Thu nhập khá từ nuôi vịt chạy đồng
Người nuôi vịt bơm nước vào ruộng để chăn vịt trên cánh đồng ở xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG
Khoảng 1 tháng qua, từ khi bắt đầu vào mùa chạy đồng cũng là thời điểm giá trứng và vịt thịt tăng nên các hộ nuôi vịt chạy đồng có thu nhập khá. Để hạn chế rủi ro, ổn định sản xuất, người dân và các ngành chức năng thực hiện nhiều biện pháp phòng dịch cho đàn gia cầm.
Tổng đàn gia cầm toàn tỉnh hiện có hơn 4,5 triệu con với khoảng 70% là vịt, nuôi tập trung ở các huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Tuy An và Phú Hòa. Đặc biệt, vào các mùa chạy đồng, đàn vịt sẽ tăng mạnh để tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trên đồng.
Lợi nhuận khá
Ông Nguyễn Văn Đặng ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa), cho biết: Mùa chạy đồng năm nay tôi thuê được gần 150ha ruộng tại địa phương, vì vậy mạnh dạn tăng đàn lên 3.500 con. Để đón đúng vụ đồng, ngay khi ruộng vừa gieo sạ xong tôi liền thả giống, đến khi lúa thu hoạch cũng là lúc đàn vịt bắt đầu vào kỳ cho trứng, là giai đoạn vịt ăn “dữ” nhất. Nhờ cho vịt chạy đồng, tận dụng nguồn lúa chét (lúa tái sinh từ gốc rạ), cua, cá trong các chân ruộng nên không tốn chi phí thức ăn. Cũng theo ông Đặng, nếu đàn vịt này không ăn đồng thì mỗi ngày ông phải tốn 9 bao thức ăn với chi phí khoảng 2,8 triệu đồng, giờ tiết kiệm được khoản này. Trong khi đó, hiện giá trứng được mua từ 2.100-2.200 đồng/trứng là mức giá cao nhất trong nhiều năm gần đây nên lợi nhuận mang lại khá cao.
Tương tự, dọc các cánh đồng rộng lớn ở huyện Tây Hòa, nhiều đàn vịt cũng đang được đưa về đây ăn. Ông Năm Sang, một hộ đang dựng chòi chăn vịt trên khu đồng thuộc xã Hòa Đồng, cho hay: Mỗi đêm đàn vịt 2.000 con của tôi đẻ được 1.400-1.500 trứng. Tất cả số trứng thu được đều có thương lái thu mua tại chòi. Bình quân mỗi đêm tôi thu khoảng 3,2 triệu đồng, trừ các khoản chi phí thì còn lãi hơn 1 triệu đồng. So với các mùa trước thì đây là vụ trứng cho lãi khá nhất. Tuy nhiên, vụ này tỉ lệ vịt cho trứng lại giảm, chỉ còn 70-75%, nguyên nhân là vì trời nắng, đồng khô nước. Tôi và nhiều hộ khác phải bơm nước giếng vào đồng để chăn nhưng vẫn không đủ nên ảnh hưởng tỉ lệ sinh sản của vịt.
Vụ này, không chỉ người nuôi vịt đẻ có lợi nhuận khá mà những hộ nuôi vịt thịt cũng có nguồn thu tương đối cao nhờ giá vịt thịt tăng. Hiện mỗi con vịt có trọng lượng khoảng 2kg được bán với giá 85.000 đồng/con, trừ chi phí người nuôi còn lãi được 35.000 đồng/con. “Sau 80 ngày nuôi, gia đình tôi vừa bán hết đàn vịt thịt 600 con, cho lợi nhuận gần 20 triệu đồng”, bà Lê Thị Lài, một hộ nuôi vịt tại xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) cho hay.
Đề phòng dịch bệnh
Xác định những mối nguy do việc chăn nuôi vịt chạy đồng mang lại, ngay từ khi bà con bắt đầu tăng đàn đón đồng, ngành Thú y đã triển khai các biện pháp giám sát dịch bệnh. Theo ông Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Hòa, Phú Hòa là địa phương thuộc vùng có nguy cơ cao phát sinh dịch cúm gia cầm nên huyện được tỉnh cấp 420.000 liều vaccine cúm gia cầm để tiêm phòng. Đến nay, địa phương đã tiêm được 336.000 liều từ nguồn vaccine hỗ trợ và 3.000 liều do dân tự mua. Ngoài ra, hiện phương án ưu tiên cho người nuôi vịt của địa phương thuê đồng nhà cũng là biện pháp hữu hiệu giúp ngăn chặn việc di chuyển đàn vịt giữa các vùng, góp phần phòng ngừa dịch bệnh lây nhiễm.
Còn Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tây Hòa Trần Khắc Dũng cho biết: Tổng đàn vịt của địa phương hiện có 195.200 con, trong đó chủ yếu là đàn vịt đẻ. Để khống chế dịch bệnh phát sinh khi vịt vào mùa chạy đồng, từ đầu tháng 3 khi bà con tăng đàn thì trạm cũng siết chặt việc nhập đàn. Toàn bộ đàn khi nhập về phải có giấy kiểm dịch và nuôi nhốt cách ly. Trạm còn vận động người dân tiêm phòng vaccine để tăng sức đề kháng cho vịt.
“Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã cấp 1 triệu liều vắc xin cúm gia cầm cho huyện Phú Hòa và Đông Hòa, là hai địa phương có nguy cơ cao phát sinh dịch cúm gia cầm để tiêm phòng cho toàn bộ đàn. Đồng thời, đơn vị cũng phân bổ 10.000 lít thuốc sát trùng cho tất cả các huyện, thị xã, thành phố để phun tiêu độc sát trùng môi trường chăn nuôi. Ngoài ra, ngành còn triển khai các biện pháp giám sát, theo dõi việc mua bán, xuất nhập đàn gia cầm trong mùa chạy đồng, đảm bảo không để tình trạng lây nhiễm bệnh từ ngoài vào”, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nguyễn Văn Lâm nói.
Do địa phương không được hỗ trợ vaccine nên tôi phải chi khoảng 4 triệu đồng để tiêm phòng vaccine cúm gia cầm và dịch tả cho đàn vịt 2.000 con. Tuy tốn kém nhưng đổi lại đàn vịt được bảo vệ giúp hạn chế rủi ro.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/239875/thu-nhap-kha-tu-nuoi-vit-chay-dong.html