Thư pháp 'tri ân'

Hiến máu nhân đạo là việc làm cao cả, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, tinh thần 'tương thân, tương ái' của người Việt Nam, giúp những người bệnh được tiếp thêm máu và duy trì sự sống. Để tri ân thì việc trao tặng chữ thư pháp trong ngày hội này được coi là món quà tinh thần vô giá đối với người hiến máu.

THƯ PHÁP VIỆT TRAO GIÁ TRỊ VIỆT

Chữ thư pháp xuất hiện ở rất nhiều nước trên thế giới và ở mỗi quốc gia, thư pháp lại có nguồn gốc hình thành cũng như đặc điểm riêng biệt. Ở Việt Nam, chữ thư pháp cũng có nhiều điểm khác biệt, thể hiện đặc trưng văn hóa dân tộc Việt. Ngoài giá trị về nghệ thuật thể hiện chữ viết, thư pháp còn có giá trị đạo đức, qua chữ viết nhằm giáo dục, răn dạy con người đạo lý, lễ nghĩa, phép tắc.

Hình ảnh ông đồ bên câu đối đỏ đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt Nam, nhất là trong những ngày lễ, tết. Trước đây, mỗi dịp tết đến, xuân về, thầy đồ trong trang phục áo dài, khăn đóng bên mực tàu, giấy đỏ sẽ viết những câu đối, lời chúc… với nét chữ như rồng bay, phượng múa để trao “may mắn” cho người xin chữ nhân dịp đầu năm mới. Hiện chữ thư pháp Việt không chỉ giữ nguyên giá trị nghệ thuật mà còn là phương tiện bày tỏ tâm thức, nguyện vọng của con người.

Sau khi hiến máu tình nguyện, mỗi người sẽ được tặng chữ thư pháp theo nguyện vọng

Sau khi hiến máu tình nguyện, mỗi người sẽ được tặng chữ thư pháp theo nguyện vọng

Chữ thư pháp Việt có nguồn gốc hình thành và phát triển từ chữ Hán nhưng mang nhiều đặc điểm khác biệt, tạo nên nét độc đáo riêng. Thư pháp Việt được viết theo rất nhiều cách thức khác nhau, người viết có thể tự do sáng tạo chữ viết theo mong muốn và tình cảm của mình. Song người viết vẫn phải tuân thủ chính xác cấu trúc của từng chữ. Hiện thư pháp Việt gồm có 4 lối viết phổ biến: Chữ chân phương, chữ cách điệu, chữ thảo và chữ mộc. Hình dạng của chữ thư pháp cũng có 4 kiểu: Hình chữ nhật đứng, chữ nhật ngang, hình vuông và mặt quạt. Ngoài chữ, trên các bức thư pháp ngày nay còn có thêm những hình ảnh về thiên nhiên, phong cảnh sinh động và bắt mắt. Do thư pháp Việt không phải là chữ tượng hình giống chữ Hán nên khó biểu đạt được tâm tư, tình cảm của người viết. Vì vậy, người viết thường tạo ra những tác phẩm hình ảnh khi viết thư pháp Việt để biểu lộ tình cảm. Và việc biểu đạt tâm tư qua hình ảnh vẫn phải giữ được cấu trúc chính xác của câu chữ, tránh cho người đọc không thể đọc được nội dung chữ thư pháp.

Anh Lê Trần Minh, thành viên Câu lạc bộ Thư pháp Hoàng Huy (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: Ngày xưa, ông đồ viết thư pháp chữ Hán, nhưng ngày nay chữ Hán ít người biết đến nên thư pháp chữ Việt phổ biến hơn. Thư pháp viết theo tiếng Việt để tất cả mọi người đều đọc và hiểu được ý nghĩa của chữ.

MÓN QUÀ TINH THẦN VÔ GIÁ

“Đa số người xin chữ đều mong muốn xin được may mắn, như các chữ “Lộc”, “Nhàn”, “Phúc”, “Phú quý”, “Bình an”. Hay có những người xin chữ để tự răn dạy bản thân, như các chữ “Tâm”, “Nhẫn”, “Ơn cha”, “Nghĩa mẹ”… và cũng có không ít người xin chữ tặng cha mẹ, bạn bè, người thân để bày tỏ tình cảm mà bản thân ngại nói ra” - anh Lê Trần Minh bộc bạch.

