Sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Tăng cường bảo vệ sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi đã xây dựng các mức thuế mới trên nhiều mặt hàng, từ thuốc lá, rượu, bia cho đến xe ô tô và nước giải khát bắt đầu từ năm 2026 với mục tiêu giảm tiêu thụ các mặt hàng có hại cho sức khỏe, tăng cường bảo vệ môi trường và điều chỉnh thuế phù hợp với xu hướng tăng thu nhập.

Chính phủ đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nam giới từ 15 tuổi trở lên sử dụng thuốc lá xuống dưới 36% vào năm 2030.

Chính phủ đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nam giới từ 15 tuổi trở lên sử dụng thuốc lá xuống dưới 36% vào năm 2030.

Tăng thuế thuốc lá để giảm tỷ lệ tiêu dùng

Theo Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá, Chính phủ đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nam giới từ 15 tuổi trở lên sử dụng thuốc lá xuống dưới 36% vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, dự thảo Luật đề xuất giữ nguyên mức thuế suất hiện tại là 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình tăng dần mỗi năm từ năm 2026 đến 2030.

Có hai phương án đang được đưa ra để thực hiện lộ trình này. Cụ thể, tại phương án 1, tăng mức thuế tuyệt đối đối với thuốc lá điếu từ 2.000 đồng/bao (năm 2026) lên 10.000 đồng/bao (năm 2030). Mức thuế cho xì gà sẽ tăng từ 20.000 đồng/điếu lên 80.000 đồng/điếu (năm 2030); với thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác, chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm sẽ tăng 20.000 đồng/100g hoặc 100ml (từ năm 2026) lên 100.000 đồng/100g hoặc 100ml (từ năm 2030).

Tại phương án 2, mức tăng với thuốc lá sẽ tăng bắt đầu từ 5.000 đồng/bao cho thuốc lá điếu và 50.000 đồng/điếu cho xì gà vào năm 2026, đến năm 2030 đạt mức tương ứng là 10.000 đồng/bao và 100.000 đồng/điếu.

Đươc biết, cả 2 phương án về lộ trình tăng mức thuế tuyệt đối tại dự thảo Luật gửi xin ý kiến đã được cân nhắc tính toán trên cơ sở các yếu tố như giá thuốc lá tại Việt Nam đang ngày càng rẻ so với thu nhập, dẫn đến sức mua thuốc lá tăng; Gánh nặng chi phí y tế liên quan đến bệnh tật do thuốc lá gây ra....

Tuy nhiên, Chính phủ nghiêng về phương án 2 vì mức tăng cao hơn này sẽ giúp giảm nhanh và mạnh hơn tỷ lệ sử dụng thuốc lá, đưa tỷ lệ này gần với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đạt tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ 59,38% vào năm 2030.

Tăng thuế rượu bia để bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Tại dự thảo Luật thuế TTĐB sửa đổi, để giảm thiểu tác động tiêu cực từ việc lạm dụng rượu, bia, dự thảo đưa ra lộ trình tăng thuế TTĐB đối với các sản phẩm này trong giai đoạn 2026-2030. Theo WHO, việc tăng giá các sản phẩm rượu, bia lên 10% sẽ giúp giảm tiêu thụ đáng kể.

Với mỗi mặt hàng cụ thể, dự thảo đều có 2 phương án. Theo đó, đối với mặt hàng rượu từ 20 độ trở lên, phương án 1 sẽ là tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 70%, 75%, 80%, 85%, 90% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030. Còn phương án 2 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030.

Đối với mặt hàng rượu dưới 20 độ, phương án 1 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 35% lên 40%, 45%, 50%, 55%, 60% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030. Phương án 2 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 35% lên 50%, 55%, 60%, 65%, 70% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030.

Đối với mặt hàng bia, phương án 1 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 70%, 75%, 80%, 85%, 90% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030. Còn phương án 2 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030.

Với mỗi mặt hàng, Chính phủ đều nghiêng về phương án 2 bởi theo tính toán giá bán năm 2026 sẽ tăng khoảng 10% so với năm 2025, và các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2-3% so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập của các năm tiếp theo. Với phương án 2 sẽ có tác dụng giảm khả năng chi trả đối với các sản phẩm rượu, bia mạnh hơn, tác động tốt hơn trong việc giảm tỷ lệ sử dụng rượu, bia và giảm các tác hại liên quan do việc lạm dụng rượu, bia gây ra.

Xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện hoặc năng lượng sinh học sẽ được áp dụng mức thuế chỉ bằng 70% mức thuế của xe cùng loại.

Xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện hoặc năng lượng sinh học sẽ được áp dụng mức thuế chỉ bằng 70% mức thuế của xe cùng loại.

Điều chỉnh thuế cho các loại xe ô tô thân thiện với môi trường

Dự thảo Luật TTĐB mới cũng bao gồm việc điều chỉnh thuế suất cho các dòng xe ô tô thân thiện với môi trường, nhằm khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn các phương tiện ít gây ô nhiễm.

Theo đó, xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện hoặc năng lượng sinh học sẽ được áp dụng mức thuế chỉ bằng 70% mức thuế của xe cùng loại. Các loại xe ô tô tải, xe pick-up chở người cũng được quy định lại thuế suất để phù hợp với đặc điểm sử dụng và giảm tải trọng môi trường.

Một điểm mới trong dự thảo Luật lần này là việc đưa nước giải khát có hàm lượng đường cao (trên 5g/100ml) vào diện chịu thuế TTĐB với mức thuế suất 10%. Đây là một động thái tích cực để giảm tiêu thụ đường và góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trước nguy cơ gia tăng bệnh tiểu đường, béo phì.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, dự thảo Luật Thuế TTĐB đang được xây dựng với nhiều thay đổi mạnh mẽ, hướng tới việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu tác động xấu của các sản phẩm như thuốc lá, rượu, bia và thúc đẩy sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Nhiều kỳ vọng rằng, các biện pháp này sẽ tạo ra sự thay đổi tích cực trong hành vi tiêu dùng, giảm gánh nặng chi phí y tế và bảo vệ sức khỏe lâu dài cho toàn dân.

Thùy Linh

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/sua-luat-thue-tieu-thu-dac-biet-tang-cuong-bao-ve-suc-khoe-cong-dong-va-bao-ve-moi-truong.html