Thử nghiệm vaccine của AstraZeneca tại Chile không ghi nhận đông máu
Giáo sư Maria Elena Santolaya khẳng định không có bất kỳ tình nguyện viên nào trong mọi độ tuổi, giới tính gặp phản ứng phụ liên quan tới hiện tượng đông máu sau tiêm tại nước này.
Ngày 23/4, các chuyên gia dịch tễ Chile thông báo kết quả thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca (Anh-Thụy Điển) cho thấy không có trường hợp nào bị đông máu sau tiêm trong số 2.200 tình nguyện viên tham gia.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, kết quả thử nghiệm của Đại học Chile được công bố chỉ thời gian ngắn sau khi lô vaccine COVID-19 đầu tiên của AstraZeneca được chuyển tới nước này để phục vụ chương trình tiêm chủng quốc gia đang được Chính phủ Chile triển khai.
Giáo sư Maria Elena Santolaya khẳng định không có bất kỳ tình nguyện viên nào trong mọi độ tuổi, giới tính gặp phản ứng phụ liên quan tới hiện tượng đông máu sau tiêm tại nước này.
Trước đó cùng ngày, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) dẫn kết quả đánh giá vaccine AstraZeneca cho thấy với những người càng lớn tuổi, vaccine càng có hiệu quả phòng bệnh cao và lợi ích của việc tiêm vaccine này ở người trưởng thành vẫn lớn hơn so với rủi ro. Tuyên bố nhấn mạnh việc xuất hiện huyết khối sau tiêm chỉ là phản ứng phụ rất hiếm gặp.
Cùng ngày 23/4, Phòng Thương mại Mỹ đã kêu gọi chính quyền của Tổng thống Joe Biden chia sẻ hàng triệu liều vaccine AstraZeneca trong kho dự trữ và chuyển cho Ấn Độ, Brazil cùng các quốc gia khác đang bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19 nặng nề.
Trong một tuyên bố, Phó Chủ tịch điều hành USCC Myron Brilliant cho biết hiện Mỹ không cần đến số vaccine AstraZeneca dự trữ do nước này có khả năng đảm bảo đến đầu tháng 6 tới có đủ vaccine cho tất cả người dân. Tuyên bố nhấn mạnh việc chia sẻ số vaccine này cho các nước "điểm nóng" của đại dịch COVID-19 sẽ "tái khẳng định vai trò dẫn dắt của Mỹ" trong các nỗ lực toàn cầu, trong đó có cơ chế tiếp cận vaccine COVAX.
Ông khẳng định "không ai an toàn trong đại dịch COVID-19 cho đến khi tất cả đều an toàn." Hiện vaccine AstraZeneca đang được triển khai tiêm ở 157 quốc gia và vùng lãnh thổ./.