Thu nhập cao từ làm việc ngoài tỉnh
Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là việc làm vô cùng cấp thiết của các cấp, các ngành, địa phương. Đặc biệt, đối với các huyện miền núi, vùng dân tộc thiểu số, trình độ dân trí chưa cao, việc giải quyết việc làm càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Nhiều năm trở lại đây, thực hiện công tác giải quyết việc làm, đưa lao động đi làm việc ngoài tỉnh, huyện Đồng Văn đã chủ động đưa đoàn công tác của huyện đi khảo sát, tiếp cận thị trường lao động ở các Khu công nghiệp tại các tỉnh như: Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh… tiến hành ký kết quy chế phối hợp giữa các bên đã tạo điều kiện thuận lợi cho lao động địa phương có việc làm ổn định, thu nhập cao, từng bước cải thiện cuộc sống.
Sùng Mí Dình, thanh niên dân tộc Mông, sống tại xã Lũng Thầu, sau khi học nghề tại Trường Cao đẳng Than – Khoáng sản Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh. Hiện em đang làm việc tại Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam và có thu nhập trung bình hàng tháng trên 30 triệu đồng. Dình chia sẻ: “Sau khi được sự tư vấn trực tiếp từ cán bộ tuyển sinh của Trường Cao đẳng Than – Khoáng sản Việt Nam, em đã đăng ký học tập tại trường. Quá trình 3 năm học tập và làm việc tại đây đã giúp em thay đổi rất nhiều về thói quen, suy nghĩ. Bà con vùng cao hiện nay còn chưa nhận thức được những lợi ích lâu dài từ việc học nghề. Bản thân em sau khi học tập, làm việc tại trường về đều vận động bạn bè, thanh niên trong thôn, xã. Bây giờ, có nhiều bạn đi làm về xây được nhà cho bố mẹ, một số bạn đưa cả vợ, con xuống các khu công nghiệp cùng làm việc, thu nhập cao hơn gấp hàng chục lần.” Được biết, nhờ những nỗ lực không ngừng của bản thân, Dình không chỉ có thu nhập cao, em còn là sinh viên duy nhất của huyện Đồng Văn học tập tại trường được kết nạp Đảng; Dình còn là 1 trong 9 công nhân tiêu biểu được dự cuộc thi thợ giỏi cấp tập đoàn năm 2020 và là gương điển hình tiên tiến được khen thưởng tại Đại hội Thi đua yêu nước của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam. Năm 2020, em được Công đoàn Công ty tặng 150 triệu đồng để hỗ trợ xây dựng nhà ở. Dình đã trở thành động lực, là tấm gương để nhiều thanh niên trên địa bàn nỗ lực học tập theo để thoát khỏi cái đói, cái nghèo, xây dựng quê hương.
Được biết, Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam là một trong số những đơn vị được huyện Đồng Văn ký kết quy chế phối hợp đào tạo và sử dụng lao động trên địa bàn huyện. Hiện, có gần 100 lao động của huyện đang học tập và làm việc tại trường, mức thu nhập trung bình đạt 19 triệu đồng/tháng, có những em đạt 35 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, khi làm việc tại đây, người lao động được hưởng đầy đủ các quyền lợi cơ bản như: BHXH, BHYT, các chính sách cơ bản của nhà nước và tập đoàn đã tạo tâm lý ổn định cho người lao động gắn bó lâu dài, làm việc hiệu quả. Bên cạnh đó, một số công ty, tập đoàn tại các tỉnh như: Bắc Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc cũng thu hút đông đảo lao động trên địa bàn huyện tới làm việc. Theo đại diện các đơn vị sử dụng lao động, huyện Đồng Văn là địa bàn có tiềm năng lớn về nguồn lao động. Mặc dù còn một số hạn chế về trình độ chuyên môn, tuy nhiên, khi được tiếp cận công việc, các lao động này đều chăm chỉ, ham học hỏi, vì vậy luôn được đánh giá cao.
Nỗ lực tìm kiếm, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động trên địa bàn, năm 2020, huyện Đồng Văn đã tổ chức đối thoại, tư vấn hơn 50 cuộc cho hơn 3 nghìn lao động; giải quyết việc làm cho 3.200 lao động, vượt 40,8% kế hoạch. Đặc biệt, mở nhiều lớp dạy nghề dưới sơ cấp cho lao động nông thôn để họ có cơ hội tiếp cận việc làm nhanh hơn. Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Chinh cho biết: Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, người lao động trên địa bàn huyện cơ bản hiểu và có nhận thức về việc đi làm việc tại các công ty, khu công nghiệp trong nước. Họ dần nhận ra những lợi ích thiết thực như: Chế độ lương, thưởng, Bảo hiểm xã hội; được học nghề một cách bài bản hơn; thói quen đi lao động Trung Quốc của một số bộ phận đã giảm đáng kể. Thời gian tới, đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, huyện chủ trương liên kết, phối hợp với các trường học, công ty trên cả nước đào tạo và sử dụng lao động, để người lao động địa phương có được lợi ích cao nhất; từ đó, từng bước nâng cao chất lượng lao động của địa phương.
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202101/thu-nhap-cao-tu-lam-viec-ngoai-tinh-770685/