Thu nhập tiền tỷ từ chăn nuôi

Anh Hoàng Văn Chung (trong ảnh), dân tộc Cao Lan, thôn Phú Nhiêu, xã Phú Lương (Sơn Dương) là người dân tộc thiểu số điển hình trong phát triển kinh tế. Mỗi năm gia đình anh thu tiền tỷ từ chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa và trồng rừng.

Năm 2008, anh đi tham quan, học tập kỹ thuật chăn nuôi và mua lợn đực giống dòng CP Thái Lan, PIC (Bắc Mỹ) ở các trang trại lợn các tỉnh Hưng Yên, Hà Nội. Anh Chung dồn hết vốn liếng của gia đình, vay mượn ngân hàng và của anh em bạn bè gần 1 tỷ đồng xây dựng hệ thống chuồng trại và con giống. Diện tích chuồng nuôi được xây dựng trên 1.000 m2 gồm 3 nhà chuồng, chia từng khu vực riêng cho lợn nái, lợn đẻ, lợn thịt. Vừa chăn nuôi, anh Chung vừa tích cực đi tham quan học tập, tham gia các cuộc hội thảo về chăn nuôi, thuốc thú y, tìm hiểu thị trường chăn nuôi qua các phương tiện thông tin đại chúng để áp dụng trong chăn nuôi của gia đình.

Anh Chung bảo, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi, nên đàn lợn của gia đình luôn được bảo vệ an toàn, không xảy ra dịch bệnh. Những năm trước, gia đình thường xuyên duy trì nuôi 5 con lợn đực giống và 90 con lợn nái sinh sản. Toàn bộ số lợn con đều được để lại nuôi lợn thương phẩm. Trung bình mỗi năm anh xuất bán 1.800 con lợn thịt. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu gần 1 tỷ đồng. Trang trại chăn nuôi của gia đình anh tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 7 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.

Sau nhiều năm chăn nuôi lợn, anh Chung cho rằng, chủ động được con giống tại chỗ đã kiểm soát được dịch bệnh, đàn lợn tăng trưởng nhanh, chất lượng đảm bảo, luôn bán được giá cao. Để kiểm soát dịch bệnh một cách triệt để, bảo vệ đàn lợn, anh đã giải phóng mặt bằng để chuẩn bị mở rộng quy mô chuồng trại trong năm tới. Mặt khác, anh nâng cấp hệ thống chuồng nuôi cũ theo hướng công nghiệp để phát triển kinh tế gia đình bền vững. Ngoài chăn nuôi lợn gia đình anh Chung còn đầu tư trồng thêm 8 ha rừng sản xuất giống bạch đàn mô U6, tạo việc làm cho 3 công nhân có việc làm thường xuyên với thu nhập 40 triệu đồng/người/năm.

Cùng với phát triển kinh tế cho gia đình, anh Chung trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, cung cấp cám, con giống ổn định cho 20 hộ trong thôn đến khi xuất chuồng mới thanh toán. Từ nguồn thu nhập ổn định anh Chung đã tham gia đóng góp, ủng hộ xây dựng nhà văn hóa, làm đường bê tông và chương trình xây dựng nông thôn mới của xã.

Với nỗ lực về mọi mặt, anh Chung là điển hình trong phát triển kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu điển hình dự và tham luận tại Đại hội dân tộc thiểu số lần thứ III, năm 2019.

Bài, ảnh: Trang Tâm

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chuyen-de/nguoi-tot-viec-tot/thu-nhap-tien-ty-tu-chan-nuoi-121745.html