Thu ngân sách nhà nước tăng 16,8%

Chiều 18/6, Bộ Tài chính tổ chức họp báo thường kỳ quý II/2024. Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi - Người phát ngôn của Bộ Tài chính chủ trì cuộc họp. Tham dự buổi họp báo còn có đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính cùng đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí.

Theo Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2024, mặc dù tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới có nhiều biến động khó lường. Tuy vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã vượt khó, chủ động, linh hoạt, kịp thời trong điều hành chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thu ngân sách nhà nước đạt khá so với dự toán và tăng trưởng so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước đến ngày 15/6/2024 đạt khoảng 946,1 nghìn tỷ đồng, bằng 55,6% dự toán, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2023.

 Toàn cảnh họp báo

Toàn cảnh họp báo

Chi ngân sách nhà nước ước đạt 719,7 nghìn tỷ đồng, bằng 34% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 23,4% dự toán (tỷ lệ giải ngân ước đạt 23,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), chi trả nợ lãi ước đạt 46,9% dự toán, chi thường xuyên ước đạt 40,4% dự toán.

Chi ngân sách đã đáp ứng các nhu cầu chi phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản trả nợ đến hạn, đảm bảo chi trả kịp thời các khoản lương, lương hưu, trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

Cùng với đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình cấp thẩm quyền ban hành các chính sách giảm thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp, người dân có quy mô khoảng 68 nghìn tỷ đồng

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kéo dài thời gian thực hiện giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2024.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành thông tư theo trình tự thủ tục rút gọn, dự kiến sẽ giảm 36 loại phí, lệ phí.

Công tác quản lý nợ công được kiểm soát chặt chẽ. Các chỉ tiêu nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng của ngân sách nhà nước, nợ chính quyền địa phương, đảm bảo các chỉ tiêu trong giới hạn an toàn nợ. Cùng với đó, Bộ Tài chính đã kịp thời tham mưu đề xuất và tập trung triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp về quản lý, điều hành giá, nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Phát biểu tại họp báo, liên quan đến quản lý thị trường vàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, như nhiều ngành nghề khác, hoạt động kinh doanh vàng luôn chịu sự quản lý của cơ quan Nhà nước, trong đó có cơ quan thuế. Ngành thuế thời gian qua đã đẩy mạnh quản lý trong lĩnh vực này.

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc kiểm soát xuất hóa đơn trong thực hiện các giao dịch mua bán vàng, ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền để kiểm soát các giao dịch mua bán vàng. Vừa qua, cơ quan thuế và Bộ Tài chính đã có đề xuất thanh toán không dùng tiền mặt đối với hoạt động mua bán vàng. Thay vào đó, các giao dịch mua bán vàng sẽ phải thanh toán qua tài khoản.

Bên cạnh tăng cường quản lý về thuế, ông Đặng Ngọc Minh cho biết, Bộ Tài chính đề xuất thanh toán không dùng tiền mặt đối với hoạt động mua bán vàng. Liên quan đến đề xuất đánh thuế với giao dịch vàng để kiểm soát đầu cơ, thao túng giá, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ sẽ tiếp thu, nghiên cứu và đánh giá tác động với đề xuất này.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, việc đánh thuế với giao dịch vàng không chỉ tác động trực tiếp lên các đối tượng giao dịch mà còn ảnh hưởng tới nhiều mặt khác. Do đó, Bộ Tài chính sẽ có đánh giá kỹ lưỡng, báo cáo cấp có thẩm quyền.

Liên quan việc Ủy ban Chứng khoán yêu cầu VPS ngừng mô hình đầu tư "chia nhỏ bất động sản" 10.000 đồng, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết pháp luật về chứng khoán chưa có quy định cụ thể hay xác định loại hình chia nhỏ bất động sản vào một loại chứng khoán.

Theo ông Hải, hiện nhiều quốc gia trên thế giới có những quy định cụ thể để kiểm soát và hạn chế rủi ro từ loại hình kinh doanh này song Việt Nam thì chưa. Hơn nữa, qua theo dõi mô, Ủy ban Chứng khoán nhận thấy hình thức đầu tư này khá nhiều rủi ro.

Chia sẻ thêm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán về vấn đề này. "Việc cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán phải nằm trong lĩnh vực kinh doanh và ngành nghề được cấp phép kinh doanh. Nếu nằm ngoài phạm vi này thì sẽ phải dừng lại để xem xét và có những đánh giá toàn diện", lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng khẳng định, có được những kết quả trên, bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn của toàn ngành còn có sự đồng hành, tuyên truyền hiệu quả, tích cực của các cơ quan thông tấn, báo chí, đặc biệt là đội ngũ phóng viên theo dõi ngành Tài chính trong thời gian qua.

Minh Châu

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/thu-ngan-sach-nha-nuoc-tang-168-712909.html