Thu phí cao tốc Bắc - Nam: Cân nhắc thấu đáo mức phí

Cục Đường bộ đề xuất mức thu phí đường bộ cao tốc Bắc - Nam do Nhà nước đầu tư nhận được đa số ủng hộ. Tuy nhiên, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau về mức thu 900-6.000 đồng/km.

Cục Đường bộ Việt Nam vừa đề xuất với Bộ GTVT tham mưu Chính phủ ban hành nghị định quy định thu phí sử dụng đường bộ cao tốc Bắc - Nam do Nhà nước đầu tư. Trong đó, cơ quan này đề xuất mức thu phí thấp nhất là 900 đồng/km, cao nhất là 6.000 đồng/km, tùy từng nhóm, loại xe và tuyến đường lưu thông.

Các chuyên gia, doanh nghiệp (DN), hiệp hội vận tải và cả tài xế đều ủng hộ việc thu phí nhưng mức thu, thời gian thu thì cần phải tính toán thấu đáo.

 Theo Cục Đường bộ, số lượng dự án cao tốc sẽ tăng gấp đôi vào cuối năm 2025. Trong ảnh: Cao tốc Nghi Sơn - Quốc lộ 45. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Theo Cục Đường bộ, số lượng dự án cao tốc sẽ tăng gấp đôi vào cuối năm 2025. Trong ảnh: Cao tốc Nghi Sơn - Quốc lộ 45. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Cân nhắc mức phí vì DN đang gặp khó

Là người thường xuyên chở khách di chuyển trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, anh Nguyễn Hùng (ngụ TP.HCM) cho biết mỗi xe khách 50 chỗ lăn bánh thì chi phí xăng dầu, cầu đường… chiếm tới 60% giá trị hợp đồng.

“Chẳng hạn xe tôi chở khách một chuyến đi ra Quảng Ngãi chi phí cho cầu đường đã mất gần 5 triệu đồng nên mỗi lần có hợp đồng vận tải ở các tuyến có thu phí cầu đường cao, chúng tôi đều đắn đo xem có nên đi hay không” - tài xế này cho hay.

Việc Cục Đường bộ đưa ra mức giá trên, anh Hùng cho rằng đối với mức giá các xe container, xe siêu trường, siêu trọng thì giá 6.000 đồng/km là hợp lý. Tuy nhiên, xe khách 50 chỗ trở xuống Nhà nước nên tính toán kỹ để có mức giá phù hợp, hỗ trợ DN trong lúc khó khăn.

“Cục Đường bộ cho biết trong 10 năm tới nhu cầu vốn đầu tư mới đường cao tốc lên đến gần 240.000 tỉ đồng, trong khi vốn bảo trì mới đáp ứng được khoảng 40%.”

“Các DN vận tải không phản đối việc thu phí nhưng mức thu và thời gian thu phải phù hợp. Nếu mức phí cao quá thì các nhà xe sẽ lựa chọn con đường khác để di chuyển, lúc đó Nhà nước không thu được phí trên các tuyến cao tốc này. Vì vậy, hiệu quả của tuyến đường mang lại cho xã hội không cao” - tài xế này cho hay.

Đồng quan điểm, anh Nguyễn Sơn (ngụ quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết thường xuyên về Nghệ An bằng xe riêng trên tuyến cao tốc Bắc - Nam. Nếu như trước đây anh mất 4-5 tiếng để về tới TP Vinh thì nay chỉ còn hơn 3 tiếng. Vì vậy, anh ủng hộ việc thu phí.

“Tuy nhiên, Nhà nước nên đánh giá tác động kỹ để khi thực hiện tạo được sự đồng thuận của người dân. Đặc biệt, mức phí không được vượt sức mua của người dân” - anh Sơn góp ý.

12

là số dự án cao tốc do Nhà nước đầu tư, đại diện chủ sở hữu, đã hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng. Cụ thể, cao tốc Lào Cai - Kim Thành, Hà Nội - Thái Nguyên, TP.HCM - Trung Lương, Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Trang, Chủ nhiệm Hợp tác xã Sen Việt, cho biết: “Hiện Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM đang tổng hợp các ý kiến của các đơn vị thành viên để kiến nghị một lần với Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và Bộ GTVT về vấn đề này”.

Theo bà Trang, hiện DN vận tải đang gặp nhiều khó khăn, trong khi một số tuyến đường chưa đạt chuẩn cao tốc nên nếu thu phí thì không hợp lý.

Còn đại diện Hợp tác xã Châu Hà (TP.HCM) khẳng định việc thu phí hay không là do Nhà nước quyết định. “Trường hợp cao tốc tốt, giúp người dân tiết giảm được thời gian di chuyển, an toàn thì 5.000 đồng hay 6.000 đồng/km không phải là vấn đề lớn” - vị đại diện này cho hay.

