Thử nghiệm dùng cá và ruồi biến đổi gene loại bỏ ô nhiễm môi trường
Để giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường, Đại học Macquarie (Úc) đang tiến hành một nghiên cứu mang tính đột phá nhằm loại bỏ Methylmercury, hợp chất thủy ngân có độc tính cao trong sinh vật biển, đặc biệt là cá, bằng cách sử dụng cá và ruồi biến đổi gene, khiến chúng hấp thụ và trung hòa chất độc này hiệu quả hơn.

Thử nghiệm dùng cá và ruồi biến đổi gene loại bỏ ô nhiễm môi trường
Methylmercury (Methyl thủy ngân) được thải vào môi trường thông qua các hoạt động công nghiệp như đốt than và dễ dàng xâm nhập vào chuỗi thức ăn. Các sinh vật thủy sinh hấp thụ Methylmercury qua đường tiêu hóa và tích lại trong cơ thể.
Khi bị các sinh vật lớn ăn thịt, lượng chất độc di chuyển theo chuỗi thức ăn và tăng theo cấp số nhân. Khi con người ăn phải những con cá ô nhiễm, độc tố trong cơ thể tăng, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt là cho hệ thần kinh, thận, thậm chí cả những đứa trẻ chưa ra đời.
Trong nghiên cứu, Đại học Macquarie đã tiến hành biến đổi gene cá ngựa vằn và ruồi giấm bằng cách chèn các biến thể gene của khuẩn E. coli vào DNA của chúng. Quá trình này giúp sinh vật tạo ra enzyme chuyển đổi Methylmercury thành thủy ngân nguyên tố, một dạng ít độc hơn.
Qua thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy, phần lớn thủy ngân nguyên tố bốc hơi khỏi cơ thể cá và ruồi. Đối với cá, lượng khí thể sẽ được thoát ra qua mang, da hoặc bài tiết qua nước tiểu và phân, giúp loại bỏ Methylmercury mà không gây nguy hiểm cho môi trường.
Ngoài ra, thủy ngân nguyên tố ít có xu hướng tích lũy trong cơ thể hơn nên những con cá và ruồi biến đổi gene tích lũy ít thủy ngân hơn tới 50% so với những sinh vật đối chứng.
Cá và ruồi biến đổi gene cũng đã được thiết kế để chúng không sinh sản trong tự nhiên nhưng cần thêm nghiên cứu trước khi áp dụng rộng rãi và phù hợp cho xử lý chất thải hữu cơ nhiễm thủy ngân trong các môi trường công nghiệp.
Nguồn: NAC/LSC/IEC