Thu phí tự động: Vấn đề là có muốn làm hay không
Mặc dù Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Công ty TNHH Thu phí tự động không dừng (VETC) 'nại' lý do thu phí không dừng vướng mắc đến từ thanh toán qua ngân hàng, tuy nhiên theo phân tích của giới nhà băng, tồn tại chính ở chỗ Bộ GTVT khi đã tự quyết định thanh toán theo hệ thống riêng với tài khoản giao thông riêng dẫn đến phương thức thanh toán bộc lộ bất cập như: chậm trễ, thiếu tính an toàn bảo mật, minh bạch. Cũng vì thế người dân không muốn chọn lựa mà dùng tiền mặt.
Cần có sự phối hợp giữa ngành giao thông và ngân hàng
Trao đổi với Tiền Phong, một chuyên gia trong lĩnh vực thanh toán ngân hàng (đề nghị không nêu tên) cho biết ngay khi Bộ GTVT xin Thủ tướng cho phép thanh toán thu phí không dừng bằng việc mở một tài khoản giao thông, phía ngân hàng đã có trao đổi góp ý. Điểm cần lưu ý đó là tính pháp lý của câu chuyện thu tiền qua tài khoản riêng. Đơn cử như tiền qua tài khoản này ai sẽ là người bảo quản? Hàng triệu khách hàng nộp tiền vào nhỡ tài khoản không may bị hack? Công ty thu phí tự động không dừng (VETC) lúc đó có đền được không, hay thậm chí có thể dẫn đến phá sản?
“Câu chuyện mở tài khoản giao thông của công ty VETC cũng vậy. Lẽ ra họ nên lựa chọn theo mô hình của Grab dùng ví điện tử thanh toán GrabPay by Moca (thông qua việc bắt tay sử dụng các giải pháp thanh toán của Moca), vì khi đó sẽ có một “rừng” pháp lý bảo vệ họ. Điều này cũng rất tiện ích cho người sử dụng vì ví điện tử hiện quá phổ biến. Chúng ta có 2,7 triệu phương tiện ô tô trong khi ví điện tử đã có hơn 10 triệu người sử dụng. Muốn thanh toán thu phí không dừng hết vướng, chắc chắn Bộ GTVT phải sửa quy định trong đó phải mở ra một hệ thống dự phòng và nên có một sản phẩm liên kết với ví điện tử. Bản chất của thu phí không dừng là thanh toán điện tử, vấn đề là người ta có muốn làm hay không. Nạp tiền cho người sử dụng giao thông qua ví điện tử hay hình thức liên kết ra một mô hình nào đó hoàn toàn có thể do công ty VETC lựa chọn nhưng chắc chắn mọi việc sẽ rất dễ dàng thuận tiện, đặc biệt cho người sử dụng hơn”, vị này khẳng định .
Nhận xét về bất cập đang “dồn” vào lĩnh vực ngân hàng như: nếu dùng tài khoản khác thì thời gian thanh toán sẽ lên đến 0,9 giây trong khi qua trạm chỉ đọc mất 0,6 giây, nên doanh nghiệp cho rằng không kịp xác định tài khoản đó có còn tiền hay không? Hay việc thanh toán liên ngân hàng phải trả phí khiến người dân chịu thiệt… Một lãnh đạo Công ty NAPAS - đơn vị chịu trách nhiệm về chuyển mạch quốc gia và thanh toán liên ngân hàng (trực thuộc NHNN) cung cấp thêm thông tin: Quý 4/ 2018, NHNN đã ban hành chuẩn VCCS ứng dụng công nghệ chip cho thẻ nội địa, chuẩn này có thể ứng dụng cho việc thu phí không dừng trong giao thông.
