Thu phí tự động không dừng, thẻ dán chồng thẻ sao không phạt?

Thu phí tự động không dừng (ETC) xuất hiện nhiều lỗi do nhà cung cấp dịch vụ ETC, nhưng hiện nay lại chưa có chế tài xử phạt.

Sau hơn một tuần thực hiện đã phát sinh hàng chục nghìn lỗi, trong đó ngoài nguyên nhân chủ yếu từ phía chủ phương tiện thì cũng xuất hiện các lỗi từ phía hệ thống thu phí như: Lỗi không đọc được thẻ, tài khoản không về tiền, thẻ hỏng. Đặc biệt, lỗi từ các nhà cung cấp “dán thẻ chồng thẻ” lên nhau khiến xe qua trạm thẻ không đọc được.

Anh Trần Phong Danh (Mỹ Đình, Hà Nội) cho rằng, dù dán thẻ ETC đã có lộ trình từ lâu và không được dán “thẻ chồng thẻ” nhưng tình trạng này vẫn diễn ra gây khó khăn cho công tác vận hành thu phí ETC.

Ngoài ra, một số lỗi máy đọc trừ tiền sai cũng diễn ra phổ biến, gây bức xúc cho chủ phương tiện.

Theo anh Danh, thực tế hệ thống ETC trên cao tốc vẫn còn nhiều trạm hay bị lỗi, không nhận được thẻ hoặc có trường hợp bị trừ tiền 2 lần. Thực trạng này đang gây ức chế cho tài xế, đặc biệt từ khi có nghị định xử phạt tài xế không dán ETC hoặc đi vào làn ETC mà không đủ tiền.

"Tại sao chủ phương tiện vi phạm các điều kiện thu phí không dừng trên cao tốc thì bị phạt còn các đơn vị cung cấp dịch vụ gây ra lỗi thì chưa. Cần phải công bằng để chất lượng dịch vụ ngày càng tăng lên’, anh Danh nói.

Lỗi thu phí tự động nếu nguyên nhân do nhà cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư BOT thì phải xả trạm. Ảnh: Như Sỹ

Lỗi thu phí tự động nếu nguyên nhân do nhà cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư BOT thì phải xả trạm. Ảnh: Như Sỹ

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, các văn bản quy phạm pháp luật như Nghị định 100 hiện mới chỉ quy định xử phạt đối với chủ phương tiện không dán thẻ, không đủ tiền trong tài khoản đi vào cao tốc với mức phạt khá nặng.

Hoặc theo Nghị định 123, trường hợp chủ phương tiện không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng như xe không dán thẻ, tài khoản giao thông không đủ tiền bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 1-3 tháng.

Tuy nhiên, trách nhiệm của bên cung ứng dịch vụ để phát sinh các lỗi, có bị phạt hay không lại chưa được đề cập.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam nói thêm, các quy định của nhà nước trong quản lý thu phí nếu bên cung cấp dịch vụ vi phạm sẽ bị xử phạt theo hợp đồng, nhưng nội dung hợp đồng đó thế nào tài xế, doanh nghiệp vận tải khi đi dán thẻ không ai biết.

Cần phải tuyên truyền mạnh mẽ trách nhiệm giữa 2 bên là tài xế và đơn vị cung cấp dịch vụ đảm bảo công bằng, văn minh.

Cần có chế tài xử phạt

Lý giải vấn đề này, ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ môi trường & Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho hay, hiện nay mới chỉ xử lý trách nhiệm theo hợp đồng kinh tế giữa các bên. Cơ sở pháp lý để xử lý trách nhiệm này được quy định tại Thông tư 15 của Bộ GTVT quy định về trạm thu phí đường bộ.

Theo đó, khi các trạm thu phí gây ra lỗi dẫn đến ùn tắc giao thông thì phải dừng thu phí và tiến hành xả trạm. Thời gian xả trạm lỗi do nhà cung cấp dịch vụ ETC thì nhà cung cấp phải đền bù cho nhà đầu tư BOT. Nếu lỗi do nhà đầu tư BOT thì doanh thu không được tính thời gian xả trạm vào phương án tài chính.

Cơ sở pháp lý cao nhất hiện nay của thu phí không dừng là Quyết định 19 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ GTVT đang xem xét sửa đổi theo hướng nâng Quyết định này lên thành Nghị định.

Khi đó sẽ quy định chặt chẽ hơn các mối quan hệ giữa các bên trong hoạt động thu phí điện tử không dừng. Đây cũng là cơ sở để xử lý trách nhiệm của các bên: nhà cung cấp dịch vụ, đơn vị vận hành trạm thu phí, chủ phương tiện. Từ đó sẽ có chế tài xử phạt cụ thể.

Ông Toàn nói rõ, Tổng cục Đường bộ và Cục CSGT thống nhất quan điểm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ phương tiện lưu thông. Xe chưa dán thẻ, chưa nạp tiền sẽ được hỗ trợ ngay tại trạm. Chỉ khi thu phí ETC vận hành trơn tru mới tiến hành xử phạt.

Liên quan đến việc thẻ dán chống thẻ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, qua kiểm tra xác suất dữ liệu đấu nối thẻ đầu cuối, mở tài khoản dịch vụ thu phí ETC của 9 phương tiện được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu của Công ty TNHH thu phí tự động VETC và Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) cho thấy, cả 2 nhà cung cấp dịch vụ đều có tình trạng dán thẻ, mở tài khoản cho phương tiện đã đăng ký mở tài khoản của bên còn lại.

Yêu cầu 2 nhà cung cấp dịch vụ nghiêm túc rút kinh nghiệm khi để xảy ra các tồn tại, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng nhấn mạnh: Các nhà cung cấp dịch vụ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra sự cố và tranh chấp pháp lý trong quá trình thu phí tự động không dừng.

Hai nhà cung cấp dịch vụ cũng cần rà soát, chấn chỉnh việc dán thẻ đầu cuối, mở và quản lý tài khoản giao thông để giải quyết dứt điểm các vướng mắc cho chủ phương tiện. Nghiêm túc thực hiện hợp đồng đã ký giữa hai bên.

Vũ Điệp

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thu-phi-tu-dong-khong-dung-the-dan-chong-the-sao-khong-phat-2047933.html