là mức kim ngạch xuất nhập khẩu cao nhất từ trước đến nay, thể hiện vai trò quan trọng của ngành Hải quan trong việc thúc đẩy thương mại quốc tế. Thành tích này đạt được nhờ những nỗ lực đồng bộ trong việc triển khai các giải pháp tạo thuận lợi thương mại. Ngành Hải quan đã tiếp tục mở rộng Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, kết nối 250 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành với hơn 76.200 doanh nghiệp, đồng thời tích cực cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành và đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Năm 2024 cũng đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác hiện đại hóa và ứng dụng công nghệ thông tin. Hệ thống VNACCS/VCIS và các hệ thống vệ tinh được vận hành ổn định, giúp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, giảm chi phí cho doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại. Ngành Hải quan đã triển khai thí điểm mô hình cửa khẩu thông minh tại Lạng Sơn và đầu tư các trang thiết bị hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát và kiểm soát hải quan.
Công tác thu ngân sách nhà nước cũng đạt kết quả ấn tượng, với tổng thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 426.000 tỷ đồng, vượt 113,3% so với dự toán và tăng 15% so với năm 2023.
Bên cạnh đó, công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại đã được triển khai quyết liệt, với 17.998 vụ vi phạm pháp luật được phát hiện, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 31.351 tỷ đồng. Đặc biệt, trong lĩnh vực phòng chống ma túy, ngành Hải quan đã bắt giữ 293 vụ, thu giữ hơn 2.278 kg ma túy các loại, trong đó có nhiều vụ án lớn liên quan đến các đường dây quốc tế.
Trong năm qua, ngành Hải quan cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế, khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường khu vực và thế giới. Sự kiện Hải quan Việt Nam chủ trì Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33 là một minh chứng rõ nét. Nhiều thỏa thuận hợp tác với các đối tác thương mại lớn như Hàn Quốc, Trung Quốc và Hoa Kỳ đã được ký kết, mở ra những cơ hội hợp tác sâu rộng hơn trong tương lai.
Về nhiệm vụ năm 2025, ngành Hải quan sẽ tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Để làm được điều này, ngành sẽ tập trung vào 5 giải pháp chính bao gồm:
Thứ nhất, quyết liệt triển khai việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Tài chính, xây dựng lực lượng Hải quan chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu cải cách hiện đại hóa hải quan. Đảm bảo bộ máy mới đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, người dân.
Thứ hai, tập trung nguồn lực rà soát, đề xuất và tổ chức triển khai xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật có liên quan đến công tác hải quan, cụ thể: 08 Luật, 61 Nghị định, 15 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 83 văn bản cấp Bộ và 373 quy trình nghiệp vụ.
Thứ ba, tập trung nguồn lực làm tốt các nhiệm vụ, kế hoạch năm 2025 đã đặt ra, đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hoàn thành tốt công tác thu ngân sách nhà nước và công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, trong đó chú trọng đến công tác đấu tranh phòng, chống mua bán, vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới.
Thứ tư, tập trung đảm bảo vận hành ổn định hệ thống VNACCS/VCIS và các hệ thống CNTT vệ tinh thông suốt, đảm bảo các yêu cầu tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, giảm tối đa chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, trình Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống CNTT để thực hiện Hải quan số, Hải quan thông minh.
Thứ năm, tập trung hoàn thành dự án xây dựng trụ sở cơ quan Hải quan tại Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Cùng với đó, chuẩn bị sẵn sàng về tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực để triển khai nhiệm vụ ngay khi Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động từ đầu năm 2026.