Thu nhập từ dịch vụ của ngân hàng tăng trưởng thấp nhất 2 năm qua
Trong một báo cáo vừa đưa ra, FiinGroup cho rằng, ngân hàng là một trong những ngành bị tác động tiêu cực bởi Covid-19.
Lợi nhuận ngân hàng dự kiến giảm 11,9% năm nay
FiinGroup vừa ra mắt báo cáo FiinPro Digest đánh giá về tác động của Covid-19 tới các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường, trong đó có các ngân hàng thương mại. Theo đó, trong quý I/2020, lợi nhuận các ngân hàng niêm yết tăng trưởng 3,4% so với cùng kỳ nhưng đã giảm 11,5% so với Q4-2019. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ quý II/2018.
Cho vay khách hàng cuối quý I/2020 của 18 ngân hàng niêm yết chỉ tăng trưởng 1%, thấp hơn nhiều so với mức cùng kỳ hai năm trước (4,2% năm 2018, 3,4% năm 2019) và thấp hơn so với bình quân toàn ngành 3 tháng đầu năm 2020 (1,3%). NIM của 18 ngân hàng niêm yết giảm nhẹ 1,1 điểm cơ bản so với quý IV/2019 xuống còn 0,87%.
Một số ngân hàng có sự cải thiện tốt về NIM trong quý I/2020 nhưng chủ yếu là các ngân hàng nhỏ bao gồm KLB (0,26% lên 0,62%), STB (0,45% lên 0,72%), trong khi một số ngân hàng có NIM giảm khá nhiều như NVB, SHB.
NIM cao nhất vẫn thuộc về các ngân hàng có mảng cho vay tài chính tiêu dùng lớn như VPB (2,27%), HDB (1,37%) và MBB (1,22%). Tuy nhiên, các ngân hàng này đều có NIM giảm so với quý IV/2019.
Với tín dụng tăng trưởng thấp và biên lãi ròng giảm nhẹ, thu nhập lãi thuần của 18 ngân hàng niêm yết chỉ tăng 0,4% so với quý IV/2019. Tuy nhiên, nếu so với quý I/2019, thu nhập lãi thuần của các ngân hàng tăng trưởng 13,6%. Trừ VBB có thu nhập lãi thuần giảm so với cùng kỳ (-3,8%), các ngân hàng khác đều ghi nhận tăng trưởng, trong đó một số ngân hàng có mức tăng trưởng cao như HDB (42,1%), NVB (35,7%), VIB (29,9%), SHB (24,5%), TCB (22,8%), ACB (19,7%), VPB (18,2%). So với quý I/2018 và quý I/2019, tăng trưởng thu nhập lãi thuần của các ngân hàng trong quý I/2020 thấp hơn so với cả cùng kỳ lẫn quý liền kề.
Nguồn thu nhập lãi thuần từ tín dụng vẫn chiếm 78% cơ cấu thu nhập của các ngân hàng.
Tăng tưởng thu nhập phí từ hoạt động dịch vụ quý I/2020 giảm 21,6% so với quý IV/2019. Ngoài việc các ngân hàng cắt giảm phí để chia sẻ khó khăn do dịch Covid-19, có thể thấy xu hướng hai năm trước thu nhập này đều giảm trong quý I so với quý liền kề sau khi tăng mạnh trong quý IV/2019. Hai ngân hàng đóng góp nhiều nhất vào xu hướng này là TCB và STB khi có lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng rất cao trong quý IV/2019 và giảm mạnh trong quý I đầu năm nay.
Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của các ngân hàng trong quý I/2020 vẫn tăng 11,4%, tuy nhiên là mức tăng trưởng so với cùng kỳ thấp nhất từ quý I/2018. Lãi từ các hoạt động còn lại (kinh doanh chứng khoán, buôn bán ngoại tệ, v.v.) tăng 32,4% so với cùng kỳ nhưng giảm 24,6% so với quý liền kề. Tỷ trọng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và lãi từ các hoạt động còn lại chỉ còn chiếm lần lượt 9,8% và 12,2% trong tổng thu nhập của ngân hàng - mức thấp nhất từ quý III/2018 và dự kiến tiếp tục bị ảnh hưởng trong các quý sau. Nguyên nhân là do các ngân hàng giảm phí hỗ trợ khách hàng.
FiinGroup cho rằng, năm 2020, lợi nhuận của 18 ngân hàng niêm yết dự kiến giảm 11,9% do tác động của dịch COVID-19.
Chất lượng tài sản ngân hàng đang xấu đi
Theo báo cáo của Fiin, tỷ lệ nợ xấu của 16 ngân hàng niêm yết tăng từ 1,44% cuối năm 2019 lên 1,65% cuối quý I/2020.
Có 6 trên tổng số 18 ngân hàng niêm yết công bố thuyết minh trái phiếu VAMC với tổng dư nợ là hơn 4,85 nghìn tỷ đồng, giảm từ mức 6 nghìn tỷ cuối năm 2019. Con số giảm này là do EIB đã giảm được dư nợ trái phiếu VAMC từ 4,43 nghìn tỷ xuống 3,28 nghìn tỷ. Các ngân hàng còn lại là HDB, BAB, LPB, VBB, VIB.
Ngoài ra, một số các ngân hàng niêm yết có thuyết minh dư nợ VAMC cuối năm 2019 nhưng không có thuyết minh trong quý I/2020. Trừ BID công bố đã sạch nợ VAMC trong tháng 3/2020, các ngân hàng còn lại tính đến cuối 2019 vẫn còn những khoản nợ tương đối lớn như STB, CTG, SHB.
Trong quý I/2020, tỷ lệ tạo mới nợ xấu của 16 ngân hàng niêm yết là 0,23%, tăng mạnh so với 7 quý trước về tương đương mức quý I/2018.
Theo Thông tư Thông tư 01/2020/TT-NHNN, các ngân hàng có thể quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Từ 23/1-28/3/2020, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 12.000 khách hàng với dư nợ 13,5 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, nếu không có việc cơ cấu lại này, tỷ lệ tạo mới nợ xấu trong quý I/2020 sẽ ở mức cao hơn. Điều này cũng sẽ tương tự trong các quý sau, khi đến 11/5/2020 con số dư nợ được cơ cấu lại đã là gần 138 nghìn tỷ đồng.