Thu ngân sách đột ngột giảm sâu tháng 1, Tổng cục Hải quan yêu cầu triển khai loạt nhiệm vụ trọng tâm

Ngày 10/2, Tổng cục Hải quan cho biết vừa ban hành Chỉ thị 479/CT-TCHQ về thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023...

Ngành hải quan đẩy mạnh công tác chuyển đổi số nhằm tạo thuận lợi thương mại và xử lý kịp thời các trường hợp có dấu hiệu gian lận.

Ngành hải quan đẩy mạnh công tác chuyển đổi số nhằm tạo thuận lợi thương mại và xử lý kịp thời các trường hợp có dấu hiệu gian lận.

Năm 2023, Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu ngân sách nhà nước 425.000 tỷ đồng. Dự toán thu 2023 được xây dựng trên cơ sở dự kiến các chỉ tiêu kinh tế như: tốc độ tăng trưởng GDP 6-6,5%; giá dầu thô 70 USD/thùng; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 8-9%; kim ngạch nhập khẩu tăng từ 7-8%.

Trong tháng 1, số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 1 do ngành hải quan quản lý chỉ đạt 24.852 tỷ đồng, giảm trên 42% so với cùng kỳ. Do đó, để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc tập trung nguồn lực triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm hàng loạt nhiệm vụ trọng tâm.

TẠO CHUYỂN BIẾN NHỜ CHUYỂN ĐỔI SỐ

Theo đó, lãnh đạo Tổng cục Hải quan yêu cầu thủ trưởng các đơn vị quán triệt việc nâng cao nhận thức, ý nghĩa tầm quan trọng của công tác cải cách, hiện đại hóa gắn liền với nâng cao hiệu quả của công tác quản lý trong quá trình thực thi công vụ; triển khai thực hiện Chiến lược phát triển hải quan Việt Nam đến năm 2030, hướng tới mục tiêu tổng quát là xây dựng hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình hải quan thông minh.

Tiếp tục triển khai cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN theo hướng xử lý tập trung.

"Đẩy mạnh và tạo sự chuyển biến căn bản trong công tác chuyển đổi số ngành hải quan với trọng tâm là triển khai hệ thống công nghệ thông tin thực hiện hải quan số, trong đó ưu tiên khẩn trương triển khai hệ thống công nghệ thông tin phục vụ các hoạt động nghiệp vụ hải quan giai đoạn trong thông quan", Tổng cục Hải quan nhấn mạnh.

Hệ thống có khả năng mở rộng và tích hợp với các hệ thống công nghệ thông tin hiện tại trên cơ sở ứng dụng những thành tựu mới về công nghệ, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh; hướng tới quản lý doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối; có khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp thông qua cơ chế một cửa quốc gia và sẵn sàng trao đổi dữ liệu hải quan với các nước trong khu vực và trên thế giới, xây dựng hải quan Việt Nam thành hải quan số.

Cùng với đó, tăng cường chống thất thu qua công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện thủ tục hải quan, quản lý thuế, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Chủ động rà soát, phân loại, thu hồi và xử lý nợ thuế phát sinh trước ngày 1/1/2023, đồng thời, không để phát sinh nợ mới trong năm 2023 qua công tác thanh tra, kiểm tra...

Thực hiện nghiêm các quy định về chính sách tài khóa và các kết luận, kiến nghị của các đoàn thanh tra, kiểm toán, Ủy ban kiểm tra Trung ương; tăng cường công tác kiểm tra nội bộ và tự kiểm tra nội bộ.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc thực hiện nghiêm túc kế hoạch thanh tra chuyên ngành, kế hoạch kiểm tra nội bộ và coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi đơn vị và người lao động trong toàn ngành hải quan.

CỤC THUẾ XUẤT NHẬP KHẨU BÁM SÁT BIẾN ĐỘNG, LƯU Ý XỬ LÝ CÁC TRƯỜNG HỢP GIAN LẬN

Trên cơ sở nhiệm vụ chung của toàn ngành, các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan thực hiện nghiêm túc các giải pháp chống thất thu ngân sách nhà nước cụ thể. Giao nhiệm vụ cho Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đề nghị cục theo dõi sát sao tình hình thu ngân sách nhà nước, các tác động ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước như việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do, sự biến động của giá dầu, sự biến động của kim ngạch xuất nhập khẩu có thuế, các khó khăn, vướng mắc về chính sách thuế, các cam kết hội nhập quốc tế đề kịp thời đề xuất, báo cáo lãnh đạo Tổng cục, lãnh đạo Bộ Tài chính.

