Thu nhập của ngư dân giảm do tổn thất sau thu hoạch cá ngừ
Do bảo quản sản phẩm theo lối truyền thống nên tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch cao, do đó, thu nhập của ngư dân các tỉnh Nam Trung bộ cũng bị giảm đáng kể.
Sau hơn một tháng bám biển, tàu cá của ông Nguyễn Văn Nhớ, ở phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên chỉ câu được 19 con cá ngừ đại dương. Trong số đó, ông chỉ bán được 2 con chất lượng loại A, số còn lại là cá loại B, thậm chí là loại C. Ông Nguyễn Văn Nhớ buồn bã, cá loại A không nhiều, đồng nghĩa thu nhập từ chuyến biển không cao.
"Ghe cũng đóng hầm theo truyền thống, hồi trước đóng hầm xốp chứ không đóng hầm Silicon. Cứ ghe vô bờ, họ kiểm tra rồi thu mua. Xấu thì mua xấu, tốt thì mua tốt chứ mình đâu đòi hỏi được”, ông Nguyễn Văn Nhớ nói.
Những năm gần đây, một số chủ tàu cá ở tỉnh Phú Yên chuyển sang khai thác cá ngừ bằng đèn, đặc biệt là đèn cao áp. Thời gian đầu áp dụng câu cá ngừ bằng đèn cao áp, sản lượng đánh bắt tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với câu giàn truyền thống. Tuy nhiên, đánh bắt bằng phương pháp này chất lượng cá lại sụt giảm bởi ánh sáng mạnh làm ảnh hưởng đến cá. Thời điểm này, một nửa số cá ngừ đại dương đánh bắt không xuất khẩu được. Chất lượng cá khai thác giảm chính là yếu tố để các chủ vựa thu mua lợi dụng ép giá ngư dân.
"Nói chung thịt cá hiện nay chất lượng xấu hơn ngày trước. Đút cây vào kiểm tra thịt cá không dẻo và ánh của cá không có. Cá đèn đây xếp loại B, C chứ tốt không có”, ngư dân Đặng Nhu ở Phường Phú Đông, TP. Tuy Hòa cho biết.
Chất lượng cá giảm cũng có nghĩa là ngư dân đang phải đứng trước sự lựa chọn giữa chất lượng và số lượng khai thác. Lâu nay, dù chất lượng cá không cao nhưng bù lại sản lượng khai thác đạt khá nên ngư dân có nguồn thu nhập bù đắp. Khi Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực, siết chặt hoạt động khai thác xa bờ, ngư dân phải tuân thủ luật pháp trong nước và quốc tế khi đánh bắt khiến sản lượng đánh bắt sụt giảm nhanh chóng. So với cách đây một năm, cá ngừ khai thác được đã sụt giảm khoảng từ 20%-30%. Lượng cá ngừ khai thác được không nhiều, ngư dân càng phải bám biển với thời gian lâu hơn. Khi bám biển lâu hơn thì chất lượng cá bắt được lại bị sụt giảm.
Bà Phan Thị Mộng Tình - chủ vựa cá Thấm Nhọn, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên cho rằng, chất lượng đánh bắt của ngư dân hiện không ổn định. "Cứ tàu câu 20 con thì có 2 con tốt nhất, còn lại cá bình bình. Có lúc gặp con nước đẹp, cá loại 1 nhiều, có lúc nước không tốt thì cá xấu. Cá xấu chủ tàu lỗ, mình thu mua cũng lỗ. Nhiều khi ghe đi lâu ngày, gặp trước cá xấu, cá sau sẽ đẹp”, bà Tình nói.
Một nguyên nhân khác khiến chất lượng cá sụt giảm đó là quy trình bảo quản cá ngừ sau khai thác vẫn theo lối truyền thống. Hầu hết hầm bảo quản cá ngừ khi khai thác có kích thước nhỏ, đóng theo kiểu truyền thống bằng gỗ, có lót xốp và cá được ướp lạnh bằng đá xay nhỏ, nhiệt độ bảo quản chỉ từ 0 – 5 độ C. Hình thức bảo quản này chỉ giữ cá được thời gian không quá 10 ngày, trong khi các chuyến biển thường kéo dài tới cả tháng.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn cho thấy, tổn thất sau khai thác thủy hải sản ở nước ta hằng năm là 20% - 30% so với tổng sản lượng khai thác vào khoảng 400.000 tấn, tương đương gần 8.000 tỷ đồng/năm.
Ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên cho biết, cần tuyên truyền đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trong đánh bắt, bảo quản sản phẩm khai thác, góp phần giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch.
"Khuyến khích ngư dân đầu tư dùng sản phẩm PU để đưa vào hầm bảo quản sản phẩm cá ngừ. Để hỗ trợ ngư dân, khuyến khích đầu tư tốt cần tăng cường đào tạo ngư dân, phổ biến tuyên truyền bảo quản tốt cá ngừ, chất lượng sản phẩm; đào tạo cụ thể cho chức danh từng người trên tàu cùng với đó là các chính sách về bảo hiểm, tín dụng và các chính sách đầu tư khác”, ông Đào Quang Minh nói./.