Thu phí tham quan cao nguyên đá Đồng Văn: Cần tính toán kỹ

Việc thu phí tham quan Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) là vấn đề nhạy cảm, cần tính toán kỹ

Những ngày qua, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều trước thông tin tỉnh Hà Giang dự kiến sẽ tiến hành thu phí tham quan Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn.

Thu phí theo Luật Di sản

Cao nguyên đá Đồng Văn có diện tích 2.356,8 km2, trải rộng trên 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang.

Ngày 3-10-2010, hồ sơ Công viên Địa chất cao nguyên đá Đồng Văn được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (GGN) của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) chính thức công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hoàng Xuân Đôn, Trưởng Ban Quản lý Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, cho rằng việc thu phí là cần thiết, tuy nhiên phải dựa trên Luật Di sản.

Cụ thể, đối với các danh hiệu của UNESCO thì được phép thu phí; Luật Thu phí và lệ phí cho phép thu phí tham quan các điểm du lịch...

Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn có nhiều điểm du lịch nổi tiếng như dinh thự vua Mèo, đèo Mã Pì Lèng... Ảnh: HỮU HƯNG

Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn có nhiều điểm du lịch nổi tiếng như dinh thự vua Mèo, đèo Mã Pì Lèng... Ảnh: HỮU HƯNG

Ngoài ra, theo ông Hoàng Xuân Đôn, một căn cứ để Hà Giang đưa ra đề án thu phí đó là khuyến nghị của UNESCO. Năm 2018, UNESCO đã khuyến nghị Hà Giang nên tìm cách tự chủ về nguồn kinh phí, không lệ thuộc vào nguồn kinh phí của ngân sách nhà nước. Khi đưa ra đề án thu phí có thực hiện lấy ý kiến của các du khách, kết quả tỉ lệ ủng hộ của du khách trong nước là 55%, còn khách quốc tế là trên 90%. Ngoài ra, khi lấy ý kiến của các chuyên gia thì đều nhận được sự ủng hộ cao.

Từ năm 2019 đã có nhiều phương án thu phí được đưa ra, trong đó có phương án lập cổng vào, thu phí theo từng điểm, thu phí qua đêm (thu tại nhà nghỉ, khách sạn). Tuy nhiên, phương án thu phí tại cổng vào và thu phí theo điểm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, hệ lụy như phải làm hàng loạt cổng vào, chi phí hạ tầng cao, mất nhiều người vận hành, gây phiền phức cho du khách... "Sau khi nghiên cứu, chúng tôi thấy phương án thu phí qua đêm là khả thi nhất vì tiết kiệm nguồn nhân lực, ít phải đầu tư cơ sở vật chất" - ông Hoàng Xuân Đôn nói.

Theo ông Hoàng Xuân Đôn, đây mới chỉ là dự kiến, cần lấy ý kiến rộng rãi, có thể tổ chức hội thảo chuyên đề mời các chuyên gia khắp cả nước góp ý. Sau đó có báo cáo gửi HĐND tỉnh quyết định.

Ông Trương Minh Tiến, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội, cho rằng tổ chức này khuyến nghị các di sản được vinh danh thực hiện thu phí tham quan. Việc thu phí trước hết giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, đa dạng hoạt động du lịch. Mặt khác, khi bỏ tiền mua vé tham quan, du khách có trách nhiệm hơn với trải nghiệm tại địa điểm du lịch. Họ sẽ tập trung tìm hiểu thông tin và nâng cao ý thức giữ gìn di sản.

Cần có kế hoạch cụ thể

Trong khi đó, PGS-TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội) - nhận định thu phí là vấn đề hết sức nhạy cảm vì có thể tác động đến tâm lý du khách nhiều hơn số tiền bỏ ra.

Nhiều địa phương tìm nhiều cách khác nhau để thu hút du khách bằng các cách thức khuyến mãi, chính sách ưu đãi... Việc Quốc hội lần này thông qua sửa đổi Luật Xuất cảnh, nhập cảnh trong đó có điều khoản gia hạn, miễn giảm visa cho thêm nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ chính là hướng đi phù hợp.

Ở quy mô địa phương, cũng cần cân nhắc theo hướng như vậy để duy trì tính hấp dẫn và tình cảm yêu mến đối với một điểm đến mới, tạo ra so sánh với các địa điểm du lịch khác.

Tuy nhiên, ông Bùi Hoài Sơn nói thêm nếu Hà Giang thu phí ngay lúc này thì chưa nên nhưng trong tương lai thì có thể cân nhắc. Để thu phí cần có kế hoạch cụ thể, xây dựng thương hiệu, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và các dịch vụ đi kèm bảo đảm thì mới tính toán đến việc thu phí để thu hút đầu tư, quản lý di sản và tổ chức các hoạt động nâng tầm thương hiệu, hướng đến chất lượng của du lịch và phân khúc du khách phù hợp.

"Trong tương lai, tôi nghĩ chúng ta có thể thu phí. Bên cạnh đánh giá tác động kinh tế - xã hội, chúng ta cần có cách nhìn phát triển du lịch ở tư duy tổng thể, rộng lớn khi lĩnh vực này tác động đến không chỉ kinh tế mà còn hình ảnh văn hóa, con người của tỉnh" - ông Bùi Hoài Sơn nói.

Dự kiến thu từ 15.000-30.000 đồng/đêm

Mức đề xuất thu phí của đề án dự kiến là người lớn 30.000 đồng/đêm, trẻ em từ 6 đến 18 tuổi là 15.000 đồng/đêm, trẻ dưới 6 tuổi không thu phí. Các đối tượng chính sách sẽ được xem xét miễn giảm theo quy định.

Nguồn kinh phí từ thu phí tham quan sẽ được sử dụng để quản lý, quảng bá, giáo dục, bảo tồn hệ thống di sản của cao nguyên đá; tái đầu tư cho hạ tầng, nâng cao chất lượng trải nghiệm điểm đến cho du khách; tăng nguồn lực để tái đầu tư cho người dân địa phương như nâng cao thu nhập, bảo tồn văn hóa, nâng cao nhận thức cộng đồng.

Đức Ngọc - Bạch Huy Thanh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-doc/thu-phi-tham-quan-cao-nguyen-da-dong-van-can-tinh-toan-ky-20230623224229717.htm