Thông thường, mọi người sẽ viết chữ thư pháp ở môi trường yên tĩnh nhưng anh Minh lại chọn cho chữ ở những điểm hiến máu nhân đạo. Theo anh, ở đây có nhiều người tham gia sẽ lan tỏa được nghệ thuật thư pháp và việc cho chữ như một món quà tinh thần để tri ân người hiến máu. Anh Minh cho biết: Câu lạc bộ hiện có hơn 20 thành viên là các bạn trẻ sinh viên và những người đã đi làm đam mê bộ môn thư pháp. Chúng tôi tham gia cho chữ ở những điểm hiến máu để lan tỏa giá trị môn nghệ thuật này đến với nhiều người hơn. Tôi đã về huyện Đồng Phú cho chữ 2 lần trong chương trình hiến máu và lần nào cũng háo hức, bởi những chữ thư pháp trao tặng giúp mọi người vui, hạnh phúc. Nghệ thuật thư pháp là nét đẹp truyền thống nên mong mọi người, nhất là các bạn trẻ hãy tìm hiểu và duy trì để không bị mai một.

Thư pháp Việt ngày càng được phổ biến. Cùng với nhiều lứa tuổi khác nhau, ngày nay, nhiều bạn trẻ quan tâm và đam mê bộ môn nghệ thuật này. “Em rất thích chữ thư pháp nhưng chưa học qua bao giờ. Tham gia hiến máu được tặng chữ thư pháp em rất vui. Em xin chữ cho mình và xin thêm chữ “Mẹ”. Đây là món quà em muốn dành tặng mẹ để bày tỏ tình cảm thay cho lời muốn nói” - em Trần Thái Dương ở thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú chia sẻ.

Thư pháp Việt là bộ môn nghệ thuật được nhiều người yêu thích. Chữ thư pháp không chỉ đơn thuần được viết bằng cọ, mực mài với những nét bút bay bổng mang tính nghệ thuật mà còn thể hiện thông điệp, tình cảm của người viết thông qua mặt chữ. Chữ thư pháp còn chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, qua đó giáo dục con người về đạo đức và nhân sinh quan trong cuộc sống hằng ngày.

Những bức thư pháp trao tặng người hiến máu như một lời tri ân sâu sắc dành tặng những trái tim ấm áp tình nguyện trao đi giọt máu hồng. Mỗi nét chữ trao tặng sẽ góp phần nhân lên nhiều hơn nữa những cá nhân, tập thể lan tỏa hành động đẹp, nhân văn giúp nhiều người cần máu được cứu sống kịp thời. Em Đinh Hoàng Thương ở xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú cho biết: “Em tham gia hiến máu để cứu người với phương châm “một giọt máu cho đi - một cuộc đời ở lại”. Lần đầu tiên hiến máu em rất háo hức, hiến xong còn được tặng chữ “Phúc” thư pháp theo nguyện vọng nên càng cảm thấy việc làm của mình có ý nghĩa và giá trị. Chữ này em sẽ treo trang trọng trên tường để nhắc nhở bản thân thường xuyên tham gia hiến máu tình nguyện cũng như làm những việc có ích cho xã hội”.

Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Tân Lập, huyện Đồng Phú Nguyễn Trung Thành bày tỏ: “Hiến máu cứu người là hành động đẹp được toàn xã hội trân trọng và tôn vinh. Những dòng thư pháp dành tặng con người như thế thật xứng đáng và ý nghĩa. Đây còn là món quà tinh thần vô giá, tri ân những tấm lòng vàng sau khi hiến máu. Từ đó góp phần nhân lên nhiều hơn nữa những hành động đẹp, nhân văn, tô thắm cho đời bằng những nụ cười ấm áp, hạnh phúc”.

Ngọc Quế

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/140165/thu-phap-tri-an