Thu nhập bạc triệu nhờ trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng

Tận dụng diện tích đất trống dưới tán rừng, mô hình trồng nấm linh chi đỏ mang lại giá trị cao, giúp nông dân có thêm thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha.

Sau nhiều năm thất bại, trầy trượt với giống “nấm lạ” mang tên linh chi đỏ, ông Nguyễn Công Hiệu, Giám đốc Công ty TNHH Minh Khánh Gia Lai (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, Gia Lai) đã dốc hết tâm huyết và vốn liếng đầu tư công nghệ tạo phôi nấm, quyết trồng cho bằng được loại dược liệu quý hiếm này.

Mãi đến năm 2022, ông bắt đầu thu “quả ngọt”, giá trị nhiều tỉ đồng từ sản phẩm nấm linh chi đỏ cả thô và qua sơ chế. Năm 2023, các dòng sản phẩm như: Nấm linh chi thô, trà nấm linh chi, cà phê nấm linh chi, mật ong ngâm nấm linh chi… của ông cũng được thị trường rất ưa chuộng.

Nấm linh chi đỏ phát triển tốt dưới tán rừng tràm. Ảnh: PH.

Nấm linh chi đỏ phát triển tốt dưới tán rừng tràm. Ảnh: PH.

Hiện tại, ông Hiệu đang xây dựng vùng nguyên liệu tại nhiều huyện như Đức Cơ, Chư Păh, Kbang (Gia Lai) và đang hướng đến xây dựng vườn trồng tại tỉnh Kon Tum, nơi có điều kiện thổ nhưỡng cực tốt cho các loại dược liệu.

Tùy theo thời giá thị trường, giá sản phẩm nấm linh chi đỏ khô luôn ở mức cao, có giá 3-4 triệu đồng/kg.

Ông Phan Văn Thiện, Chủ tịch UBND xã Ia Ka (huyện Chư Păh) cho biết: “Trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng trên địa bàn xã đã tạo việc làm, thu nhập cho bà con, nhất là người dân tộc thiểu số. Chúng tôi đã làm việc với doanh nghiệp, nhiều hộ dân cũng có ý định trồng loại nấm này để tăng thu nhập cho gia đình và cũng góp phần bảo vệ rừng”.

Trước đây, ông Hiệu trồng linh chi đỏ dưới tán cây bơ, sầu riêng và một số loại cây khác nhưng không thành công.

Mãi đến năm 2017, ông mang phôi trồng thử nghiệm dưới tán rừng keo có khí hậu mát và đạt hiệu quả ngoài mong đợi. Phôi nấm linh chi sinh trưởng tốt dưới tán rừng keo, đem lại giá trị kinh tế cao.

Về chi phí đầu tư, quan trọng nhất là nguồn phôi đảm bảo và hệ thống tưới nước, chăm sóc bài bản sẽ cho kết quả tốt. Thường, sau khi trồng từ 3-4 tháng sẽ có thu, một phôi có thể thu nhiều lần.

“Cứ 1.000 phôi nấm, sau ba tháng trồng cho thu hoạch khoảng 120 kg nấm, mỗi năm thu từ ba đến bốn đợt và giá tươi khoảng 600.000 đồng/kg. So với vốn đầu tư, trồng nấm linh chi đỏ cho lãi cao hơn 30%”, ông Hiệu nói.

Ông Hiệu thu hoạch nấm linh chi đỏ tại vườn.

Ông Hiệu thu hoạch nấm linh chi đỏ tại vườn.

Nói về hiệu quả, ông Hồ Văn Hiếu, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Núi Cờ (xã Ia Ka, huyện Chư Păh) chia sẻ: “Tính ra, lợi nhuận thu được từ trồng nấm linh chi cao gấp nhiều lần so với tiền bán cây keo. Nếu một ha keo lai chỉ thu được khoảng 50-70 triệu đồng sau bốn năm. Còn mỗi héc ta rừng keo có thể trồng 20.000 phôi nấm linh chi, một phôi cho thu hoạch nhiều lần”.

Nấm linh chi đỏ có nhiều công dụng cho sức khỏe.

Nấm linh chi đỏ có nhiều công dụng cho sức khỏe.

Về thị trường, ông Nguyễn Công Hiệu cho hay: “Công ty chúng tôi có thể đảm bảo cung ứng nguồn giống và bao tiêu sản phẩm cho người dân nên không lo về đầu ra. Với hiệu quả như hiện nay, cây nấm linh chi đỏ hứa hẹn là cây xóa nghèo cho bà con, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng gần rừng”.

Ông Hiệu cho rằng, với đặc tính của nấm linh chi thì mọi người dân đều có thể trồng, chi phí nhân công chăm và thu hoạch thấp sẽ góp phần giảm chi phí, tăng hiệu quả lên.

Riêng công ty, hàng năm tạo việc làm thường xuyên rất nhiều cho nhân công ở địa phương. Mỗi lần thu hoạch nấm thuê từ 15-20 người, tiền công 200-220 ngàn đồng/ngày, giúp bà con có việc làm, thêm thu nhập.

Công chăm sóc và thu hoạch của nấm linh chi rất thấp, phù hợp nhiều hộ dân.

Công chăm sóc và thu hoạch của nấm linh chi rất thấp, phù hợp nhiều hộ dân.

LÊ KIẾN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thu-nhap-bac-trieu-nho-trong-nam-linh-chi-do-duoi-tan-rung-post738578.html