Thu ngân sách gặp khó

Năm 2021, Trung ương giao dự toán chi cho Hải Dương thấp hơn dự toán năm 2020 là 989,204 tỷ đồng.

Đồng chí Nguyễn Trọng Hưng, Tỉnh ủy viên, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính đọc Tờ trình về tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2020, phương án phân bổ ngân sách địa phương năm 2021

Đồng chí Nguyễn Trọng Hưng, Tỉnh ủy viên, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính đọc Tờ trình về tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2020, phương án phân bổ ngân sách địa phương năm 2021

Hụt thu lớn

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng thu ngân sách nhà nước trong tỉnh năm 2020 ước đạt 16.221 tỷ 605 triệu đồng, bằng 89,6% dự toán (ngân sách địa phương được hưởng 12.554 tỷ 607 đồng). Trong đó, thu nội địa ước đạt 13.659 tỷ đồng, hoàn thành 100,1% dự toán Trung ương và tỉnh giao, bằng 85% so với thực hiện năm 2019, bao gồm: thu tiền sử dụng đất ước đạt 4.000 tỷ đồng (tăng 2.000 tỷ đồng); thu xổ số kiến thiết ước đạt 41 tỷ đồng (tăng 3 tỷ đồng); thu thường xuyên ước đạt 9.618 tỷ đồng (hụt thu 1.992 tỷ đồng); thu huy động đóng góp ước đạt 90 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 2.472 tỷ đồng, bằng 55,6% dự toán (tương ứng hụt 1.978 tỷ đồng), bằng 64% so với thực hiện năm 2019.

Có 13 trong tổng số 16 khoản thu hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán đầu năm. 3 khoản hụt thu nội địa. Đó là thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước Trung ương, ước thực hiện được 833 tỷ đồng, đạt 74% dự toán năm, bằng 80% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp trọng điểm phát sinh và nộp thấp so với cùng kỳ năm trước. Thu từ khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ước được 3.184 tỷ đồng, đạt 69% dự toán năm, bằng 74% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân giảm thu chủ yếu do Công ty TNHH Ford Việt Nam sản lượng tiêu thụ thấp do ảnh hưởng của dịch Covid 19. Thu từ khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh ước thực hiện được 2.267 tỷ đồng, đạt 76% dự toán năm, bằng 77% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân giảm thu chủ yếu do Công ty CP Thép Hòa Phát đã thực hiện tạm nộp trước thuế thu nhập doanh nghiệp vào năm 2019 nên số nộp sang năm 2020 thấp hơn với cùng kỳ. Mặt khác doanh nghiệp thay đổi chiến lược sản xuất kinh doanh, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á nên không nộp thuế giá trị gia tăng, trong khi 10 tháng năm 2019 công ty nộp 329 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng. Hụt thu thường xuyên cân đối ngân sách địa phương 1.754,304 tỷ đồng (hụt 17% dự toán).

Trên cở sở dự kiến nguồn thu, tổng chi ngân sách địa phương năm 2020 ước đạt 18.996 tỷ 520 triệu đồng, đạt 140,4% dự toán năm, chủ yếu tăng chi do kinh phí chuyển nguồn từ năm 2019 sang và nguồn tăng thu tiền sử dụng đất và tăng thu thường xuyên năm 2020 ngân sách ngân sách huyện, xã; kinh phí ngân sách Trung ương bổ sung.

Chi đầu tư phát triển uớc đạt 6.245,383 tỷ đồng, bằng 221,3% dự toán năm. Chi thường xuyên ước đạt 10.683,199 tỷ đồng, bằng 115,3% so với dự toán. Nguyên nhân tăng chi tại các sự nghiệp chủ yếu do nhiệm vụ chi của các đơn vị chuyển tiếp từ năm 2019 sang, chi cho phòng chống dịch Covid-19 và một số nhiệm vụ chi phát sinh.

Để đảm bảo khả năng cân đối ngân sách UBND tỉnh đã đề nghị điều chỉnh dự toán ngân sách và được Thường trực HĐND tỉnh nhất trí, trong đó điều chỉnh giảm dự toán cân đối chi đầu tư xây dựng cơ bản vốn tập trung từ ngân sách cấp tỉnh cho ngân sách cấp huyện năm 2020; điều tiết huy động tăng thu tiền sử dụng đất để bù đắp hụt thu ngân sách cấp tỉnh năm 2020.

Thực hiện tiết kiệm 20% chi thường xuyên

Năm 2021, dự toán thu ngân sách địa phương thấp và dự toán chi thường xuyên năm 2021 được Trung ương giao thấp hơn dự toán năm 2020 là 989,204 tỷ đồng.

Để tiết kiệm, bảo đảm cân đối ngân sách, dự toán chi năm 2021 tiếp tục gắn với lộ trình tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính; khuyến khích tăng thu, tiết kiệm chi, tinh giản biên chế nhanh hơn lộ trình để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức. Không bố trí nguồn để bố trí các chính sách phát sinh tăng thêm năm 2021. Thực hiện tiết kiệm 20% chi thường xuyên (tăng thêm 10% so với năm 2020 ngoài các khoản để tạo nguồn cải cách tiền lương; các khoản chi tiền lương; các khoản thu nhập có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ).

Các nhiệm vụ đặc thù chuyên ngành chỉ bố trí bằng 80% dự toán năm 2020 (trừ nghiệp vụ đặc thù thuộc sự nghiệp y tế, dân số; kinh phí khuyến công, xúc tiến thương mại; kinh phí mua thuốc diệt chuột, mua vaccine, hóa chất phòng chống dịch bệnh cho gia súc gia cầm). Tiết kiệm chi ngân sách khi thực hiện chủ trương khoán xe công trong dự toán 2021, thực hiện giảm chi tiền lương và chi công việc theo số lượng tinh giản biên chế lái xe. Không bố trí kinh phí mua sắm sửa chữa, trừ trường hợp đặc biệt được cấp có thẩm quyền cho phép. Giữ nguyên khối lượng, đơn giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách bằng năm 2020, không phát sinh tăng thêm.

Tỉnh cũng sẽ thực hiện nghiêm lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ, đẩy mạnh việc triển khai cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Xây dựng dự toán kinh phí nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu cung cấp dịch vụ công theo quy định của Nghị định 32/2019/NĐ-CP. Cân đối bảo đảm kinh phí sự nghiệp thực hiện các chương trình, đề án chuyển tiếp trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và các chương trình, đề án mới trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và các đề án, chương trình, nhiệm vụ khác từ nguồn Trung ương bổ sung có mục tiêu để hỗ trợ bảo đảm mặt bằng dự toán chi ngân sách địa phương...

UBND tỉnh cũng đề ra nhiều giải pháp để tăng thu ngân sách trong năm 2021 là: Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững, tạo nguồn thu ngân sách ổn định, vững chắc. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo quy định, phục hồi tăng trưởng, tạo điều kiện, cung cấp thông tin hỗ trợ doanh nghiệp để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh phát triển nhằm nuôi dưỡng và tạo nguồn thu cho ngân sách. Tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát kê khai thuế, đôn đốc nộp các khoản thu phát sinh theo quy định. Tăng cường công tác quản lý, giám sát hoàn thuế. Tăng cường thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế giá trị gia tăng. Tập trung xử lý, thu hồi nợ đọng thuế. Rà soát, tăng cường khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công. Kịp thời tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho các dự án có thu tiền sử dụng đất nhằm huy động vốn cho phát triển xã hội...

PV

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te---tieu-dung/thu-ngan-sach-gap-kho-154907