Thu nhập của đội ngũ GV, nhân viên trường học: Chạnh lòng giáo viên hợp đồng

Tăng lương cơ sở là niềm vui với người lao động, trong đó có nhà giáo.

Tiết học của cô trò Trường Mầm non Tân Mai (quận Long Biên, Hà Nội). Ảnh: ITN

Tiết học của cô trò Trường Mầm non Tân Mai (quận Long Biên, Hà Nội). Ảnh: ITN

Tuy nhiên ở góc độ nào đó, tăng lương cơ sở làm gia tăng khoảng cách về thu nhập giữa giáo viên các cấp học cũng như giáo viên hợp đồng.

Bớt khó khăn

Gần 25 năm công tác trong nghề, cô Nguyễn Bích Thủy - giáo viên mầm non tại huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) không thể quên quãng thời gian mới ra trường, cầm trên tay tấm bằng trung cấp sư phạm đi nhận công tác với mức lương khởi điểm chỉ mấy trăm nghìn.

Cô Thủy kể: “Thời điểm đó, tôi dạy cách nhà gần 10km, đường sá đi lại khó khăn, con gái đầu lòng còn nhỏ. Lương thấp, nhiều lúc tôi nảy ý định tìm việc khác. Nhưng vì yêu nghề, mến trẻ, tôi lại gắn bó và cố gắng học liên thông lên cao đẳng, đại học để nâng cao chuyên môn và cải thiện thu nhập”.

Từ 1/7 tăng lương cơ sở, cô Thủy cùng nhiều đồng nghiệp có thêm một khoản thu nhập. “Sau gần 25 năm đi dạy, thu nhập được 14.398.000 đồng/tháng (tính mức tăng lương từ 1/7 đối với giáo viên trình độ đại học). Tăng lương là điều đáng mừng để thầy cô gắn bó, yêu nghề, đặc biệt là giáo viên mầm non rất vất vả”, cô Thủy nói và hy vọng thời gian tới, phụ cấp thâm niên vẫn được giữ nguyên, để giáo viên lâu năm bớt thiệt thòi bởi đã gắn bó và cống hiến từ khi mức lương khởi điểm rất thấp, điều kiện dạy học thiếu thốn đủ bề.

Cô Lý Thị Thu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Năng (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) cho hay, so với lương cũ, mức lương mới đã cải thiện nhiều. Trước đây, một giáo viên trẻ mới ra trường là bậc 1, trừ đi bảo hiểm còn 3.769.740 đồng. Bây giờ, với lương mới, thầy cô được hưởng 5.475.600 đồng, trừ bảo hiểm còn gần 5.000.000 đồng. Như vậy sẽ cải thiện được phần nào cuộc sống của nhiều đồng nghiệp. Thu hút những người trẻ chọn ngành Sư phạm để cống hiến.

Tuy nhiên, với giáo viên ra trường có bằng trung cấp, đã cống hiến nhiều năm trong nghề, từ nay đến khi nghỉ hưu theo chế độ sẽ không đủ thời gian để được hưởng bậc lương kịch khung. Vì vậy, cô Thu mong duy trì phụ cấp thâm niên cho giáo viên.

“Riêng với giáo viên mầm non và tiểu học, tôi mong có phụ cấp đặc thù công việc như Bộ GD&ĐT nhiều lần đề xuất. Hai cấp học này, giáo viên vất vả vô cùng. Mặt khác, những giáo viên đã đi bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu Luật Giáo dục 2019 nên xét thăng hạng kịp thời để tạo động lực cho họ phấn đấu”, cô Thu bày tỏ.

 Cô Lý Thị Thu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Năng (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn). Ảnh: NVCC

Cô Lý Thị Thu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Năng (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn). Ảnh: NVCC

Ngậm ngùi nhìn đồng nghiệp

Tăng lương cơ sở từ 1/7, nhiều thầy cô phấn khởi vì có thêm khoản thu nhập trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, với giáo viên đang dạy hợp đồng không tránh khỏi chạnh lòng.

Thầy Nguyễn Văn Đức – giáo viên hợp đồng môn Toán ở một trường THPT công lập ở Hà Nội chia sẻ: “Nghe tin tăng lương cơ sở, tôi vui lây vì đồng nghiệp được tăng thêm một khoản. Song phần nào đó, tôi và nhiều giáo viên dạy hợp đồng cũng ngậm ngùi bởi chúng tôi được trả lương theo số tiết dạy nên dù có tăng lương cơ sở thì thu nhập không có gì thay đổi”.

Mỗi tiết dạy thầy Đức được trả 60.000 đồng. Mỗi tháng nếu trường phân công dạy nhiều, thu nhập của thầy gần 4 triệu đồng. Để có thêm khoản trang trải cuộc sống, thầy Đức được tạo điều kiện giảng dạy các lớp liên kết quốc tế với mức chi trả mỗi giờ dạy cao hơn.

Xác định gắn bó với nghề, thầy Đức luôn nỗ lực rèn luyện để trau dồi chuyên môn, chờ đến đợt tuyển dụng viên chức để nộp hồ sơ. Hiện, ngoài thời gian dạy ở trường, thầy Đức tranh thủ làm thêm để tăng thu nhập, trang trải cuộc sống; từ đó tạo điểm tựa để thầy yên tâm gắn bó dài lâu với phấn trắng bảng đen.

Chia sẻ về thu nhập của giáo viên diện hợp đồng, cô Nguyễn Bích Ngọc - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Mai (quận Long Biên, Hà Nội) cho hay: Giáo viên hợp đồng được chi trả theo mức lương tối thiểu vùng.

Với hầu hết trường công lập, phải cân đối từ nguồn chi thường xuyên để trả lương cho đội ngũ này do vậy gặp không ít khó khăn. Mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ, giáo viên diện hợp đồng lao động được tăng thêm 280.000 đồng/tháng. So với giáo viên biên chế được hưởng phụ cấp thâm niên, ưu đãi, thu hút (nếu có), đội ngũ này vẫn chịu nhiều thiệt thòi.

Theo cô Bích Ngọc, giáo viên hợp đồng đa phần là người trẻ, được phân công làm các công việc, thực hiện chuyên môn (chăm sóc, giáo dục trẻ) như giáo viên chính thức. Thậm chí, họ có nhiều sáng kiến, ý tưởng giảng dạy và sẵn sàng cập nhật kiến thức mới để làm phong phú giờ giảng, tích cực trong các phong trào hoạt động nhà trường.

Nhưng khi so sánh với lương của nhóm giáo viên biên chế, ít nhiều khiến họ không tránh khỏi suy nghĩ, tủi thân. Thu nhập không tương xứng công sức, khi gặp khó khăn họ có thể quyết định rẽ hướng khác, chọn nghề mới để đảm bảo cuộc sống. Điều đó thực sự đáng tiếc cho ngành Giáo dục khi hao hụt một số lượng lớn giáo viên.

“Cần có cơ chế để các trường chi trả lương cho giáo viên hợp đồng tương xứng với công việc đang làm. Đồng thời, hầu hết cơ sở giáo dục đang thiếu giáo viên, ngành GD địa phương cần tăng cường tuyển dụng để giáo viên có cơ hội vào nghề, hưởng mức lương và các chế độ đãi ngộ tương xứng; giúp các thầy cô gắn bó và yêu nghề hơn”, cô Nguyễn Bích Ngọc - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Mai (quận Long Biên, Hà Nội) đề xuất.

Ngô Chuyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thu-nhap-cua-doi-ngu-gv-nhan-vien-truong-hoc-chanh-long-giao-vien-hop-dong-post697251.html