Thu nội địa 2 tháng đảm bảo tiến độ nhờ chính sách giảm thuế

Đến hết tháng 2/2022, thu ngân sách do toàn ngành Thuế thực hiện ước đạt 276.664 tỷ đồng, bằng 23,5% so với dự toán pháp lệnh, bằng 107,7% so với cùng kỳ năm 2021. Có được kết quả trên, ngoài sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế, còn do chính sách giảm thuế đã giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, qua đó tăng thu ngân sách nhà nước.

Thu ngân sách 2 tháng đạt 23,5% dự toán

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, thu ngân sách nhà nước lũy kế 2 tháng đầu năm 2022 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 276.664 tỷ đồng, bằng 23,5% so với dự toán pháp lệnh, bằng 107,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 8.060 tỷ đồng, bằng 28,6% so với dự toán, bằng 157,2% so với cùng kỳ; thu nội địa ước đạt 268.605 tỷ đồng, bằng 23,4% so với dự toán pháp lệnh, bằng 106,7% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng số thu thuế, phí nội địa ước đạt 213.999 tỷ đồng, bằng 23,4% so với dự toán pháp lệnh, bằng 103% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, thu ngân sách 2 tháng đầu năm 2022 đạt khá do tình hình dịch bệnh trên cả nước tiếp tục được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh có sự hồi phục tốt.

Đặc biệt là các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã và đang phát huy tác dụng tốt, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 1/2022 tăng 195% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có đóng góp lớn cho ngân sách có sự tăng trưởng khá so với cùng kỳ như: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,8%; sản xuất thiết bị điện tăng 11,5%; sản xuất trang phục tăng 11,4%; khai thác quặng kim loại tăng 21,9%...

Chính sách giảm thuế đã giúp cộng đồng doanh nghiệp có thêm nguồn lực thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: NM.

Tổng cục Thuế cho biết, để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ngành Thuế đã tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15: giảm 30% tiền thuế giá trị gia tăng tháng 11 và tháng 12 năm 2021 cho một số ngành bị ảnh hưởng nặng do Covid-19; giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế theo quy định của Luật thuế TNDN có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và giảm so với doanh thu năm 2019; miễn thuế quý 3, quý 4 đối với hộ, cá nhân kinh doanh đã tác động làm giảm thu NSNN trong những tháng đầu năm 2022.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện Nghị định số 103/2021/NĐ-CP giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước kể từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022 ước tính làm giảm thu lệ phí trước bạ trong 2 tháng đầu năm khoảng 4.000 tỷ. Tuy nhiên, việc giảm lệ phí trước bạ khiến lượng xe tiêu thụ tăng khá, gián tiếp làm tăng thu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Cơ quan thuế đã đồng loạt ra quân ngay từ ngày đầu năm

Ngoài sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế, để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu quý I và cả năm 2022, ngay từ những ngày đầu năm, Tổng cục Thuế đã phát động các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước được giao.

Tổng cục Thuế đã yêu cầu cơ quan thuế các cấp rà soát lại toàn bộ các nguồn thu trên địa bàn để đăng ký mức phấn đấu tăng thu năm 2022 so với số dự toán đã được Chính phủ, HĐND, UBND giao, đảm bảo hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2022 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 01/2022/NQ-CP.

Tổng cục Thuế cũng triển khai thực hiện các kế hoạch thanh tra, kiểm tra nhằm giảm số tiền nợ thuế, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế số 38 và các văn bản thi hành, động viên kịp thời nguồn lực cho ngân sách nhà nước.

Báo cáo cho thấy, lũy kế 2 tháng đầu năm 2022 toàn ngành đã thu được khoảng 4.300 tỷ đồng tiền nợ thuế, đạt 10,2% chỉ tiêu thu nợ năm 2022. Tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 28/2/2022 ước khoảng 121.547 tỷ đồng. Tỷ lệ tổng nợ thuế trên tổng dự toán thu năm 2022 là 10,3%.

Ngoài quản lý chặt nguồn thu, chống thất thu ngân sách nhà nước, ngành Thuế cũng đã đẩy mạnh công tác hiện đại hóa, số hóa công tác quản lý thuế như: nộp thuế điện tử (kể cả đối với tổ chức và cá nhân), hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử.

Báo cáo cho thấy, sau khi triển khai hóa đơn điện tử giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố, Tổng cục Thuế đang chuẩn bị tiếp tục triển khai hóa đơn điện tử giai đoạn 2. Hiện Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính kế hoạch triển khai giai đoạn 2 và Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 206/QĐ-BTC ngày 24/02/2022 về việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tại 57 tỉnh, thành phố còn lại.

Các chính sách giảm thuế đã đi vào cuộc sống

- Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%. Chính sách này được thực hiện kể từ ngày 1/2/2022 đến 31/12/2022 theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ về việc quy định chính sách miễn, giảm thuế theo nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

- Giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của UBTV Quốc hội, từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022, ước tính làm giảm thu NSNN trong 2 tháng đầu năm khoảng 206 tỷ đồng.

- Giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với tổ chức, đơn vị, DN, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch COVID-19 theo quy định tại Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ, ước tính làm giảm thu NSNN trong 2 tháng đầu năm khoảng 500 tỷ đồng.

- Giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định tại Thông tư số 120/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021, có hiệu lực từ 1/1/2022 đến 30/6/2022.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thu-noi-dia-2-thang-dam-bao-tien-do-nho-chinh-sach-giam-thue-101117.html