Thu ngân sách tiếp tục gặp khó, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị phải có giải pháp
Bức tranh kinh tế 5 tháng đầu năm đang hiện rõ gam màu u ám trong bối cảnh các trụ cột tăng trưởng đều giảm tốc, điều này ảnh hưởng lớn đến việc hoàn thành mục tiêu thu ngân sách cả năm. Ngành tài chính đang tìm giải pháp tăng thu và bù đắp giảm thu do thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế, hồi phục sản xuất kinh doanh...
Ngày 6/6, Bộ Tài chính thông tin về nội dung cuộc họp giữa lãnh đạo Bộ và các đơn vị trực thuộc nhằm tìm giải pháp trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước tiếp tục gặp khó.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện tháng 5 ước đạt 103,4 nghìn tỷ đồng, bằng 6,4% dự toán và 62,1% mức thu bình quân 4 tháng đầu năm (166,5 nghìn tỷ đồng/tháng).
Lũy kế thu ngân sách 5 tháng ước đạt 782,9 nghìn tỷ đồng, bằng 48,31% dự toán.
Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước tháng 5 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 85,2 nghìn tỷ đồng, đạt 6,2% so với dự toán pháp lệnh, bằng 76,4% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, đại diện Tổng cục Hải quan, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu tháng 5 tiếp tục giảm sút; lũy kế kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa có thuế tính đến ngày 15/5 đạt khoảng 45,5 tỷ USD, giảm 19% so cùng kỳ năm 2022.
Số thu ngân sách lũy kế từ ngày 1/1 đến 15/5 đạt 136,918 nghìn tỷ đồng, bằng 32,21% dự toán, giảm 17,02% so với cùng kỳ năm trước.
Chia sẻ gần đây, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng..., bức tranh kinh tế hiện nay không những khó khăn, suy giảm mà thực sự tiêu điều, khiến thu ngân sách nhà nước có xu hướng giảm.
Trong bối cảnh thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đặt vấn đề: "Làm sao 6 tháng đầu năm và tới 6 tháng cuối năm phấn đấu đạt chỉ tiêu dự toán Quốc hội giao về thu chi ngân sách nhà nước". Đồng thời, Thứ trưởng yêu cầu ngành thuế, hải quan và các đơn vị phải có giải pháp để hoàn thành mục tiêu thu ngân sách cần đảm bảo thu đúng, thu đủ, kịp thời.
Đề xuất giải pháp nhằm tăng thu ngân sách, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho rằng cần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Theo đó, từ nay đến cuối năm, ngành Hải quan sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc thông quan hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản xuất khẩu qua biên giới đang vào vụ hiện nay.
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính, đẩy nhanh việc hoàn thuế nhập khẩu, rút ngắn thời gian hoàn thuế cho doanh nghiệp... Ngoài ra, tăng cường các giải pháp về chống buôn lậu, gian lận hàng hóa. Về thu ngân sách, tăng cường công tác thu, rà soát nợ đọng thuế…
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhận định, công tác thu chi ngân sách nhà nước từ nay đến cuối năm sẽ rất khó khăn.
Liên quan đến các đề án chính sách còn chậm, muộn, từ các Thông tư, Nghị định, Quyết định, Thứ trưởng Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị bám sát, đẩy nhanh theo đúng tiến độ được giao hoặc đã đăng ký trong các lĩnh vực như bảo hiểm, công sản, hải quan.
Đối với việc triển khai các chính sách về phục hồi kinh tế, các đơn vị cần chú trọng quan tâm. Ngoài ra, đối với công tác kiểm tra, giám sát, các đơn vị ban hành chính sách, có chức năng kiểm tra giám sát cần tăng cường góc độ kiểm tra giám sát, làm tròn trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực được giao.
Qua kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm, kiến nghị sửa đổi bổ sung, hoàn thiện chính sách. Đặc biệt, trong công tác kiểm tra, giám sát cần giữ vững kỷ luật kỷ cương công vụ hành chính.