Thu phí tự động: Phải mạnh tay, quyết liệt hơn nữa...!

c kỳ vọng sẽ làm minh bạch hóa nguồn thu và chống ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí. Tuy nhiên dự án thu phí tự động không dừng (ETC) của ngành giao thông sau 7 năm triển khai đã có không ít lần lỗi hẹn về đích.

Ì ạch triển khai thu phí tự động không dừng

Tháng 5 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có buổi làm việc với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về vướng mắc đối với việc triển khai ETC. Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thí điểm chỉ thu phí không dừng trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ 1/6 là việc khó nhưng dứt khoát phải làm, không lùi thời hạn.

Đặc biệt sau ngày 31/7, nếu dự án nào chưa triển khai xong thu phí không dừng sẽ phải tiến hành “xả trạm”, có chế tài xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân gây chậm tiến độ. Các trạm ETC cũng phải chủ động “xả trạm” kịp thời nếu để xảy ra sự cố.

Tình trạng ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí vẫn xảy ra, nhất là trong các dịp cao điểm do nhiều nguyên nhân.

Trước sự chỉ đạo quyết liệt của Phó Thủ tướng Chính phủ, dự án thu phí tự động không dừng đã có tín hiệu khả quan khi ngày 1/6, cả nước lần đầu tiên có một tuyến đường bộ cao tốc là Hà Nội - Hải Phòng chỉ phục vụ thu phí tự động không dừng.

Cùng với đó, thống kê của Bộ GTVT, hiện 113/118 trạm đã lắp đặt hệ thống thu phí không dừng với 87 trạm lắp đủ 100% số làn. Tháng 10/2021, cả nước mới có khoảng 1 triệu xe dán thẻ ETC; đến nay đã tăng lên khoảng 3 triệu xe trong tổng số gần 5 triệu xe đang hoạt động. Tuy nhiên, trong số các xe đã dán thẻ, chỉ có khoảng 60% là nạp tiền vào tài khoản, 40% còn lại không nạp tiền sử dụng.

Từ năm 2016, VETC là đơn vị đầu tiên được Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho phép dán thẻ E-tag tại các trung tâm đăng kiểm trên cả nước. Năm 2020 Bộ GTVT bổ sung thêm Nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng giai đoạn 2 (BOO2) là Công ty Cổ phần giao thông số Việt Nam VDTC (VDTC) với thẻ E-Pass.

Mặc dù là đơn vị đầu tiên thực hiện cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng nhưng đến nay, VETC mới dán ETC cho hơn một triệu phương tiện và có thời điểm đơn vị này từng đề nghị trả lại dự án cho Bộ GTVT.

Thông tin từ Công ty TNHH thu phí tự động VETC cho biết, trong quá trình triển khai dịch vụ, đơn vị gặp nhiều khó khăn. Quy định ban đầu là đơn vị BOT giao lại thiết bị, nhân lực tại trạm thu phí cho đơn vị BOO thực hiện nên doanh nghiệp BOT không mặn mà với loại hình thu phí mới mẻ này, e ngại mất quyền thu phí và sẽ giảm việc làm của người lao động tại các trạm.

Ngoài ra là dự án bị sụt giảm doanh thu, ảnh hưởng đến phương án tài chính. Một số trạm BOT có doanh thu thu phí đạt thấp, thậm chí có trạm bị người dân phản đối nên phải dừng. Do đó, các doanh nghiệp không muốn đầu tư thêm hệ thống thu phí không dừng và phải trích lại phí cho đơn vị thu, mức phí từ 2 - 7% doanh thu tùy thuộc lưu lượng xe và chi phí đầu tư.

Tháo gỡ nhiều rào cản khó khăn

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện thu phí bị chậm tiến độ, trong đó có yếu tố đến từ tài xế giữ thói quen sử dụng tiền mặt, không sẵn tiền trong tài khoản khi không sử dụng thường xuyên. Nhiều lái xe chưa ý thức, xe chưa dán thẻ vẫn đi vào làn ETC từ đó không khuyến khích được nhiều người sử dụng dịch vụ này.

