Thu nhập ổn định từ nghề thủ công mỹ nghệ

Nhiều năm qua, Tổ hợp tác thủ công mỹ nghệ đan lục bình xuất khẩu xã Hòa Ninh (Di Linh) hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm trong thời gian nhàn rỗi, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân trong vùng.

Nghề đan lục bình giúp chị Vũ Thị Tươi có thêm thu nhập lúc nhàn rỗi

Nghề đan lục bình giúp chị Vũ Thị Tươi có thêm thu nhập lúc nhàn rỗi

Tổ hợp tác thủ công mỹ nghệ đan lục bình xã Hòa Ninh được thành lập vào năm 2010. Những năm đầu mới thành lập, tổ hợp tác chỉ có 30 thành viên, đa phần là các chị em phụ nữ trên địa bàn xã Hòa Ninh. Tuy nhiên, sau nhiều năm hoạt động, mô hình tổ hợp tác sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ đan lục bình đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt, góp phần tăng thu nhập đáng kể cho các hộ dân, nên những năm qua số thành viên trong tổ hợp tác đã tăng và thu hút trên 100 lao động ở các xã Hòa Bắc, Hòa Nam (Di Linh) và Lộc An, Lộc Đức (Bảo Lâm) tham gia.

Bà Phạm Thị Nụ - Tổ trưởng tổ hợp tác cho biết: “Hàng tuần, Công ty mây tre đan thủ công mỹ nghệ Đồng Nai thường xuyên cung cấp nguyên liệu khung sắt, lục bình, tre nan… và mẫu mã các sản phẩm cho các thành viên trong tổ thực hiện. Các sản phẩm gồm: Giỏ, khay, thùng, rương, khung hình chữ nhật… được làm ra từ lục bình đều khá đơn giản, không cầu kỳ trong cách đan, nhưng đòi hỏi người đan phải chịu khó, cần sự khéo léo, tỉ mỉ, kiên trì và có niềm đam mê với nghề”.

Sau khi nhận nguyên liệu, chị Vũ Thị Tươi ở Thôn 5, xã Hòa Ninh đã tranh thủ thời gian lúc nhàn rỗi để đan sản phẩm. Chị Tươi bộc bạch, chị tham gia tổ hợp tác từ khi mới thành lập. Nghề đan hàng thủ công mỹ nghệ lục bình không quá phức tạp, phù hợp với mọi lứa tuổi nhưng đòi hỏi phải có tính cần cù, tỉ mẩn và nhanh nhẹn. “Tôi ở nhà làm nội trợ và trông cháu, lúc nhàn rỗi tôi tập trung đan lát. Mỗi tháng tôi có thể đan từ 50 - 100 sản phẩm và có thêm thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng”, chị Vũ Thị Tươi phấn khởi.

Còn ông Vũ Ngọc Sơn (72 tuổi) ở Thôn 10, xã Hòa Bắc tham gia vào tổ hợp tác được khoảng 5 tháng nay. Ông Sơn chia sẻ: “Nghề đan lục bình cũng khá đơn giản, không đòi hỏi nhiều sức khỏe, thu nhập không cao nhưng có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi để đan lát và có thêm nguồn thu trang trải cuộc sống gia đình... Vì vậy, tôi đăng ký tham gia. Dù tuổi cao, tôi thấy việc đan lát này vẫn rất nhẹ nhàng, không phải đầu tư vốn, chỉ cần bỏ thời gian gia công tại nhà và chịu khó là sẽ làm được. Mỗi tháng vợ chồng tôi có thêm thu nhập khoảng 3 triệu đồng từ nghề đan lục bình”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, thời gian qua, nhất là trong kỳ nghỉ hè, học sinh, sinh viên cũng tham gia đan hàng thủ công mỹ nghệ lục bình. Có hộ từ 2 - 4 người tham gia, thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng. Có thể nói rằng Tổ hợp tác thủ công mỹ nghệ đan lục bình xã Hòa Ninh đã mang lại hiệu quả, nhiều lợi ích thiết thực nhất là tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương trong lúc nông nhàn, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhiều gia đình và thực hiện tiêu chí về xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Ông Vũ Đức Phận - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh, cho biết: “Tổ hợp tác thủ công mỹ nghệ đã mang lại hiệu quả trong việc tạo công ăn, việc làm lúc nhàn rỗi cho trên 100 hộ dân ở các xã trong vùng. Nhiều gia đình có 5 thành viên tham gia nghề thủ công mỹ nghệ đan lục bình đã giúp nâng cao thu nhập. Trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ vận động tổ hợp tác nâng lên thành hợp tác xã thủ công mỹ nghệ”.

LAM PHƯƠNG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202111/thu-nhap-on-dinh-tu-nghe-thu-cong-my-nghe-3088420/