Thử nghiệm công nghệ chuyển đổi xanh tại Việt Nam
Theo bà Emily Hamblin - Tổng Lãnh sự Vương quốc Anh tại TPHCM, Bình Dương sẽ là nơi đầu tiên tại Việt Nam thí điểm thử nghiệm công nghệ chuyển đổi xanh, tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng tái tạo.
Chiều 9/4, tại Bình Dương, Phòng kinh tế Thương Mại Anh thực hiện buổi chia sẻ về công nghệ năng lượng xanh và định hướng nghiên cứu nhằm tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng tái tạo; tạo điều kiện trao đổi kiến thức giữa Bình Dương và các chuyên gia về phát triển năng lượng bền vững.
Tại đây, các đơn vị đã công bố dự án Thử nghiệm Công nghệ và Hợp tác nghiên cứu phát triển Chuyển đổi xanh VIETPULSE thí điểm tại Trường Đại học Quốc tế Miền Đông, là cầu nối hợp tác về các giải pháp năng lượng giúp giải quyết các thách thức, thúc đẩy các sáng kiến xanh.
Bà Emily Hamblin - Tổng Lãnh sự Vương quốc Anh tại TPHCM - cho biết, Vương quốc Anh đã giảm 48% phát thải từ năm 1990 đến 2021. Đây là nước đầu tiên trong nhóm G7 đưa kế hoạch Net Zero 2050 trở thành đạo luật. Mục tiêu của Anh đến năm 2035 hoàn toàn khử phát thải carbon khỏi nguồn điện và ngưng bán xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030.
“Bình Dương sẽ là nơi đầu tiên tại Việt Nam thí điểm thử nghiệm công nghệ chuyển đổi xanh, tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng tái tạo. Từ đây, các nhà chuyên môn sẽ đánh giá để triển khai rộng tại Việt Nam” - bà Emily Hamblin nói.
Dự án VIETPULSE giải quyết những vấn đề cơ bản trong việc sử dụng năng lượng tái tạo tại Việt Nam như sự mất cân bằng điện lưới, sự thiếu ổn định giữa trong việc cung cấp năng lượng cho người sử dụng, ...
Sau khi chính thức triển khai những hạ tầng cơ bản cho dự án như lắp đặt những hạ tầng cần thiết cho dự án như hệ thống pin năng lượng mặt trời, các trạm sạc xe điện, hệ thống pin lưu trữ năng lượng, trạm đổi pin xe máy 2 chiều, các đơn vị sẽ phối hợp cùng tiến hành thực hiện những nghiên cứu.
Cụ thể, nghiên cứu và triển khai hệ thống quản lý năng lượng nhằm tối ưu hóa việc tiêu thụ điện và tối ưu hóa việc lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo; nghiên cứu ứng dụng các công nghệ về dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo AI để điều phối các tài nguyên được sử dụng trong cùng một tổ hợp hạ tầng cơ bản; nghiên cứu xây dựng mô hình chia sẻ năng lượng giữa các đơn vị, từ đó triển khai với quy mô lớn hơn như trong các khu công nghiệp và cụm dân cư.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết, Bình Dương đã và đang thực hiện công tác quy hoạch tích hợp tầm nhìn 2050, xây dựng Thành phố mới Bình Dương sẽ là điểm đến cho những doanh nghiệp thâm dụng công nghệ và trí thức, thân thiện với môi trường.
Bình Dương sẽ là môi trường thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, khuyến khích thử nghiệm và ứng dụng công nghệ mới trong thực tiễn, và tạo điều kiện tối đa cho sự phát triển của doanh nghiệp, hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, hướng đến ứng dụng những giải pháp công nghệ mới để phát triển đột phá và bền vững.