Nhất là tình trạng lỗi thẻ không dừng xảy ra, nhiều xe bị trừ tiền hai lần khi qua trạm, barie không mở mà vẫn trừ tiền, thẻ không tích hợp nếu đi qua trạm của đơn vị cung cấp dịch vụ ETC khác,... dẫn đến tình trạng ùn tắc tại trạm thu phí khiến khiến tài xế bức xúc.

Đơn cử vào chiều 24/4, tình trạng ùn tắc tại các trạm thu phí đầu cuối tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng kéo dài khoảng 2-3km trước mỗi trạm. Các xe di chuyển chậm qua trạm vì lái xe phải dừng để trả tiền mặt tại các làn thu phí tự động không dừng.

Cần nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, khuyến khích lái xe sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng.

Theo Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), đơn vị quản lý vận hành tuyến cao tốc cho biết, sự cố xảy ra là do cáp quang đoạn qua huyện Gia Lâm (Hà Nội) bị đứt. VIDIFI đã yêu cầu VETC làm thêm đường cáp quang dự phòng và một đường truyền không dây để hệ thống ETC hoạt động thông suốt.

Trao đổi với PV Báo Nhà báo & Công luận, đại diện một doanh nghiệp vận tải chuyên chở hàng nông sản từ Nam ra Bắc, lên các cửa khẩu xuất sang nước ngoài cho biết, việc thực hiện thu phí tự động không dừng khi qua các trạm là đúng đắn giúp giảm bớt thời gian, tạo thuận tiện cho lái xe, đơn vị vận tải.

Tuy nhiên trong điều kiện các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ rất khó khăn vì mới phục hồi sau đại dịch COVID-19, áp lực xăng dầu tăng giá,... Với doanh nghiệp có hàng chục, hàng trăm đầu xe, số tiền phải trả trước để sử dụng dịch vụ thu phí tự động là rất lớn. Trong khi đơn vị vận tải là đối tượng sử dụng dịch vụ, là khách hàng thì cần có sự lựa chọn, không thể độc quyền từ phía đơn vị cung cấp dịch vụ.

Các cơ quan quản lý cần có những giải pháp để bảo đảm quyền lợi của cả đơn vị vận tải cũng như đơn vị cung ứng dịch vụ, cần có hai phương thức trả trước và trả sau. Trả sau thì có hình thức ký hợp đồng, thông báo tài khoản, xe đi qua cứ tích vào rồi doanh nghiệp vận tải sẽ trả. Cách làm này, doanh nghiệp vận tải có giấy tờ để hạch toán được chi phí đầu vào bởi như hiện nay không hạch toán được.

Thông tin từ ông Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam phân tích, phương tiện thanh toán không tiện lợi gây khó khăn cho doanh nghiệp vận tải. Những doanh nghiệp có nhiều đầu xe phải nạp số tiền không nhỏ vào tài khoản giao thông và khoản tiền này bị tồn đọng trong tài khoản nếu chủ xe không sử dụng.

Trong khi lưu thông, tài khoản giao thông hết tiền mà doanh nghiệp không kịp nạp cũng gây khó cho lái xe. Doanh nghiệp vận tải đã đề nghị có giải pháp tích hợp trả phí tự động qua tài khoản ngân hàng thay vì trả qua tài khoản giao thông của đơn vị cung cấp dịch vụ.

Tuy nhiên đơn vị dịch vụ thu phí không phải tổ chức tín dụng nên không được trả lãi cho số tiền của chủ xe trong tài khoản giao thông. Các ngân hàng vì lý do bảo mật nên không cho phép trừ tiền phí trực tiếp từ tài khoản ngân hàng.

Nhiều chuyên gia giao thông khẳng định, thu phí tự động không dừng giúp rút ngắn thời gian, minh bạch về tài chính,... là những lợi ích không thể phủ nhận. Việc ETC chậm tiến độ cần xem xét ở nhiều khía cạnh, cơ quan quản lý nhà nước là Tổng cục đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT phải xem xét lại quá trình thực hiện dự án vướng ở đâu để tháo gỡ.

Dự án thu phí tự động không dừng không thành công đó chính là do cách tổ chức triển khai không tốt. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đứng ra ký kết hợp đồng BOT phải chịu trách nhiệm với sự không thành công này, không phải chỉ có lỗi của nhà đầu tư.

Hoàng Lan

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thu-phi-tu-dong-phai-manh-tay-quyet-liet-hon-nua-post198396.html