Thu nhập từ lá

PTĐT - Lá mai, lá diễn- thứ tưởng chừng như không có lợi ích kinh tế thì nhiều năm qua tại xã Chân Mộng, huyện Đoan Hùng loại lá này lại trở thành hàng hóa có giá trị mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Lá sau khi thu mua về được chọn lọc, phân loại và kẹp thành từng phên trước khi cho vào lò sấy.

Lá sau khi thu mua về được chọn lọc, phân loại và kẹp thành từng phên trước khi cho vào lò sấy.

PTĐT - Lá mai, lá diễn- thứ tưởng chừng như không có lợi ích kinh tế thì nhiều năm qua tại xã Chân Mộng, huyện Đoan Hùng loại lá này lại trở thành hàng hóa có giá trị mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Bà con tận dụng mọi khoảng đất trống trong vườn, trên đồi để trồng cây thu lá, cứ độ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm, vào mùa lá rộ khắp nơi trong xã người dân lại nhộn nhịp thu hoạch.

Trước nhu cầu thu mua lá mai, lá diễn của các doanh nghiệp Đài Loan để dùng gói bánh truyền thống bởi mùi thơm đặc trưng tự nhiên lại đảm bảo sạch sẽ, bà con trong xã Chân Mộng ban đầu chỉ trồng mai, diễn với số lượng ít để thử nghiệm. Về sau thấy đây là công việc không quá vất vả, không tốn nhiều công chăm sóc do là loại cây dễ sống, sinh trưởng và phát triển tốt mang lại hiệu quả kinh tế, lại được các doanh nghiệp hợp tác lâu dài nên người dân đã phá bỏ vườn tạp, cây ăn quả năng suất thấp để đầu tư vào mô hình trồng mai, diễn lấy lá và dần dà trở thành một trong những mô hình kinh tế lâu bền nhất tại địa phương. Hơn 20 năm gắn bó với việc trồng và hái lá mai, lá diễn xuất bán, ông Nguyễn Văn Lục, khu 6 chia sẻ: “Những năm đầu, tôi cũng như bà con trong xã còn khá bỡ ngỡ, gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm, để cây mọc tự nhiên nên lá thu hoạch kém, hay bị rách khi gió mạnh, hơn nữa lá cao lại khó lấy. Vì thế sau một hai vụ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm chúng tôi đã tìm ra cách chăm sóc để có được lá chất lượng tốt, đó là cắt ngọn khi cây còn non khiến cho sự sinh trưởng thân cây giảm, tập trung vào phát triển lá, như vậy cây sẽ có tán rộng, lá dày và khỏe nên đã đảm bảo theo yêu cầu của bên thu mua. Kết thúc vụ sẽ chặt tỉa những cây già, tạo đà cho cây con phát triển thuận lợi ”.

Những kẹp lá sau khi sấy khô được gỡ và đóng tải cẩn thận chờ xuất bán

Những kẹp lá sau khi sấy khô được gỡ và đóng tải cẩn thận chờ xuất bán

Đa phần người dân ở đây đều thu hoạch lá tươi sau đó bán cho các thương lái, doanh nghiệp mua về sấy khô. Lá tươi phải được vận chuyển đi trong ngày, không để đến hôm sau và phải đảm bảo tiêu chuẩn về mẫu mã, chất lượng như: lá to, không rách, không bị úa vàng, trung bình chiều dài khoảng 40cm, chiều ngang khoảng 8cm. Trong căn nhà nhỏ của gia đình anh Phạm Văn Linh, ngay từ ngoài cổng vào đã phảng phất mùi thơm dịu nhẹ, những xếp lá mai, diễn tươi, xanh mướt được kẹp đều tăm tắp dựng chồng lên nhau, cùng những kẹp lá đã được sấy khô, đóng tải cẩn thận chỉ chờ ngày xuất hàng, anh Linh chia sẻ: “Lúc đầu tôi cũng như bao người dân trong làng chỉ đơn thuần là hái lá rồi bán cho thương lái, sau này tôi đã đầu tư 2 lò sấy thủ công nhỏ tại gia đình rồi thu mua lá mai, diễn tươi của bà con về sấy khô, rồi cứ kẹp chục lá với nhau giữa hai thanh nứa để khi treo vào lò lá khô sẽ vẫn giữ được độ phẳng, không bị quăn, sau đó mới xuất bán”.Trồng mai, diễn hái lá là công việc không quá nặng nhọc, chỉ đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận nên phù hợp với nhiều lứa tuổi, người không đi hái lá được có thể đi kẹp lá thuê cho những gia đình có lò sấy thủ công nên bao năm qua người dân trong xã sống nhờ nghề này bởi nó mang lại hiệu quả kinh tế, cho thu nhập ổn định. Hiện nay, giá bán lá tươi khoảng 12.000 đồng/1kg, nhiều gia đình trồng mai, diễn lấy lá một năm cho thu nhập khoảng 15 – 20 triệu đồng/ sào. Từ lá mai, diễn cuộc sống của người dân trong xã đã được cải thiện rõ rệt, nhiều gia đình vươn lên có cuộc sống kinh tế khá, giàu.

Thu Hương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202007/thu-nhap-tu-la-172216