Thử phản biện về 'trí khôn'...!
Câu chuyện cổ 'Trí khôn của ta đây!' được đưa vào giảng dạy trong trường phổ thông với mục đích giáo dục ca ngợi 'trí khôn' của con người.
Truyện kể một con cọp từ trong rừng ra thấy cảnh anh nông dân cùng con trâu cày ruộng. Trâu chăm chỉ cặm cụi nặng nhọc đi từng bước thế mà thỉnh thoảng còn bị quất một roi vào mông. Cọp rất ngạc nhiên, tại sao trâu to lớn thế mà lại phải chịu đựng sự khổ sở trước con người bé nhỏ kia. Đợi lúc nghỉ trưa, cọp lân la đến hỏi trâu để biết lý do vì sao vậy. Trâu trả lời là do người có trí khôn. Cọp rất tò mò không hiểu trí khôn là gì. Trâu cũng không biết giải thích thế nào cho phải đành nói cọp đến hỏi người cho xem “trí khôn”.
Người nói rằng trí khôn để ở nhà, cọp cần xem để về lấy. Như sực nhớ ra điều gì, người nói khi về lỡ cọp ăn mất trâu thì sao. Cọp đang băn khoăn chưa biết phân trần ra sao thì người nói cọp chịu khó để người trói lại cho yên tâm. Cọp đồng ý, người bèn lấy dây thừng trói cọp chặt vào một gốc cây rồi chất rơm rạ chung quanh. Người châm lửa đốt và quát: “Trí khôn của ta đây! Trí khôn của ta đây!”. Lửa cháy xém lông, cố hết sức vùng vẫy, mãi khi dây thừng đứt, cọp mới vùng chạy thoát vào rừng. Thấy cọp bị đốt, trâu thích quá lăn ra cười không may hàm trên va vào đá, răng gãy không còn cái nào. Mang trên mình những vằn đen loang lổ, từ đó cọp rất sợ lửa.
Trí khôn của ta đây!
Đây đích thực là một truyện cổ tích về loài vật nên còn một cái tên khác đích đáng hơn là “Sự tích về vằn lông loài hổ”. Hầu hết các sách hướng dẫn giảng dạy, tham khảo hay bình giảng đều khẳng định truyện “là một bài học sâu sắc” và ca ngợi: “Trí khôn là niềm tự hào của con người, chứng tỏ sự vượt trội của con người so với các giống loài khác như cọp. Tuy nhỏ bé nhưng nhờ có trí khôn nên con người đã thống trị được những loài mạnh và hung hãn nhất”. Nhìn từ góc độ thể loại cổ tích thì cách hiểu trên là có thể chấp nhận.
Nhưng có cách hiểu đi quá xa, trượt ra ngoài cấu trúc đặc trưng hình tượng thì sự gán ghép là rất rõ.
Có sách “phân tích”: “Hổ giả vờ tử tế hỏi thăm nhưng người nông dân với trí khôn đã nhanh chóng nhận ra bản chất gian ác của nó. Không có người bảo vệ việc ăn thịt trâu chỉ còn là chuyện nhỏ. Khôn ngoan chính là sự cảnh giác với những thứ mang vẻ ngoài tử tế. Con đường tìm kiếm trí khôn phải trải qua nhiều chông gai, thử thách, khó khăn giống như hổ phải trải qua cơn thiêu đốt của lửa để khôn ra vậy. Muốn có trí khôn phải vượt khó mà học hỏi...”.
Thứ nhất, không có một chi tiết nào về ngoại hình, hành động, suy nghĩ của hổ là “giả vờ tử tế” mà ngược lại nó băn khoăn thật nên đi hỏi trâu. Tin trâu, nó đi hỏi người. Chứng tỏ nó thật thà đến ngốc nghếch! Hai là, đưa ra lời bình “Không có người bảo vệ việc ăn thịt trâu chỉ còn là chuyện nhỏ” là vi phạm đặc trưng thể loại với nhân vật cổ tích luôn được nhân cách hóa mang tư cách con người, nói năng, suy nghĩ, hành động bình đẳng như nhau. Nên “sợ” việc hổ “ăn thịt trâu” là vượt ra ngoài “tư duy cổ tích”.