Theo đó, các ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank... hoàn toàn có thể cung cấp cho ngành giao thông giải pháp cũng như trang thiết bị đầu cuối và Napas sẽ xử lý chuyển mạch các giao dịch này để thực hiện thu phí không dừng trong giao thông. “Như vậy, các thẻ ATM nội địa của các ngân hàng trong lộ trình chuyển đổi chip có thể thanh toán thu phí không dừng mà các bên liên quan không phải đầu tư phát hành thêm phương tiện thanh toán khác để dùng trong giao thông nữa. Vấn đề cơ bản nhất là cần có sự phối hợp giữa ngành giao thông và ngân hàng để đưa ra một giải pháp tổng thể, hỗ trợ tiện lợi nhất cho người dùng”, vị này khẳng định.
Ngân hàng muốn làm nhanh để thu hồi vốn
Theo ước tính sơ bộ của NHNN, hiện dư nợ cho vay BOT vào khoảng hơn 100 ngàn tỷ đồng, trong đó riêng 4 tổ chức tín dụng: BIDV, Vietinbank, Vietcombank và SHB chiếm tới khoảng 90% dư nợ toàn ngành và rơi vào khoảng 80.000 - 90.000 tỷ đồng. Việc triển khai thu phí không dừng vốn được giới nhà băng ủng hộ mạnh mẽ suốt mấy năm nay bởi quan điểm “muốn tiền tươi thóc thật” chảy về nhà.
Tuy nhiên, với việc Bộ GTVT thí điểm theo hướng khuyến khích người tham gia giao thông mở tài khoản giao thông thanh toán BOT chỉ qua một ngân hàng để công ty VETC có thể thực hiện khấu trừ nhanh khiến chính các ngân hàng trong cuộc khác đều bức xúc. “Điểm vô lý không thể một ông cho vay còn một ông thu tiền. Bộ GTVT làm gì cũng phải cân nhắc cho hợp lý hài hòa lợi ích, tiền thu được phải chảy về ngân hàng đã cho doanh nghiệp vay làm đoạn đường BOT đó mới hợp lý”, một đại diện ngân hàng chia sẻ.
Cũng theo ông này, xét đến cùng không thể một bên cho vay, một bên khác lại thu tiền. “Cách hay nhất cần có một tài khoản giao thông chung và cho phép khấu trừ thậm chí có thể ghi nợ trong một thời gian nhất định như 10 ngày chẳng hạn. Nếu chủ giao thông mà không có tài khoản liên thông hay chuyển tiền vào sẽ tính lãi và chịu phạt. Còn tiền làm BOT vay ngân hàng thì nên chảy về chính ngân hàng đó”, đại diện này đề xuất.
Chia sẻ với Tiền Phong, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Ngân hàng Công thương VietinBank cho biết cả năm nay, giới ngân hàng và VietinBank đều rất mong mỏi các doanh nghiệp BOT thực hiện thu phí không dừng càng nhanh càng tốt. Trên thực tế, việc đầu tư trạm thu phí không dừng luôn được ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ triển khai, bởi theo quan điểm: đã cho vay cả một con bò, tiếc gì sợi dây thừng. “Chúng tôi đã chuẩn bị tất cả về mặt công nghệ và xác định sẽ hỗ trợ tối đa trong việc thu phí BOT qua tài khoản”, ông Thọ khẳng định.
Theo thống kê của NHNN, tính đến giữa tháng 3/2018, có 27 đơn vị cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép tại Việt Nam, trong đó có hơn 20 đơn vị là ví điện tử. Còn lại là các dịch vụ khác như chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử, cổng thanh toán...
Do tài khoản giao thông và tài khoản ngân hàng của chủ sở hữu ô tô chưa thể kết nối với nhau, do khác nhau về tốc độ xử lý, nên mỗi chủ xe phải nộp một khoản tiền trước vào tài khoản giao thông để trừ dần cho các lần sử dụng đường bộ. Ðiều này trên thực tế đang gây bất cập và bức xúc với nhiều người dân sử dụng có xe đi qua BOT. Tuy nhiên theo giới ngân hàng, việc này hoàn toàn có thể xử lý linh hoạt – đặc biệt tài khoản giao thông nên có tính năng như một ví điện tử có thể thanh toán tiền điện, tiền nước mà người dân vẫn đang sử dụng.