Thu nhập 700 nghìn đồng/tháng vẫn có thể tham gia bảo hiểm xã hội
Với thu nhập 700 nghìn đồng/tháng cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, người lao động hoàn toàn có thể tham gia và hưởng lợi ích nhân văn của bảo hiểm xã hội.
Thu nhập 700 nghìn đồng là có thể tham gia
Ngoài những nguyên nhân khiến người dân chưa “mặn mà” với BHXH được các chuyên gia chỉ ra trong buổi tập huấn "Pháp luật về chính sách Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế" được tổ chức sáng 3/12, tại Yên Bái, chiều cùng ngày, ông Trần Đình Lợi - Phó phòng truyền thông BHXH tỉnh Yên Bái còn chỉ ra nguyên nhân quan trọng là thời gian đóng BHXH quá dài cũng là trở ngại lớn.
Mời độc giả đọc nội dung qua bài: "Cán bộ làm an sinh xã hội phải thực hiện bằng cả trái tim"
Cụ thể, thời gian tối thiểu để được hưởng BHXH là 20 năm, cùng với đó mức thu nhập bấp bênh của đại đa số người lao động tự do khiến người dân “ngại” tham gia.
Theo ông Lợi, thực chất đây không phải vấn đề lớn một khi người dân hiểu về mức tiền tham gia BHXH, bởi với mức thu nhập tối thiếu 700 nghìn đồng/tháng vẫn có thể tham gia.
Nói rõ hơn, 700 nghìn đồng là mức thu nhập của chuẩn hộ nghèo, khi tham gia bảo hiểm, người tham gia sẽ đóng 22% số tiền đó. Bên cạnh đó, Nhà nước đã có ngân sách hỗ trợ đóng tới 30% với hộ nghèo, hỗ trợ 25% với hộ cận nghèo và 10% với các đối tượng khác. Do đó, đối với người lao động thuộc hộ nghèo, mỗi ngày trung bình chỉ cần bỏ ra chưa tới 5 nghìn đồng là có thể tham gia, trong khi giá trị, lợi ích mà BHXH mang lại sau khi hết tuổi lao động là rất lớn.
Cũng theo ông Lợi, hiện nay thủ tục khi tham gia BHXH hiện nay đã được tối giản, rút ngắn rất nhiều thủ tục cho người dân, các cơ chế, chính sách luôn được nhà nước đảm bảo và được hướng dẫn cụ thể khi người dân tham gia.
Những biện pháp đưa BHXH tới người dân
Với giá trị nhân văn BHXH mang lại, thông qua chính sách Nhà nước luôn hỗ trợ rất nhiều để tất cả người lao động từ thu nhập tối thiểu đến thu nhập cao được tham gia BHXH. Do đó, công tác tuyên truyền cần được thực hiện bài bản để người dân hiểu đúng về BHXH, đặc biệt là mức đóng vốn là vấn đề người dân băn khoăn.
Để thu hút nhiều người dân và lao động tham gia BHXH tự nguyện, phấn đấu đạt mục tiêu 50% lực lượng lao động tham gia BHXH theo Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị trong thời gian tới, theo ông Lợi, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp.
Trước hết cần tăng cường công tác thông tin tuyên tuyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện đến người lao động nhằm nâng cao nhận thức của các đối tượng thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện và người dân về nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của BHXH tự nguyện.
Tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành, các cơ quan truyền thông, tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác tuyên truyền luật BHXH đến người dân; phát hành các ấn phẩm tuyên truyền đến tay người lao động, nhất là người lao động trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh như tờ rơi, tờ gấp, áp phích tuyên truyền BHXH tự nguyện.
Chú trọng các hoạt động tuyên truyền miệng thông qua các buổi sinh hoạt tập thể tại các doanh nghiệp và ở địa phương. Nâng cao chất lượng phục vụ, nâng cao việc tổ chức thực hiện chế độ BHXH tự nguyện, tăng cường phục vụ đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
Cuối cùng, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, gọn nhẹ; đồng thời nâng cao trách nhiệm, ý thức phục vụ đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH tự nguyện, nhất là thực hiện tốt cơ chế một cửa trong tiếp nhận và giải quyết các chế độ BHXH cho người lao động...
Đánh giá về hệ thống văn bản phát luật y tế hiện hành, PGS.TS Nguyễn Hiền Phương - Đại học Luật Hà Nội cho biết, trải qua gần 30 năm thực hiện BHYT, hệ thống văn bản pháp luật y tế ngày càng hoàn thiện. Có thể thấy, chính sách pháp luật về BHYT được hiện rất tốt với 90% dân số nước ta có thẻ BHYT. Đây là con số ấn tượng mà hiện nhiều nước phát triển chưa thực hiện được.
Tuy nhiên, để hoàn thiện chính sách pháp luật thời gian tới sẽ hoàn thiện 4 mục tiêu: Hướng tới bao quát toàn dân; Tăng quyền lợi người tham gia, trong đó chú trọng vào công tác phòng bệnh (hiện BHYT mới thanh toán chữa bệnh); Đảm bảo quỹ BHYT và phát triển tính nhân văn của BHYT để đảm bảo tính toàn dân với việc thu hút nhiều người tham gia.