Về công tác trị giá, định kỳ 6 tháng hoặc đột xuất rà soát, đề xuất xây dựng sửa đổi, bổ sung danh mục rủi ro về trị giá đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và mức giá tham chiếu kèm theo phù hợp với tình hình biến động giá của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Cùng với đó, tập trung rà soát các tờ khai hải quan trên hệ thống thông tin quản lý dữ liệu giá tính thuế (Hệ thống GTT02) hoặc đề xuất ban hành văn bản để kịp thời chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện đúng quy định về kiểm tra trị giá, tránh trường hợp bỏ sót, bỏ lọt các lô hàng có mức giá khai báo thấp, bất hợp lý nhưng không được kiểm tra, tham vấn tại khâu thông quan hoặc khâu sau thông quan.

"Rà soát, kiến nghị Tổng cục chỉ đạo lực lượng kiểm tra sau thông quan, thanh tra - kiểm tra, điều tra chống buôn lậu thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để xử lý đối với các trường hợp có dấu hiệu gian lận trị giá hải quan nhưng hàng hóa đã thông quan; chấn chỉnh kịp thời cục hải quan các tỉnh, thành phố chưa thực hiện đúng công tác quản lý trị giá", Tổng cục Hải quan lưu ý.

Về công tác phân loại và áp dụng mức thuế, Cục Thuế xuất nhập khẩu cần định kỳ 6 tháng hoặc đột xuất rà soát, đề xuất xây dựng sửa đổi, bổ sung danh mục rủi ro về phân loại và áp dụng mức thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, trong đó tập trung đánh giá, phân tích và đưa vào danh mục những mặt hàng có rủi ro cao trong phân loại và xác định mã số.

Thực hiện kiểm tra, rà soát trên các hệ thống nghiệp vụ để kịp thời phát hiện các sai phạm, chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phó, Cục Kiểm định Hải quan thực hiện thống nhất công tác phân loại, xác định mã số và áp dụng mức thuế đảm bảo nguyên tắc một mặt hàng chỉ có một mã số theo danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.

Rà soát, kiến nghị Tổng cục chỉ đạo lực lượng kiểm tra sau thông quan, Thanh tra - kiểm tra, Điều tra chống buôn lậu, Kiểm định Hải quan thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để xử lý đối với các trường hợp có dấu hiệu gian lận về phân loại khi hàng hóa đã thông quan.

Về công tác miễn, giảm, hoàn, không thu thuế, Cục Thuế xuất nhập khẩu cần rà soát, chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố kiểm tra các trường hợp miễn, giảm, hoàn, không thu thuế, không chịu thuế theo hướng dẫn; chỉ đạo các đơn vị đánh giá rủi ro, thực hiện kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế sau khi hoàn thuế đề kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp gian lận, trục lợi đối với hình thức hoàn trước, kiểm sau.

Về công tác quản lý nợ thuế, Cục Thuế xuất nhập khẩu tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế của cục hải quan các tỉnh, thành phố, Cục Kiểm tra sau thông quan; chỉ đạo phân loại và xử lý các nhóm nợ.

"Thường xuyên theo đối, đôn đốc các đơn vị và đưa ra các giải pháp thu hồi nợ phù hợp với thực tế, tham mưu lãnh đạo Tổng cục giao chỉ tiêu thu hồi nợ thuế có khả năng thu năm 2023 đối với từng cục hải quan tỉnh, thành phố; đôn đốc, theo dõi từng tháng, quý tình hình thu hồi và xử lý nợ thuế; đôn đốc cục hải quan các tỉnh, thành phố tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đối với các trường hợp có khả năng xóa nợ để thực hiện xóa nợ nhằm làm giảm số nợ thuế của toàn ngành", Tổng cục Hải quan yêu cầu.

Ánh Tuyết

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thu-ngan-sach-dot-ngot-giam-sau-thang-1-tong-cuc-hai-quan-yeu-cau-trien-khai-loat-nhiem-vu-trong-tam.htm