Có sách còn “hướng dẫn”: “Nên cho các bé học tập và rèn luyện trí khôn để có thể đoán được những ý đồ xấu đằng sau những cử chỉ tử tế của kẻ xấu. Khi đã có trí khôn rồi thì có thể ứng phó với các tình huống hiểm nguy khó khăn”. Thế giới cổ tích là thế giới trẻ thơ hồn nhiên, nếu đưa cái sự “rèn luyện trí khôn” như vậy sẽ triệt tiêu cái mơ ước bay bổng ở trẻ được sống trong thế giới trong sáng, thân thiện, bình đẳng, ở hiền gặp lành...
Có ý kiến tách nhân vật ra khỏi “không gian cổ tích” rồi quá thiên về chức năng giáo dục: “Trâu là người bạn hiền lành của nhà nông còn hổ là con vật hung ác, kẻ thù của người. Vì hổ là đại diện cho cái ác nên phải bị trừng phạt. Do vậy phải giải thích rõ cho trẻ hiểu ngày xưa ông bà ta đã phải đấu tranh với thiên nhiên dữ tợn đến mức nào”. Nếu bắt trẻ phải học thế thì “quá tải”, bài học trở nên nặng nề, cái tinh thần chính của cổ tích là giải thích đặc trưng loài của các con vật bị lướt qua.
Phân tích, bình giảng truyện cổ dân gian phải bám sát vào đặc trưng, ví như tư duy cổ tích là tư duy phi thời gian, thời gian ở đó như ngưng đọng nên qua hàng trăm năm cốc rượu uống dở (trong truyện “Nàng công chúa ngủ trong rừng”) vẫn còn nguyên (chứ không bay hơi theo quy luật vật lý). Nhân vật cổ tích chưa cần tư duy, chưa “khôn” nên cô Tấm bị Cám nói trên đầu có cứt trâu nên tin ngay mà không cần “thẩm định” đúng hay sai, là bùn hay cứt trâu thật (!?). Không gian cổ tích không có vật cản nên nhân vật biến hóa thoắt chỗ này thoắt chỗ kia và các loài vật mới gần gũi để “đối thoại” một cách tự nhiên.
Trong cổ tích, muôn loài thân thiện và bình đẳng!
Trở lại truyện “Trí khôn của ta đây!” ta thấy có ba nhân vật đều tham gia vào tình huống “trí khôn là gì”. Vì gần gũi nên trâu biết dùng từ/khái niệm (trí khôn) của người chính xác nhưng không đủ “trí khôn” để giải thích ngọn ngành nghĩa của từ/khái niệm. Thì ra kẻ “khôn”, ngoài sự biết còn phải hiểu nữa để có thể cắt nghĩa một cách rõ ràng cho kẻ khác hiểu. Từ “rừng” xuống nên cọp ngạc nhiên, tò mò về “chuyện thường ngày” ở vùng đồng bằng là chuyện đi cày của người và trâu. Người có “trí khôn” nên lừa trói cọp rồi đốt lửa cho nó biết một bài học “trí khôn” không chỉ riêng nó nhớ đời và còn để cả loài cọp phải nhớ...
