Thu nhập của người lao động đường sắt vẫn... 'mơ về nơi xa lắm'
Đường sắt đang đứng trước sự 'khủng hoảng' lao động. Chỗ thừa, sắp xếp đủ kiểu vẫn không đủ việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao động.
Những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8/2019, “lang thang” trong các group đường sắt trên mạng xã hội Facebook, chúng tôi vẫn thấy tràn ngập những hình ảnh vất vả về người công nhân đường sắt. Trong đó, nhiều nhất vẫn là hình ảnh người công nhân duy tu đội nắng, đội mưa cuốc chèn đường ray, bê vác tà vẹt, tranh thủ thi công giữa giãn cách hai chuyến tàu. Cùng đó là hình ảnh người thợ khẩn trương cứu chữa đường sắt trong đêm tối giữa rừng núi, ánh sáng chỉ là trăng và đèn pin loang loáng để nhanh thông đường.
Đó còn là hình ảnh người tuần đường - “kẻ độc hành” trên đường ray, là người tuần cầu, người gác đường ngang làm tín hiệu đón những chuyến tàu qua an toàn bất kể mưa nắng, ngày đêm. Hình ảnh người thợ khám xe lui cui dưới gầm toa xe khi đoàn tàu dừng đón, tiễn khách tại ga; với chiếc búa trong tay, họ gõ gõ vào các bộ phận để “bắt bệnh”, xem liệu có an toàn để đoàn tàu tiếp tục hành trình. Hay nhân viên trên tàu chợ tuyến Yên Viên - Hạ Long lách qua những bu gà, bao tải, túi ni lông hàng hóa toàn nông sản của bà con đi chợ để bán vé người, cước hành lý...
Ấn tượng hơn là hình ảnh những người thợ một tay cầm cuốc, cầm xẻng, một tay cầm chiếc bánh mì không, nuốt vội cho đỡ đói lòng rồi làm tiếp; hay tranh thủ dùng suất cơm hộp dưới tán lá chuối để tránh cái nắng hè gay gắt, khi tàu công trình đến lại vội vàng ra xẻ đá, dỡ tà vẹt cho kịp thời gian…
Vất vả, mệt nhọc là thế nhưng đồng lương của họ nhận lại dường như quá thấp và không tương xứng với sức lao động bỏ ra. Một công nhân duy tu tâm sự: “Đã xác định làm công nhân, chúng tôi không sợ cực, không sợ khổ. Chúng tôi chỉ sợ đồng lương không xứng đáng với công sức mà chúng tôi bỏ ra và thu nhập không đủ trang trải cuộc sống”.
Và cái sợ ấy đã khiến cho nhiều người phải nghỉ việc, nhất là nhân viên hệ tuần gác như: Gác chắn, tuần đường, nhân viên hệ chạy tàu tại các ga và thợ cơ khí, thợ điện. Người nghỉ việc, rời khỏi ngành đã đành, người ở lại càng thêm vất vả vì phải tăng ca kíp, nhưng lương cũng không tăng lên là bao. Trong khi đó, ở hệ vận tải, lại thừa hàng trăm người vì tàu vắng khách, phải cắt bớt tàu, bớt toa xe, nhân viên đi tàu phải nghỉ luân phiên hoặc tạm hoãn hợp đồng.
Đường sắt đang đứng trước sự “khủng hoảng” lao động. Chỗ thừa, sắp xếp đủ kiểu vẫn không đủ việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao động. Chỗ thiếu, tuyển mãi, thậm chí không phải thi tuyển, kết thúc học được bố trí việc làm luôn mà vẫn không đủ chỉ tiêu, thậm chí có nơi không tuyển được vì lý do: Thu nhập thấp.
Mục tiêu “nâng cao thu nhập cho người lao động” đều được các đơn vị đưa vào nhiệm vụ hàng năm nhưng dường như ngày càng xa vời khi mà Nhà nước đầu tư cho hạ tầng nhỏ giọt, vận tải thì không cạnh tranh nổi với các phương thức khác. Nếu không có được sự quan tâm và giải pháp thực sự hiệu quả, có lẽ bài toán nâng thu nhập vẫn chỉ “mơ về nơi xa lắm”.