Thu nhập từ chứng khoán của ngân hàng tăng 226%

Thu nhập từ chứng khoán quý I/2020 tăng 226% so với cùng kỳ 2019, nâng tỷ trọng từ 13,7% lên gần 34% trong cơ cấu thu nhập của ngân hàng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

FiinPro vừa có báo cáo "Tác động của Covid-19: Đánh giá từ góc nhìn phân tích dữ liệu tài chính doanh nghiệp". Đơn vị này cho biết trong quý I năm nay, thu nhập từ chứng khoán của các ngân hàng tăng dù lợi suất trái phiếu chính phủ vẫn được duy trì ở mức thấp.

So với cuối năm 2019, giá trị danh mục chứng khoán (đã trừ dự phòng) của 18 ngân hàng trên sàn tăng 8,5%. Điều này diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp và thanh khoản tiền đồng không căng thẳng (thể hiện qua lãi suất liên ngân hàng như biểu đồ 31) mặc dù tiền gửi của khách hàng suy giảm nhẹ.

Quý I/2020, giá trị danh mục trái phiếu chính phủ mà ngân hàng nắm giữ tăng 6,4% trong khi giá trị danh mục trái phiếu của các tổ chức tín dụng (TCTD) khác giảm 8,9%. Giá trị danh mục trái phiếu của các tổ chức kinh tế (TCKT) tăng 31%. Điều này giải thích cho thu nhập từ chứng khoán tăng của các ngân hàng do các trái phiếu này có lãi suất cao.

VietinBank, ngân hàng chuyển từ lỗ 518 tỷ đồng từ chứng khoán trong quý IV/2019 sang lãi 428 tỷ đồng trong quý I/2020, có giá trị tổng danh mục trái phiếu giảm 4,2% nhưng danh mục trái phiếu của các TCKT tăng 48,1%.

Báo cáo cũng đề cập thu nhập lãi thuần của 18 ngân hàng tăng 13,6% so với cùng kỳ nhưng chỉ tăng 0,4% so với quý liền trước.

Một số ngân hàng vẫn có mức tăng trưởng thu nhập lãi thuần cao so với quý IV/2019 như Kienlongbank (60,9%), Sacombank (37,5%), TPBank (13%) hay tương đối cao như Techcombank (7,3%), VIB (6,9%), Eximbank (6,9%).

Ngược lại, một số ngân hàng có thu nhập lãi thuần giảm mạnh như NCB (giảm 92,3%), SHB (giảm 47,4%), BacABank (giảm 21,8%), VietBank (giảm 11,3%).

Nếu so với quý I/2019, trừ VietBank có thu nhập lãi thuần giảm 3,8%, các ngân hàng khác đều ghi nhận tăng trưởng, trong đó một số ngân hàng có mức tăng trưởng cao như HDBank (42,1%), NCB (35,7%), VIB (29,9%), SHB (24,5%), Techcombank (22,8%), ACB (19,7%), VPBank (18,2%).

Với thu nhập phí từ hoạt động dịch vụ, quý I ghi nhận con số tăng 11,4% so với cùng kỳ nhưng giảm 21,6% so với quý IV/2019.

Trừ 3 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng gồm Vietcombank (27,2%), VietinBank (5%) và BacABank (1,7%) hoặc giảm nhẹ như HDBank (giảm 1,6%), các ngân hàng còn lại đều có lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm mạnh so với quý liền trước.

Bên cạnh yếu tố cắt giảm phí để chia sẻ khó khăn do dịch Covid-19, thu nhập này đều giảm trong quý I sau khi tăng mạnh trong quý IV liến trước trong 2 năm gần đây. 2 ngân hàng đóng góp nhiều nhất vào xu hướng này là Techcombank và Sacombank khi có lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng rất cao trong quý IV và giảm mạnh trong quý I.

Nếu so với quý I/2019, một số ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng cao như LienVietPostBank (174,7%), NCB (146,4%), VietBank (96,8%), Techcombank (73,1%), BIDV (23,9%), VIB (18,2%), trong khi một số ngân hàng suy giảm thu nhập như BacABank (giảm 77,3%), TPB (giảm 27,6%), SHB (giảm 10,9%), VPBank (giảm 6,7%), Eximbank (giảm 5%).

Thu nhập lãi thuần vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 78% cơ cấu, trong khi lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và lãi từ các hoạt động còn lại chiếm lần lượt 9,8% và 12,2%, giảm so với mức 11,8% và 15,2% trong quý IV/2019.

Với các hoạt động còn lại, tỷ trọng lãi từ chứng khoán (gồm chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư) tăng từ 19,7% lên 33,8%, trong khi lãi từ các hoạt động khác giảm mạnh từ 60% xuống 38%.

So với quý I/2019, tỷ trọng lãi từ chứng khoán đã tăng 2,46 lần. Xét về tốc độ tăng trưởng, thu nhập từ chứng khoán tăng 29,3% so với quý IV/2019 và 226% so với quý I/2019.

Dù tín dụng tăng trưởng thấp, với NIM giảm không đáng kể ở mức 1,1 điểm cơ bản, thu nhập lãi thuần của các ngân hàng trong quý I chưa bị ảnh hưởng nhiều từ việc miễn giảm lãi cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Từ 23/1 (khi tuyên bố có dịch) đến 28/3, ngành ngân hàng đã xem xét miễn giảm lãi với tổng dư nợ 91.000 tỷ đồng. Mức ảnh hưởng này sẽ lớn hơn đáng từ quý II. Tính đến 11/5, con số này đã gần 1,1 triệu tỷ đồng. Cho vay mới lãi suất ưu đãi cũng đạt hơn 639.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5% so với trước dịch.

Tỷ trọng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ ở mức thấp nhất từ quý III/2018 và dự kiến tiếp tục bị ảnh hưởng trong các quý sau. Tính đến 2/4, các ngân hàng đã có 2 lần miễn giảm phí thanh toán khoảng 560 tỷ đồng, đến hết năm 2020 là khoảng 1.004 tỷ đồng.

Theo Lê Hải/ndh.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/thu-nhap-tu-chung-khoan-cua-ngan-hang-tang-226-323868.html