Thử phỏng đoán xem điều gì sẽ đón đợi trong năm tới?

Tình thật, trong một thế giới đầy biến động, phỏng đoán điều gì sẽ xảy ra trong mấy ngày tới còn khó nói gì tới chuyện dự báo tình hình cả năm?

Trong một thế giới đầy biến động, phỏng đoán điều gì sẽ xảy ra trong mấy ngày tới còn khó nói gì tới chuyện dự báo tình hình cả năm.

Trong một thế giới đầy biến động, phỏng đoán điều gì sẽ xảy ra trong mấy ngày tới còn khó nói gì tới chuyện dự báo tình hình cả năm.

Thế nhưng nếu không dự liệu thì làm sao có thể định đoạt được những việc cần làm? Để xử lý tình thế nan giải này có lẽ đành “lách” bằng hai cách: hoặc dự liệu những kịch bản khác nhau hay đoán định chiều hướng rồi điều chỉnh tùy theo diễn biến tình hình. Ở đây xin tiếp cận theo cách thứ nhất.

1. Có thực mới vực được đạo, ta hãy cố hình dung xem kinh tế thế giới rồi ra sẽ ra sao?

Ta có thể hình dung bầu trời kinh tế thế giới trong năm tới khó bề có được trạng thái “trời quang mây tạnh” mà sẽ đón đợi trạng thái “âm u” nhưng không thể loại trừ khả năng phải đối mặt với “mưa to gió lớn”, suy thoái nghiêm trọng.

Sở dĩ không thể mong đợi trời quang mây tạnh mà sẽ âm u vì những hệ lụy của dịch bệnh-thiên tai, tài chính-tiền tệ và cả cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn sẽ tiếp tục phủ bóng đen lên bầu trời 2023. Theo nhiều dự báo, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế lớn đều thấp, thậm chí ở không ít nước tỷ lệ tăng trưởng tụt xuống mức dưới âm; chỉ số lạm phát cơ bản tuy có thuyên giảm ít nhiều vào tháng cuối năm song vẫn ở mức cao; tiền tệ vẫn bị thắt chặt, biên độ tăng lãi suất tuy có giãn bớt và mức độ tuy có giảm ít nhiều song quá trình tăng lãi suất vẫn tiếp diễn; sức mua nói chung yếu, tốc độ xuất khẩu thuyên giảm; những mối đe dọa về sự bất ổn năng lượng-nhiên liệu và cả lương thực vẫn còn đó; tác động của những đòn trừng phạt qua lại giữa phương Tây và Nga năm tới mới bộc lộ rõ nét…

Mặt khác, cuối năm 2022 đã xuất hiện đôi ba tia sáng le lói cho phép hy vọng kinh tế thế giới may ra có thể tránh được một cuộc suy thoái trầm trọng. Dịch bệnh tuy chưa chấm dứt hoàn toàn nhưng hy vọng rằng sẽ không bùng phát mạnh trở lại trên phạm vi toàn cầu; chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ nới lỏng dần theo tốc độ lạm phát hãm phanh; hầu hết các nước đã mở cửa và đi vào khôi phục kinh tế; nhất là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc buộc phải từng bước rời bỏ chính sách Zero Covid; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, trước hết là giữa Mỹ và Trung Quốc tuy tiếp tục quyết liệt song cuộc gập giũa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình ở Bali hôm 14/10/2022 cho thấy hai bên đang tìm cách “quản lý” cạnh tranh để không rơi vào chiến tranh lạnh mới, riêng về kinh tế thương mại Mỹ tiếp tục tìm cách kiềm chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ cao song hai bên tạm hoãn việc tăng thuế nhập khẩu một số mặt hàng...; các thể chế đa phương diễn ra dồn dập vào cuối năm 2022 tuy tiếp tục đối mặt với không ít mâu thuẫn song cũng đi tới một số sự đồng thuận về hợp tác khôi phục kinh tế, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu…

Trong khi kinh tế thế giới nói chung còn đứng trước những thách thức khó lường thì quá trình tái cấu trúc nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng, từ cấu trúc ngành nghề tới công cụ và phương thức sản xuất kinh doanh, nguyên nhiên liệu, phương tiện thông tin-điều hành; kinh tế số, kinh tế xanh… tiếp tục bùng nổ.

Liên quan tới cơ chế-chính sách kinh tế, những năm gần đây nhiều nước, kể cả Trung Quốc và các nước công nghiệp phát triển đều chú trọng nhiều hơn tới thị trường nội địa, gia tăng sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh tế-kinh doanh làm nảy sinh tâm tư cho rằng, học thuyết Keynes đang sống lại; sự “đồng thuận Washington” không còn được đề cao. Những xu hướng này sẽ tiếp diễn trong cả năm 2023 và cả những thập kỷ tới.

Nếu như trong những năm 2020-2022, nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy, xu thế toàn cầu hóa bị rạn nứt thì 2023 sẽ là năm hình thành cấu trúc mới của các chuỗi sản xuất-cung ứng cũng như quan hệ kinh tế-tài chính quốc tế.

