Thu ngân sách tăng cao hơn 150.000 tỷ đồng so với dự báo
Ước thu ngân sách cả năm đạt 1 triệu 472 nghìn tỷ đồng, bằng 98,3% dự toán, cao hơn 148-150 nghìn tỷ đồng so với con số đánh giá tháng 8, tháng 9 để báo cáo Quốc hội.
"Mặc dù trải qua nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2020 nhưng kết quả kinh tế - xã hội, thu ngân sách khá toàn diện và tích cực", Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh điều này tại Hội nghị Chính phủ với địa phương sáng nay, 29/12.
Theo đó, kết quả thu cân đối ngân sách nhà nước đến hết 28/12/2020 đạt 1 triệu 426 nghìn tỷ đồng, bằng 94,32% dự toán, cao hơn hơn 101,4 nghìn tỷ đồng so với con số đã báo cáo Quốc hội, vẫn đang chỉ đạo các cơ quan thuế, hải quan, kho bạc phối hợp với các cấp các ngành đôn đốc các khoản thu trên tinh thần thu đúng, đủ, kịp thời theo quy định và tuyệt đối không động viên các doanh nghiệp nộp trước các khoản chưa đến hạn.
Ước thu ngân sách cả năm đạt 1 triệu 472 nghìn tỷ đồng, bằng 98,3% dự toán, cao hơn 148-150 nghìn tỷ đồng so với con số đánh giá tháng 8, tháng 9 để báo cáo Quốc hội, trong đó thu nội địa trên 98%, thu dầu thô 97,7%...
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (Ảnh: VGP)
Thu cân đối ngân sách địa phương ước vượt trên 40 nghìn tỷ đồng, bằng 106% dự toán, đến nay có 56/63 địa phương thu nội địa vượt dự toán được giao, các tỉnh trọng điểm có Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh… đánh giá vượt dự toán, một số địa phương chưa hoàn thành dự toán như: TPHCM, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng…
Thu cân đối ngân sách Trung ương ước đạt 776 nghìn tỷ đồng, đạt 88,4% dự toán, cao hơn 51 nghìn tỷ đồng so với con số báo cáo Quốc hội.
Trong điều kiện thu ngân sách khó khăn, vẫn bảo đảm nguồn thực hiện các khoản chi quan trọng theo dự toán, đặc biệt là chi đầu tư phát triển, đồng thời bổ sung chi phòng chống dịch, hỗ trợ người lao động bị giảm sâu vào thu nhập, chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Ông cũng cho biết, nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân, các cơ quan nhà nước thực hiện tiết kiệm 70% kinh phí hội nghị, hội thảo, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm 10% chi thường xuyên. Giải ngân chi đầu tư phát triển có bước tiến bộ lớn, ước đến 31/12 đạt 82,8%.
Về cân đối NSNN, nhờ thu ngân sách cao hơn và triệt để tiết kiệm các khoản chi, nên bội chi ngân sách năm nay ước bằng 4,1 - 4,2%GDP, thấp hơn so với mức đã báo cáo Quốc hội là 4,99%GDP. Tỷ lệ nợ công đến hết năm 2020 ước bằng 55 - 56%GDP.
“Tổng hợp chung 5 năm chúng ta đã cơ bản hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch tài chính 5 năm 2016 - 2020, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn tài chính, ổn định vĩ mô, nâng cao hệ số tín nhiệm của Việt Nam”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.
Năm 2021, ngành Tài chính khẩn trương rà soát, báo cáo Chính phủ và các cấp có thẩm quyền các giải pháp ưu đãi, miễn giảm, giãn các khoản thuế, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; thu hút các nguồn dịch chuyển vốn đầu tư phù hợp với mục tiêu, yêu cầu phát triển kinh tế, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn kế hoạch..., tuy nhiên cũng cần căn cứ vào thực tiễn.
Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế đề nghị các ngành, cấp ủy chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo công tác quản lý ngân sách bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản thu; chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế, buôn lậu gian lận thương mại, xuất xứ, giao chỉ tiêu giảm nợ đọng thuế, trốn thuế 5%, phấn đấu tăng thu ngân sách tối thiểu 3% so với dự toán ngân sách được giao…
Cũng theo người đứng đầu ngành Tài chính, năm 2021, cần tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại khu vực ngân hàng, xử lý dứt điểm các dự án đầu tư thua lỗ, nâng cao hiệu quả hoạt động của cả hệ thống.
Dự toán thu NSNN năm 2021 đã bao gồm 40 nghìn tỷ đồng nguồn cổ phần hóa, thoái vốn của ngân sách Trung ương. Do đó, ông Dũng đề nghị các bộ, cơ quan có liên quan cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện lộ trình cổ phần hóa, thoái vốn ngay từ đầu năm, tránh dồn vào thời điểm cuối năm như một số năm gần đây.