Truyện cũng là một ngụ ngôn trọn vẹn, sâu sắc, nhiều ẩn ý đúng với nghĩa định nghĩa của thể loại là “gửi gắm (ngụ) những lời hay lẽ phải (ngôn) - là những kinh nghiệm sống, những bài học luân lý đạo đức, về xử thế...”. Là loài hung dữ, bị ghét lại từ “rừng” xuống nên cọp bị “rơi” vào hai trạng thái cả hai phía chủ quan và khách quan: vừa ngốc nghếch vừa bị cảnh giác. Từ nhân vật cọp này có thể rút ra các ý: từ nơi xa đến, vì lạ lẫm phong tục, tập quán sống nên phải biết giấu cái ngốc, cái thiếu hiểu biết của mình bằng cách cố tự quan sát, tìm hiểu và suy ngẫm. Đừng như cọp thật thà đem cái băn khoăn tò mò của mình “chia sẻ” với kẻ khác, dù kẻ đó “ngu như trâu/bò” thì cũng dễ nhận hậu quả!
Từ nhân vật người có thể có các ý sau: Kẻ có “trí khôn” là kẻ biết điều khiển kẻ mạnh hơn làm theo ý mình. Kẻ khôn là kẻ “cắt nghĩa” cho kẻ khác hiểu bằng hành động chứ không cần bằng lời nói. Vì thế người mới dễ dàng lừa hổ là “trí khôn” để ở nhà. Đó còn là kẻ biết đánh tráo khái niệm, thậm chí thay đổi nội hàm khái niệm, biến cái trừu tượng, vô hình (trí khôn) thành cái hữu hình, cụ thể (để ở nhà). Tức “khôn” thật, nhưng liệu có đúng là “trí khôn” hay chỉ là sự “khôn vặt”, “khôn ranh” kiểu láu cá, lừa gạt...!? Thế nên truyện còn một tên gọi khác rất đúng với thể ngụ ngôn là “Chuyện của hổ, trâu và người”.
Truyện cũng mang đầy đủ tinh thần của thể truyện cười với kết cấu đặc trưng là kiến tạo tình huống gây cười, các mâu thuẫn và nhân vật gây cười để làm bật ra ý nghĩa. Hổ hung dữ sống trên rừng nay “xuống núi” thật thà ngờ nghệch. Tiếng cười bật ra: Ngốc nghếch thế thì bị lừa là đáng đời. Trâu thấy cảnh hổ bị lừa nên cười mà mất hàm trên. Kẻ vô cảm cười trước nỗi đau kẻ khác bị như vậy cũng đích đáng! Còn người? Hành động như vậy mà là “trí khôn” ư? Nếu “trí khôn” là “khả năng suy nghĩ và hiểu biết” thì hành động lừa một kẻ thật thà như vậy không phải “trí khôn”.
Tên truyện (“Trí khôn của ta đây!”) chính là sự nhại lại lời nhân vật cùng với nội dung truyện đã tạo nên một tiếng cười nhại sâu sắc bật ra từ sự tương phản, đối lập: Không nên lừa kẻ khác, hơn nữa lại lừa kẻ thật thà, ham hiểu biết thì chẳng xứng đáng chút nào. Từ hành động “đốt lửa” phi nhân tính cũng toát ra cái ý: Đã là con người không được đối xử nhẫn tâm với muôn loài. Đó là “tiếng cười hai chiều”: khai tử, tống tiễn cái khôn ranh, cái thiếu nhân tính...(nếu có), tái sinh, chào đón cái thân thiện, nhân văn của con người. Ý nghĩa phổ quát của truyện trí tuệ thâm thúy hơn nhiều nghĩa thông thường vẫn hiểu!!!
Do vậy, với trẻ em chỉ nên dạy ở phương diện truyện cổ tích đúng với tên truyện “Sự tích vằn lông loài hổ”!
Mỗi văn bản dân gian càng cổ xưa càng lắng đọng tích tụ trong nó bao lớp phù sa văn hóa theo cấu trúc đa/liên thể loại nên không có đáy. Càng bóc những lớp mã văn hóa càng tìm thấy những lõi ý nghĩa mới phát sáng. Chỉ là một cách hiểu xin được đối thoại với các phản biện khác!
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/thu-phan-bien-ve-tri-khon--i646438/