Thu nhập 35 triệu/tháng, phụ huynh không dám cho con học trường tư

Nhiều phụ huynh mong muốn cho con học trường tư thục, song lo ngại áp lực tài chính, 'đuối sức' nếu theo đường dài.

 Nhiều phụ huynh băn khoăn mức thu nhập gia đình bao nhiêu thì đủ cho con học trường tư thục. Ảnh: Pexels.

Nhiều phụ huynh băn khoăn mức thu nhập gia đình bao nhiêu thì đủ cho con học trường tư thục. Ảnh: Pexels.

“Thu nhập hai vợ chồng là 35 triệu đồng/tháng, tôi e không gồng gánh được nếu con học trường tư”, chị Nguyễn Chinh, phụ huynh tại Hà Đông (Hà Nội), chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Theo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê, nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất có thu nhập bình quân đạt 10,86 triệu đồng/người/tháng.

Dù có mức thu nhập thuộc nhóm này, song chị Nguyễn Chinh vẫn ngại ngần chuyện cho con học trường tư vì lo gánh nặng tài chính, khi mức phí học có thể lên tới 10 triệu đồng/tháng.

"Đuối sức" khi cho con học trường tư

Chị Chinh có hai con. Con trai lớn đang học tiểu học trường công lập, còn con gái nhỏ học mầm non tư thục. Hơn một năm nữa, con gái mới vào lớp 1, nhưng gần đây, chị đã tính tới chuyện có nên cho con học tiểu học trường tư không.

Theo chị, ngôi trường tư thục nằm ngay cạnh nhà, thuận tiện cho chị đưa đón. Môi trường cũng rất tốt, chương trình học có hệ song ngữ, con học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài ngay tại trường. Ngoài ra, cơ sở vật chất có đủ để con học năng khiếu, kỹ năng hay trải nghiệm khác.

Trong khi đó, nếu học trường công, bố mẹ phải đưa đón xa hơn, sĩ số lớp đông, cơ sở vật chất hạn chế hơn, con phải học thêm ngoại ngữ bên ngoài. Bù lại, mức chi phí rẻ, chỉ 1,6 triệu đồng mỗi tháng.

“Thực lòng, vì là bé gái nên tôi muốn cho con học trường tư cho nhẹ nhàng. Song, mức học phí ở tiểu học tư vượt quá điều kiện gia đình”, chị Chinh nói.

Hiện tại, chị phân vân nếu cố cho con theo học trường tư với học phí 10 triệu đồng (bao gồm cả bán trú và chi phí khác), nuôi hai con, vợ chồng chị phải co kéo hoặc cắt giảm khoản khác. Áp lực kinh tế từ đây cũng nặng hơn, trong khi hai vợ chồng chị không có điều kiện làm thêm công việc khác để tăng thu nhập.

Người mẹ nghĩ rằng thu nhập phải 50 triệu đồng/tháng thì mới yên tâm cho con học trường tư với mức học phí trên.

“Thực tế, có hệ thường với học phí thấp hơn, nhưng như thế chẳng khác gì học trường công với học phí cao”, chị Chinh nhìn nhận.

Trong khi đó, dù thu nhập gia đình không dư giả, 4 năm vừa rồi, chị N.D., phụ huynh sinh sống tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, từng chi 7 triệu mỗi tháng cho con học mẫu giáo tư, trong khi lương của mẹ lúc đó chỉ 6 triệu đồng, tổng thu nhập cả gia đình là 18 triệu.

Chị D. thừa nhận với mức học phí trên, vợ chồng chị thường xuyên áp lực tài chính, không tháng nào có tiền dư, “tháng nào biết tháng nấy”. Tuy nhiên, người mẹ nhất định không chuyển sang trường có học phí thấp hơn vì cho rằng giai đoạn 0-6 tuổi là quan trọng nhất để đầu tư cho con.

Song, năm ngoái, khi con lên lớp 1, cùng lúc có bé thứ hai, không thể tiếp tục “gồng”, chị D. đành cho con về học trường công gần nhà. Bởi nếu tiếp tục theo đuổi trường tư, chị sợ việc học của con “đứt gánh giữa đường” vì tài chính bố mẹ không vững, như thế sẽ rất ảnh hưởng.

 Không ít phụ huynh gặp áp lực tài chính khi "cố" cho con học trường tư. Ảnh minh họa: Trường Nguyễn Siêu.

Không ít phụ huynh gặp áp lực tài chính khi "cố" cho con học trường tư. Ảnh minh họa: Trường Nguyễn Siêu.

Xác định cho con học tư, lộ trình tài chính phải rõ ràng

Chia sẻ về việc thu nhập bao nhiêu trong một tháng sẽ đủ cho con học trường tư, trao đổi với Tri Thức - Znews, bà Kiều Diễm Thúy - Chủ tịch HĐQT Hệ thống Giáo dục Quốc tế Phú Đông (Bình Dương) - nhận định trường tư hiện nay có nhiều phân khúc học phí và phương thức triển khai khác nhau, từ trường chất lượng cao có mức học phí hợp lý đến các mô hình tích hợp, quốc tế…

Mỗi trường có mức học phí với chương trình học riêng, phù hợp với nhiều đối tượng. Điều này giúp phụ huynh có thể dễ dàng cân nhắc và lựa chọn theo khả năng tài chính của gia đình mình.