Sức mạnh kinh tế của các nước lớn tiếp tục chuyển dịch không có lợi đối với Mỹ cũng như G7 nói chung; trong 10 nền kinh tế hàng đầu tính theo tổng GDP, ngoài Nhật Bản đứng hàng ba có thêm ba nền kinh tế châu Á là Trung Quốc đứng hàng hai với tổng GDP lớn gấp ba Nhật, Ấn Độ ngang ngửa với Anh hiện đứng thứ 6 và Hàn Quốc đứng thứ 10, ngoài ra trong hàng ngũ 10 nền kinh tế lớn nhất còn có Brazil thuộc nhóm BRICS. Kim ngạch buôn bán, đầu tư toàn cầu tiếp tục chuyển dịch sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Vấp phải những đòn trừng phạt tới tấp từ phía phương Tây lại phải đổ nhiều tiền của vào xung đột, kinh tế Nga sẽ khó khăn thêm.

2. Liên quan tới triển vọng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn thì trong năm tới có thể diễn ra một số chiều hướng đáng quan tâm.

Mỹ và Trung Quốc tiếp tục coi nhau là đối tượng cạnh tranh chủ yếu song như trên đã đề cập, tới cuối năm 2022 Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đã trực tiếp gặp nhau và đi tới thỏa thuận “quản lý” cạnh tranh. Năm 2023 sẽ là năm triển khai việc thực hiện thỏa thuận cấp cao trên được cựu Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị mô tả là “đạt được các mục tiêu mong đợi là kết nối sâu sắc, ý định rõ ràng, vạch ra các giới hạn đỏ, ngăn chặn xung đột, chỉ ra phương hướng và thảo luận hợp tác”. Điều gì ẩn sau những mỹ từ trên thì cần thêm thời gian để có thể cảm nhận được rõ hơn qua những hoạt động thực tế của hai bên.

Trong khi đó, sự căng thẳng tột độ trong quan hệ giữa Mỹ và Nga liệu có dịu đi không sẽ tùy thuộc vào diễn biến của tình hình Ukraine mặc dầu xem ra mọi bên liên quan đều có biểu hiện “mỏi mệt”!

Liên quan tới quan hệ Trung-Nga có những biểu hiện cho thấy sự hợp tác được tăng cường giữa hai nước không phải là “không có giới hạn” nếu tính rằng, tại cuộc gặp ở Bali, Mỹ-Trung đồng thanh kêu gọi chấm dứt chiến sự ở Ukraine và đều cho rằng đe dọa hạt nhân là không chấp nhận được!

Trong khi Mỹ-Nga đang bị cuốn vào cuộc xung đột Ukraine, Trung Quốc đã gia tăng đáng kể hoạt động ở Trung Á, Trung Cận Đông, nhất là tại những nước vướng mắc với Mỹ như Iran, Saudi Arabia

Mặc dù Liên minh châu Âu và cả NATO “đoàn kết” trong việc ngăn chặn Nga song không ít thành viên đã và sẽ tìm cách đi riêng phù hợp với lợi ích quốc gia của mình trong quan hệ với Trung Quốc và khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nhiều nước mới nổi tầm trung như Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Brazil, Saudi Arabia... sẽ đẩy mạnh chính sách đa dạng hóa quan hệ với các nước lớn, đồng thời nâng cao vị thế của mình không chỉ trong khu vực mà cả trên phạm vi rộng lớn hơn.

Chi tiêu quốc phòng và hoạt động quân sự có chiều hướng gia tăng ở nhiều nước; xu hướng vươn ra biển khơi và cả không gian vũ trụ cũng ngày càng mạnh mẽ.

Các thể chế đa phương toàn cầu và khu vực đang và sẽ được “tái cấu trúc” sâu rộng. Có không ít biểu hiện cho thấy “hai cực” Mỹ-Trung sẽ đóng vai trò chủ yếu trong quá trình định hình trật tự thế giới mới nhưng khác với thời Chiến tranh Lạnh chia thành hai phe dựa trên các thể chế chặt chẽ về quân sự là NATO-Warsaw, về kinh tế là WB, IMF, WTO và SEV, nay sự tập hợp lực lượng sẽ hết sức đa dạng, cơ động-linh hoạt, có người gọi đó là xu thế “đa trung tâm hỗn loạn”. Năm 2023 và những năm tiếp theo sẽ cho ta thấy rõ hơn bức tranh toàn cảnh về mặt này.

3. Dưới tác động của dịch bệnh, thiên tai và sự căng thẳng chính trị-an ninh, các vấn đề chính trị-xã hội trong năm tới sẽ càng gay gắt, nhiều nước sẽ đối mặt với tình trạng phân hóa giàu nghèo gia tăng; châu Phi sẽ tiếp tục chìm trong nghèo đói; các nước châu Âu không dễ gì xử lý thỏa đáng được vấn nạn dòng người di cư từ châu Phi, Trung Cận Đông và Ukraine đổ sang…

Không loại trừ khả năng chính trường nhiều nước, kể cả một số nước lớn tiếp tục đối mặt với khó khăn, sóng gió mới.

Lê Diệu Cầm

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thu-phong-doan-xem-dieu-gi-se-don-doi-trong-nam-toi-212779.html