 Theo đề xuất của Cục Đường bộ, mức thu phí cao tốc Bắc - Nam thấp nhất là 900 đồng/km, cao nhất là 6.000 đồng/km. Ảnh: ĐT

Theo đề xuất của Cục Đường bộ, mức thu phí cao tốc Bắc - Nam thấp nhất là 900 đồng/km, cao nhất là 6.000 đồng/km. Ảnh: ĐT

Bốn nguyên tắc đề xuất mức thu phí

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM sáng 11-7, đại diện Cục Đường bộ cho biết mức phí đơn vị đang đề xuất dựa trên bốn nguyên tắc gồm: Đảm bảo quy định của pháp luật về phí và lệ phí; tránh thu phí trùng phí; mức thu đảm bảo hợp lý, hài hòa với mức thu dịch vụ sử dụng đường bộ và đường cao tốc do tư nhân đầu tư; mức thu phải thấp hơn lợi ích người sử dụng đường cao tốc thu được.

Theo tính toán của Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải, kết quả lượng hóa chi phí vận hành và chi phí thời gian của xe cho thấy so với lưu thông tuyến trên quốc lộ song hành, xe lưu thông trên các tuyến cao tốc sẽ được lợi bình quân 4.824 đồng/xe/km. Trong đó, 25% từ tiết kiệm chi phí vận hành xe và 75% từ tiết kiệm thời gian hàng hóa và hành khách trên đường.

Loại xe thu được lợi ích lớn nhất là xe khách từ 30 chỗ trở lên với bình quân 14.132 đồng/xe/km; thấp nhất là xe tải dưới 2 tấn, bình quân là 1.174 đồng/km. Lợi ích bình quân tính theo xe đơn vị là 2.616 đồng/xe con quy đổi/km.

 Trạm thu phí cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây. Ảnh minh họa: QUỲNH ANH

Trạm thu phí cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây. Ảnh minh họa: QUỲNH ANH

Mức phí sẽ tương ứng với chất lượng dịch vụ đường cao tốc

Ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Đường bộ, cho biết nghị định xây dựng theo hướng chất lượng dịch vụ đường cao tốc tương ứng với mức thu. Theo đó, đường đảm bảo các tiêu chuẩn sẽ có mức phí khác với các tuyến đường chưa đáp ứng các tiêu chuẩn.

Thêm vào đó, Nhà nước thu phí đường cao tốc không phải vì lợi nhuận. Việc thu phí nhằm mục đích phục vụ cho công tác bảo trì và đầu tư phát triển các tuyến cao tốc mới.

Về hình thức thu phí, lãnh đạo Cục Đường bộ cho biết đang nghiên cứu hai hình thức đó là Nhà nước tự tổ chức thực hiện hoặc nhượng quyền cho tư nhân quản lý và khai thác (O&M).

Với hình thức thứ nhất, cơ quan quản lý tài sản đường cao tốc sẽ là Cục Đường bộ. Theo đó, cục sẽ đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ thu phí trên nền tảng hệ thống thu phí tự động không dừng.

“Phương án này có nhược điểm là thu phí kiểu “nhặt dần”, sau khi trừ chi phí tổ chức thu sẽ nộp ngân sách…” - ông Thái nói.

Với hình thức thứ hai, Nhà nước sẽ bán quyền thu phí cho nhà đầu tư trong một khoảng thời gian nhất định. Họ sẽ đứng ra thu phí và quản lý, bảo trì tuyến đường. “Phương án này có ưu điểm là Nhà nước sẽ thu được một khoản tiền lớn ngay để tái đầu tư các tuyến cao tốc, không phải nuôi bộ máy quản lý và thu phí. Tuy nhiên, với những tuyến cao tốc có lưu lượng thấp sẽ khó hấp dẫn nhà đầu tư…” - ông Thái phân tích.

Trên cơ sở đó, có ba phương án quy định mức thu được cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu đề xuất áp dụng. Trong đó, phương án thấp với mức phí xác định trên cơ sở 50% lợi ích người sử dụng, phương án trung bình là 60% và phương án cao là 70%.

Theo Cục Đường bộ, số lượng dự án cao tốc sẽ tăng gấp đôi vào cuối năm 2025, nếu 12 dự án thành phần thuộc tuyến đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021-2025) hoàn thành đúng kế hoạch.

Về thời gian tiến hành thu phí, Cục Đường bộ cho biết trước mắt Luật Đường bộ đã cho phép thu phí các dự án đường bộ do Nhà nước đầu tư nhưng cần các văn bản hướng dẫn dưới luật.