“Như vậy, việc cho con theo học tại trường tư không đồng nghĩa với việc phải có điều kiện tài chính vượt trội, mà quan trọng hơn là sự ưu tiên và chuẩn bị tài chính của mỗi gia đình”, bà Thúy nói.

Cũng theo bà, thực tế, không có một “mức thu nhập chuẩn” để chọn trường cho con, bởi mỗi gia đình có điều kiện và cách cân đối chi tiêu khác nhau.

Việc chọn trường không chỉ phụ thuộc vào thu nhập, mà còn dựa trên cách phụ huynh phân bổ ngân sách, mức độ hỗ trợ thêm từ gia đình như ông bà, người thân, cũng như sự đồng thuận trong kế hoạch nuôi dạy con.

Bà Thúy gợi ý phụ huynh có thể áp dụng quy tắc 50-30-20, trong đó 50% tổng thu nhập hàng tháng của gia đình mình có thể sử dụng cho các nhu cầu thiết yếu, bao gồm việc học tập của con; 30% chi tiêu cho các sở thích của gia đình và 20% còn lại dùng cho việc đầu tư, tiết kiệm, dự phòng tình huống khẩn cấp.

 Bà Kiều Diễm Thúy khuyên phụ huynh nên chọn trường phù hợp với tài chính trung - dài hạn của gia đình. Ảnh: NVCC.

Bà Kiều Diễm Thúy khuyên phụ huynh nên chọn trường phù hợp với tài chính trung - dài hạn của gia đình. Ảnh: NVCC.

Trong 50% nhu cầu thiết yếu, phụ huynh có thể cân nhắc dành khoảng từ 20-30% cho việc học của con tùy theo kế hoạch nuôi dạy con mà gia đình đã thống nhất.

Bà Thúy lưu ý nếu xác định cho con học trường tư, phụ huynh cần lên lộ trình tài chính rõ ràng.

Trong quá trình vận hành trường, bà từng chứng kiến một số gia đình buộc phải chuyển trường cho con vì vấn đề tài chính, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19. Điều đó hoàn toàn dễ hiểu trong bối cảnh kinh tế còn nhiều biến động.

Tuy nhiên, việc “đứt gánh giữa đường” do thay đổi môi trường học tập có thể gây ra những xáo trộn tâm lý không nhỏ, đặc biệt với trẻ mầm non vì còn quá nhỏ. Trẻ có thể cảm thấy lo lắng, mất kết nối hoặc thậm chí sợ đi học khi phải làm quen lại từ đầu, cô mới, bạn mới, lớp mới, nề nếp mới.

Vì vậy, bà Thúy khuyên phụ huynh nên chọn ngôi trường phù hợp với tài chính trung - dài hạn của gia đình; không nên lựa chọn vượt quá khả năng vì điều đó sẽ tạo ra áp lực lớn.

Cùng với đó, cha mẹ cần cân nhắc kỹ và có kế hoạch chuẩn bị tài chính từ sớm để giúp con có một hành trình học tập bền vững. Điều này giúp bố mẹ chủ động và yên tâm hơn trong việc chọn môi trường học ổn định cho con.

Đừng chỉ quan tâm học phí

Chia sẻ thêm với phụ huynh, bà Kiều Diễm Thúy lưu ý khi chọn trường cho con, học phí không phải là tiêu chí duy nhất để phụ huynh đánh giá chất lượng của một trường tư thục.

Một số tiêu chí khác phụ huynh cần cân nhắc như giá trị cốt lõi và triết lý giáo dục của trường. Đây là yếu tố thể hiện sự bền vững của nhà trường trong định hướng đồng hành và phát triển cùng trẻ.

Chất lượng chương trình học và đội ngũ giáo viên cũng là yếu tố cần quan tâm. Một số câu hỏi phụ huynh nên đặt ra như “Liệu chương trình có bám sát nhu cầu phát triển theo độ tuổi của trẻ?”; “Trường có áp dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến và thực tiễn không?”. Trong khi đó, trình độ chuyên môn, sự tận tâm và cách giáo viên tương tác với trẻ là điều phụ huynh nên dành thời gian quan sát trực tiếp.

Phụ huynh cũng nên xem xét không gian trường học có đảm bảo an toàn, vệ sinh và thân thiện với trẻ không? Cơ sở vật chất có đủ điều kiện kích thích sự phát triển toàn diện? Nhà trường có những biện pháp an toàn nào để bảo vệ sự phát triển cả về thể chất, tinh thần và cảm xúc của trẻ?

Bên cạnh đó, phụ huynh cần tìm hiểu kỹ về thực đơn, nguồn gốc thực phẩm cũng như quy trình chế biến tại trường. Ngoài ra, từ học phí, phương pháp giảng dạy đến các chính sách xử lý tình huống, tất cả nên được công khai, rõ ràng và dễ tiếp cận cho phụ huynh.

Bà Thúy khuyên để khách quan nhất, trước khi đăng ký cho con, phụ huynh nên đến trường trải nghiệm trực tiếp không gian học, cách giáo viên tương tác cũng như các hoạt động của trẻ trong ngày.

“Vì chỉ khi tận mắt chứng kiến, ba mẹ mới thực sự cảm nhận rõ liệu đây có phải là nơi phù hợp để trẻ theo học”, bà nhấn mạnh.

Ngọc Bích - Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/thu-nhap-35-trieuthang-phu-huynh-khong-dam-cho-con-hoc-truong-tu-post1545296.html