Thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ không dừng: Sao cứ mãi nhùng nhằng?

Sau gần 2 năm triển khai dịch vụ thu phí không dừng (ETC) theo Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay số phương tiện dán thẻ định danh để sử dụng dịch vụ ETC còn thấp, mới đạt khoảng 50% số phương tiện trên toàn quốc. Một dịch vụ văn minh là vậy sao cứ mãi nhùng nhằng?

Tình hình trì trệ trong việc triển khai dịch vụ thu phí không dừng đã khiến lãnh đạo Chính phủ không ít lần sốt ruột và trong chỉ đạo mới nhất nêu tại Công điện số 155/CĐ-TTg ngày 22/2/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành- người ký Công điện đã phải đưa ra “tối hậu thư” cho câu chuyện này.

Không sử dụng hình thức thu phí thủ công kể từ ngày 1/6/2022”- Công điện 155 yêu cầu.

Cùng đó, “đề nghị người đứng đầu các cơ quan và tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương và địa phương chỉ đạo dán thẻ định danh đối với toàn bộ phương tiện xe ô tô thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị (kể cả đối với các đơn vị trực thuộc) để sử dụng dịch vụ thu phí ETC”, vẫn Công điện 155 yêu cầu.

Cũng tại Công văn này, Chính phủ yêu cầu đích danh Bộ Giao thông Vận tải phải chỉ đạo nhà cung cấp dịch vụ thu phí tổ chức tốt công tác dán thẻ định danh cho phương tiện giao thông, bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện (lưu ý công bố số điện thoại và địa chỉ liên hệ để tạo thuận tiện cho công tác dán thẻ); có giải pháp xử lý ngay các lỗi kỹ thuật của hệ thống thu phí ETC (nếu phát sinh).

Việc vận hành của một số trạm thu phí ETC được cho là còn nhiều vấn đề (ảnh minh họa)

Việc vận hành của một số trạm thu phí ETC được cho là còn nhiều vấn đề (ảnh minh họa)

Triển khai sự chỉ đạo của Chính phủ, được biết Bộ Giao thông Vận tải đã lựa chọn tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để triển khai thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí tự động không dừng. Từ ngày 5/5/2022, tuyến cao tốc này từ chối ôtô không dán thẻ ETC qua trạm. Đây cũng là tuyến đường đầu tiên tại Việt Nam không thu phí thủ công.

Nhưng tuyến cao tốc này cũng chỉ là một trong nhiều tuyến đường tổ chức hệ thống các trạm thu phí. Trong bối cảnh như chính Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận mới có 63 trạm đã lắp 100% thu phí tự động không dừng trong tổng số 113 trạm đã triển khai, đến thời điểm 1/6/2022 chỉ còn vỏn vẹn 2 tháng nữa liệu Bộ chủ quản liệu có đưa mình ở vào thế “vắt chân lên cổ” với núi công việc trước mắt để thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hay không?

Lý giải về sự nhùng nhằng sau gần 2 năm triển khai Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, lý do được Bộ Giao thông Vận tải đưa ra là do lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, việc quản lý vận hành hệ thống ETC liên quan đến nhiều đối tượng, vì vậy vẫn còn tồn tại một số lỗi, bất cập gây bức xúc cho chủ phương tiện như xe qua trạm phải trả tiền mặt trong khi tài khoản giao thông vẫn trừ tiền.

Nhiều phương tiện chưa đủ điều kiện vẫn đi vào cửa dành riêng cho thu phí ETC. Một số phương tiện không tham gia dịch vụ này do không có nhu cầu di chuyển trên cung đường dài”- Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận.

Tuy nhiên theo ghi nhận thực tế, đó không phải là nguyên nhân chính. Nguyên nhân thực sự nằm ở chỗ làn thu phí thủ công với giao dịch “tiền tươi” tại các trạm BOT vẫn còn quá nhiều và vẫn được coi là hình thức giao dịch “dễ mến”. Cùng đó thu phí không dừng vẫn thiếu tính năng liên kết với tài khoản ngân hàng.

Hai nguyên nhân này đã khiến các tài xế phần nhiều không mặn mà với dịch vụ ETC. Sự thiếu mặn mà này vẫn sẽ còn tồn tại chừng nào nhà cung cấp dịch vụ chưa chứng minh dịch vụ của mình bảo đảm thuận tiện, lợi ích cho người sử dụng cũng như tỏ cho thấy khẩn trương khắc phục triệt để những bất cập trong vận hành hệ thống.

Điều đó cũng có nghĩa là thời điểm sau 1/6/2022 sẽ không còn thu phí thủ công như được nêu trong Công điện 155 của Chính phủ có thành hiện thực hay không có thể vẫn còn phải bỏ ngỏ. Và người ta rất cần đến một cam kết chắc chắn, mạnh mẽ trong hành động của Bộ Giao thông Vận tải để một dịch vụ hiện đại, mang tính văn minh cao như dịch vụ ETC không còn mang gương mặt của một dịch vụ gây phiền toái, ngờ vực như thời gian qua.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-phi-dich-vu-su-dung-duong-bo-khong-dung-sao-cu-mai-nhung-nhang-174077.html