Thu nhập chưa đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động

Năm 2023, trên 90% các doanh nghiệp có Công đoàn cơ sở tại Hà Nội đã triển khai thực hiện quy định về mức lương tối thiểu vùng của Chính phủ. Tuy nhiên, thu nhập bình quân của người lao động mới đạt mức 6,5 triệu đồng/người/tháng, vẫn chưa đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động.

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay, LĐLĐ Thành phố đang quản lý, chỉ đạo trực tiếp hoạt động 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở với tổng số 9.200 Công đoàn cơ sở và 700.000 đoàn viên.

Năm 2023, tình hình chính trị, kinh tế thế giới diễn biến nhanh, phức tạp; kinh tế có dấu hiệu phục hồi, nhiều quốc gia đã mở cửa, nới lỏng các chính sách tiền tệ. Song do ảnh hưởng xung đột Nga - Ukraine cùng với những hậu quả của đại dịch Covid-19, kinh tế phục hồi chậm hơn so với dự báo, lạm phát ở nhiều nước.

Những yếu tố này đã tác động đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến phải tạm ngừng, giải thể, thu hẹp sản xuất, từ đó ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của công nhân lao động. Quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động ở một số nơi còn bị vi phạm.

Lãnh đạo Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội khảo sát, nắm bắt việc thực hiện chính sách pháp luật tại doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

Lãnh đạo Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội khảo sát, nắm bắt việc thực hiện chính sách pháp luật tại doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

Theo LĐLĐ Thành phố, năm 2023, trên địa bàn Thành phố có hơn 87.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với số tiền nợ trên 5.500 tỷ đồng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của 940.859 người lao động. Trong đó, số nợ đọng của các đơn vị, doanh nghiệp đã đóng cửa, ngừng giao dịch là 1.654,8 tỷ đồng, chiếm 31% tổng số tiền nợ đọng. Đặc biệt, thời gian nợ đọng bảo hiểm xã hội của một số doanh nghiệp kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi, gây bức xúc đối với người lao động.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quy định mức lương tối thiểu vùng năm 2022 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2022, theo báo cáo của các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, đã có trên 90% các doanh nghiệp có Công đoàn cơ sở triển khai thực hiện quy định về mức lương tối thiểu vùng của Chính phủ. Tuy nhiên, thu nhập bình quân của người lao động mới đạt mức 6,5 triệu đồng/người/tháng, vẫn chưa đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động.

Cũng liên quan đến vấn đề tiền lương, tại cuộc tiếp xúc cử tri Hải Phòng mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay, Quốc hội đã “chốt” từ ngày 1/7/2024 cải cách chính sách tiền lương khu vực công. Ba đối tượng gồm khu vực doanh nghiệp Nhà nước, khu vực hưu trí, người có công và các đối tượng chính sách xã hội liên quan.

Riêng trong khu vực doanh nghiệp, để đồng bộ với cải cách tiền lương khu vực công sẽ có các giải pháp thực hiện thống nhất từ ngày 1/7/2024. Theo đó, Nhà nước không can thiệp vào thang bảng lương của doanh nghiệp, nhưng Nhà nước có trách nhiệm đưa “bàn tay” của mình để đảm bảo mức lương tối thiểu làm căn cứ giữa chủ sử dụng lao động và người lao động thương thảo, không thấp hơn mức lương tối thiểu này. Cùng với đó, Hội đồng lương Quốc gia cũng đã thống nhất đề xuất với Chính phủ sẽ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng tăng khoảng 6% trong năm 2024.

P.Diệp

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thu-nhap-chua-dap-ung-muc-song-toi-thieu-cua-nguoi-lao-dong-164989.html