Hiện cục đang tham mưu cho Bộ GTVT trình Chính phủ ban hành nghị định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc trong tháng 10 tới đây. “Sau khi Chính phủ ban hành nghị định đơn vị sẽ tiến hành các bước còn lại để thu phí…” - đại diện Cục Đường bộ cho hay.

Cũng theo Cục Đường bộ, trong 10 năm tới nhu cầu vốn đầu tư mới đường cao tốc lên đến gần 240.000 tỉ đồng, trong khi vốn bảo trì mới đáp ứng được khoảng 40%. Nhân lực quản lý, vận hành cao tốc cũng đang là bài toán khó, khi đến năm 2030 cần 10.000 công nhân vận hành.•

Ông LÊ TRUNG TÍNH, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM:

Nhà nước nên cân nhắc về thời gian thu, mức thu

Với đề xuất thu phí của Cục Đường bộ, chúng tôi cũng lắng nghe các đơn vị vận tải thành viên để kiến nghị. Việc thu hồi vốn để tiếp tục đầu tư cao tốc mới là chấp nhận được trong bối cảnh nhu cầu mở rộng mạng lưới cao tốc để mở rộng ngành giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nhưng theo tôi, về nguyên lý thì BOT thu những đoạn đường nào xây dựng hoàn toàn mới và không trùng với tuyến đường hiện hữu. Trên những đoạn đường cũ đã có, xây dựng lại và thu phí thì không đúng với nguyên tắc chung mà các nước trên thế giới đang thực hiện.

Tuy nhiên, do điều kiện ngân sách nước ta eo hẹp nên để muốn phát triển nhanh hệ thống đường cao tốc thì Bộ GTVT đã trình Thủ tướng và Thường vụ Quốc hội đồng ý cho phép thu BOT ngay cả những đường đã có. Theo tôi, nên thí điểm trên một số tuyến đường thì sẽ hợp lý.

Tuy nhiên, việc thu phí này Nhà nước nên cân nhắc về thời gian thu, mức thu phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay. Tức là không nhiều quá để làm gánh nặng đè thêm cho ngành vận tải, trong khi đó chi phí vận tải của Việt Nam so với 10 nước trong khối ASEAN là đang cao hơn nên khó cạnh tranh.

Thời gian thu có thể kéo dài để mức thu thấp hơn là hợp lý. Ngành vận tải cũng có những thuận lợi khi có đường cao tốc sẽ rút ngắn được thời gian, nhiên liệu. Vì vậy, các DN vận tải vì sự hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và lợi ích của DN nên ủng hộ chủ trương này. Chỗ nào chưa tốt thì sau thời gian thí điểm sẽ bàn luận kỹ và tìm giải pháp thích hợp nhất.

Ông NGUYỄN VĂN QUYỀN, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam:

Cơ quan quản lý nhà nước sẽ có đánh giá thận trọng về mức thu

Trước tiên, phải khẳng định việc Quốc hội cho phép thực hiện thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư là phù hợp. Bởi lẽ một số tuyến quốc lộ do tư nhân đầu tư đang thu phí, nếu đường cao tốc do Nhà nước xây lên song hành với tuyến quốc lộ nhưng không thu phí thì lượng xe sẽ đổ dồn sang tuyến mới gây ùn tắc. Điều này dẫn đến hệ lụy là phá vỡ phương án tài chính của nhà đầu tư.

Thêm vào đó, việc thu phí còn giúp Nhà nước thu hồi vốn để tái đầu tư các tuyến đường cao tốc trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, đồng thời thu hút tư nhân tham gia đầu tư vào đường bộ cao tốc. Song song đó, Nhà nước có tiền để vận hành, bảo trì toàn tuyến. Thu phí còn giúp kiểm soát tải trọng xe một cách chuẩn xác, đảm bảo được tuổi thọ bền lâu của công trình.

Về mức phí, thông thường các cơ quan quản lý nhà nước phải nghiên cứu rất kỹ để đưa ra mức thu. Chẳng hạn như xem xét tổng mức đầu tư dự án, so sánh mức giá đang được thực hiện đối với các dự án BOT quốc lộ cũng như các dự án BOT cao tốc; cơ sở pháp luật về phí và lệ phí; mức thu phải khấu trừ các loại thuế, phí đã thu liên quan, tránh thu phí trùng phí...

Tóm lại, mức phí của từng đoạn, tuyến đường thường được đặt trong bối cảnh tổng thể. Vì thế để nói có phù hợp hay không phải xem xét mức giá cụ thể sẽ áp cho từng dự án. Tuy nhiên, tôi cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước đều có đánh giá thận trọng, không phải đưa ra một mức giá mang tính chủ quan. •

VIẾT LONG - THY NHUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/thu-phi-cao-toc-bac-nam-can-nhac-thau-dao-muc-phi-post800056.html