Thu nhập ổn định từ đa canh

Những năm gần đây, diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn huyện Đồng Phú không ngừng tăng và trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực của nhiều hộ dân trên địa bàn. Trước tác động của đại dịch Covid-19, giá một số loại nông sản giảm mạnh, tuy nhiên, vườn cây ăn trái của hộ anh Trần Văn Sáu ở ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi vẫn khẳng định hiệu quả kinh tế cao.

Năm 1994, anh Trần Văn Sáu từ Cần Thơ đến ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi lập nghiệp. Anh Sáu cho biết: “Đất ở đây rộng rãi, màu mỡ rất phù hợp trồng cây ăn trái. Với kinh nghiệm nhiều năm trồng cây ăn trái ở Cần Thơ nên tôi muốn xây dựng trang trại cây ăn trái tại ấp Thạch Màng”. Nói là làm, anh đầu tư mua 6 ha đất trồng điều. Qua khảo sát, quýt đường là loại quả thơm ngon, vị ngọt thanh, bổ dưỡng được người tiêu dùng ưa chuộng nên giá trị kinh tế cao. Kỹ thuật trồng quýt đường cũng không quá phức tạp, dễ trồng, không kén đất, bảo đảm tưới đủ nước vào mùa khô, không bị ngập úng vào mùa mưa là cây phát triển tốt.

Anh Trần Văn Sáu giới thiệu mô hình trồng mít Thái siêu sớm cho hiệu quả kinh tế cao

Anh Trần Văn Sáu giới thiệu mô hình trồng mít Thái siêu sớm cho hiệu quả kinh tế cao

Với địa hình sườn đồi có độ dốc khoảng 20-25 độ, đất đen và pha sỏi phù hợp phát triển cây ăn trái, anh Sáu quyết định cắt tỉa những cây điều già, năng suất thấp trồng thử nghiệm xen 1 ha quýt đường. Qua học hỏi kinh nghiệm và tham gia các lớp khuyến nông, anh nhận thấy cây quýt đường rất cần cung cấp đầy đủ và hợp lý chất dinh dưỡng, nhất là thời kỳ cây ra đọt non, ra hoa kết trái. Đồng thời thường xuyên bám vườn để theo dõi sự phát triển cũng như tình hình sâu bệnh để kịp thời xử lý thì quýt đường sẽ phát triển tốt, cho trái căng, mọng nước, năng suất cao. Sau 2 năm quýt đường cho thu hoạch, mỗi vụ anh thu khoảng 20 tấn trái, với giá bán từ 5.000-6.000 đồng/kg, thu lãi gần 100 triệu đồng. Mô hình trồng quýt đường của anh Sáu được nhiều nông dân biết đến và là nơi tham quan học tập kinh nghiệm cho nông dân trong vùng, anh còn thực hiện chiết, ghép quýt để bán cây giống cho nông dân. Với kinh nghiệm cùng kỹ thuật trồng quýt đường, anh được người dân trong vùng gọi là anh “Sáu quýt”.

Thấy giá trị kinh tế cao, nhiều nông dân trong vùng ồ ạt trồng quýt nên giá thị trường giảm mạnh. Năm 2006, anh quyết định chặt quýt đường chuyển sang trồng nhiều loại cây ăn trái khác để tránh rủi ro, bởi cây này mất giá thì có cây khác bù lại. Anh đầu tư trồng 250 cây sầu riêng, 400 cây mít siêu sớm, 300 cây bưởi da xanh xen trong vườn điều. Khi cây ăn trái phát triển, anh cắt tỉa dần những cây điều già cho năng suất thấp, tạo mật độ vừa phải để cả điều và cây ăn trái phát triển tốt. Anh còn đầu tư 150 triệu đồng xây dựng hệ thống tưới nước nhỏ giọt, vừa tiết kiệm nước vừa không mất công làm bồn bởi khi tưới nước và bón phân sẽ ngấm dần vào đất, không lãng phí. Anh Sáu cho biết: “Lợi ích kép khi trồng cây ăn trái xen trong vườn điều là cây điều tạo bóng mát cho cây ăn trái, lúc chăm sóc cây ăn trái cây điều cũng được hưởng lợi từ tưới nước, bón phân nên năng suất cũng tăng lên, tạo nguồn thu đáng kể khi cây ăn trái chưa cho thu hoạch”.

Để nâng cao giá trị kinh tế, anh Sáu còn áp dụng kỹ thuật để cây sầu riêng và mít Thái ra trái nghịch mùa, giá bán cao hơn. Theo anh Sáu, để cây ra hoa trái vụ phải phụ thuộc nhiều yếu tố, khi thời tiết thuận lợi anh kết hợp kỹ thuật tỉa cành, tạo khô hạn, kích thích ra đọt, ra hoa… Vì vậy, mô hình trồng cây ăn trái của anh Sáu bán ra thị trường giá luôn cao hơn 15-20% so với chính vụ. Hiện nay, mô hình của anh Sáu có gần 50 cây sầu riêng, 220 cây mít Thái siêu sớm đang cho thu hoạch… Năm 2020, giá sầu riêng Thái bán tại vườn từ 55.000-60.000 đồng/kg, sầu riêng ri6 từ 50.000-70.000 đồng/kg, mít thái giá 15.000-18.000 đồng/kg, ngoài ra anh còn duy trì 75 cây điều… Tổng thu lời gần 250 triệu đồng/năm. Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch, tuy nhiên thu nhập từ vườn cây ăn trái vẫn ổn định.

Ông Nguyễn Thạnh Quới, Trưởng ấp Thạch Màng cho biết: Ðể nâng cao hiệu quả kinh tế, ngoài đẩy mạnh sản xuất theo hướng chất lượng và an toàn, anh Sáu còn quan tâm áp dụng các giải pháp kỹ thuật để xử lý cho cây ra trái nghịch mùa nhằm bán được giá cao hơn. Đây là mô hình kinh tế hiệu quả, chúng tôi đang khuyến khích bà con nông dân học tập, từ đó nhân rộng trên địa bàn.

Khắc Bảy

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/127919/thu-nhap-on-dinh-tu-da-canh